Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói gì sau khi tạm ngừng phiên tòa?

Chiều ngày 1/3, sau khi HĐXX tuyên bố tạm ngừng phiên tòa, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và đại diện nguyên đơn đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí. Phía nguyên đơn không đồng tình với nhận định của Viện kiểm sát (VKS) về đóng góp của bà Thảo.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói gì sau khi tạm ngừng phiên tòa?

Theo đó, bà Thảo cho biết sau khi đại diện VKS phát biểu quan điểm, phía nguyên đơn đã có đơn đề nghị tạm ngừng phiên tòa đến ngày 27-3, vì nhận thấy nhiều việc tòa án thực hiện chưa đúng thủ tục.

"Đồng thời tôi muốn cung cấp đầy đủ chứng cứ để phán quyết đúng đắn" - bà Thảo nói.

Tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân

Trả lời về khoản tiền 2.109 tỉ, đại diện nguyên đơn khẳng định: "Tại phiên tòa ngày 25-1, đại diện VKSND TP.HCM cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói có góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp nhưng không có chứng cứ chứng minh. Đây là quan điểm không đúng pháp luật". 

Theo phía nguyên đơn, khi ly hôn, theo quy định của pháp luật, tài sản mà hai vợ chồng chia là "khối tài sản chung". 

Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định "tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Dựa trên những diễn biến ở các phiên tòa, bà Thảo đã nhiều lần khẳng định tại phiên tòa việc góp tiền cho ông Vũ khởi nghiệp, bà đưa bằng tiền mặt trực tiếp cho ông Vũ.

Như vậy, khi nhắc đến "tài sản chung" thì phải nói đến pháp nhân được thành lập đầu tiên trong thời kỳ hôn nhân là hợp tác xã Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên được thành lập vào tháng 7-1999.

Ngoài ra, Luật Hôn nhân gia đình quy định "công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung". 

Trong trường hợp này, tài sản chung chính là cổ phần và vốn góp: 90% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNI), 30% tại Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG), 15% cổ phần tại Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên, 15% cổ phần tại Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, 15% cổ phần tại Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising, 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê, 30% phần vốn góp tại Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo nói gì sau khi tạm ngừng phiên tòa? - Ảnh 2.

Bà Diệp Thảo và người đại diện trao đổi với báo chí - Ảnh: Hoàng Đông.

Theo bà Thảo, việc đánh giá không đúng pháp luật về công sức khởi nghiệp đã khiến dư luận hiểu sai bản chất của vấn đề pháp lý mấu chốt này. "Tiêu chí" ông Vũ là linh hồn của Trung Nguyên không có ý nghĩa về mặt pháp lý, cũng như không phải là công sức tạo lập tài sản chung. 

7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên được thành lập trong thời kỳ hôn nhân, và được hai vợ chồng phân vai quản lý, điều hành từ những ngày đầu. Như vậy, công sức đóng góp của hai vợ chồng đối với Trung Nguyên là ngang nhau. Cả hai đều có đóng góp như nhau trong việc tạo lập, duy trì và phát triển số cổ phần và phần vốn góp tại các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên.

Nghi ngờ bị đơn làm giả tài liệu?

Theo đại diện nguyên đơn, các chứng cứ mà phía ông Vũ cung cấp không có cơ sở hợp pháp. Tại các phiên xét xử, phía ông Vũ đưa ra các tài liệu chứng cứ photo: Giấy phép kinh doanh của ông Vũ năm 1996, tài liệu chuyển đổi từ Hợp tác xã thành Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên.

Tuy nhiên, khi HĐXX yêu cầu phía ông Vũ cung cấp các bản gốc để đối chiếu thì phía ông Vũ chưa thực hiện được. "Chúng tôi nghi ngờ bị đơn giả mạo về các tài liệu chứng cứ này" - đại diện nguyên đơn nói. 

Theo phía nguyên đơn, pháp luật Việt Nam không có quy định việc chuyển đổi từ HTX thành công ty. Như vậy, Công ty TNHH Cà phê Trung Nguyên là thành lập mới hoàn toàn, chứ không phải được chuyển đổi từ HTX mà phía ông Vũ đã nêu tại tòa.

"90% cổ phần tại Công ty Đầu tư Trung Nguyên là do 2 vợ chồng đăng ký mua, phải góp bao nhiêu tiền để mua số cổ phần đó. Phải làm rõ mỗi người góp bao nhiêu tiền, tiền đó nguồn gốc ở đâu" - đại diện nguyên đơn khẳng định.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết ông không quan tâm đến kết quả phiên tòa. Việc phán quyết thế nào do HĐXX quyết định.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.