Hiện nay, nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT Bộ GD&ĐT gửi xin ý kiến góp ý các sở GD&ĐT nhận được nhiều ý kiến quan tâm; đặc biệt là phương thức tuyển sinh THPT.
Cụ thể, 2 phương thức tuyển sinh THPT được đưa ra xin ý kiến góp ý là xét tuyển và thi tuyển.
Với thi tuyển, số lượng môn thi là 3 môn, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bắt thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT.
Thành phần tổ chức bắt thăm gồm: Lãnh đạo sở GD&ĐT, đại diện lãnh đạo các phòng trực thuộc sở GD&ĐT, thanh tra sở GD&ĐT và thành phần có liên quan khác do sở GD&ĐT mời; biên bản bốc thăm phải có chữ ký của các thành viên tham gia. Môn thi được bắt thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Đối với việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên, mỗi môn chuyên có thêm 1 môn thi chuyên.
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, việc Bộ GD&ĐT quy định 3 môn thi trong tuyển sinh vào lớp 10 là phù hợp với lý giải:
Thời lượng tổ chức thi diễn ra trong 3 buổi, nếu thi vào trường chuyên sẽ có thêm một buổi thứ 4 là khá hợp lý cho thí sinh.
Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 quy định 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Với THCS, tuyển sinh vào lớp 10 cũng quy định thi bắt buộc hai môn học này là hợp lý.
“Riêng với lựa chọn môn thi thứ 3, tôi rất đồng tình với phương thức bắt thăm và công bố trước ngày 30/3. Điều này khắc phục được tình trạng lâu nay học sinh học lệch nếu biết môn thi trước, hoặc học lơ là đối với các môn không thi vào lớp 10.
Tuy nhiên, tôi cho rằng cần nêu cụ thể những môn nào được chọn bắt thăm và đề xuất việc lựa chọn số các môn học để tổ chức bốc thăm nên giao về cho các sở GD&ĐT, với điều kiện số môn học chọn để bắt thăm phải lớn hơn 2”, ông Trần Tuấn Khanh cho hay.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) cũng bày tỏ đồng tình với phương thức thi tuyển 3 môn và cách thức lựa chọn môn thi thứ 3 bằng bắt thăm.
Lý do: thi 3 môn, thời gian tổ chức gọn nhẹ hơn, không gây cho học sinh căng thẳng, áp lực.
Môn thứ 3 bắt thăm ngẫu nhiên trong khoảng thời gian trước khi tổ chức kỳ thi là rất phù hợp để tránh học sinh học tủ, học lệch các môn ở THCS.
Nếu học sinh biết trước 3 môn sẽ thi tuyển sinh chắc chắn sẽ không dành thời gian nhiều để học các môn không thi, ảnh hưởng đến mục tiêu giáo dục ở THCS – giai đoạn giáo dục cơ bản.
“Theo Chương trình GDPT 2018, THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Học sinh lên THPT được lựa chọn môn học. Nếu không chú trọng học đều các môn ở THCS, sẽ có học sinh “hổng” kiến thức phổ thông với những môn các em xác định không tiếp tục học ở THPT”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.