Australia: Báo động số người bị hạn chế đọc, viết và tính toán

GD&TĐ - Hơn 20% người Australia trưởng thành có trình độ đọc hiểu, viết, toán số và kỹ năng giải quyết vấn đề kỹ thuật số rất thấp. Đây cũng là nhóm ít có khả năng tham gia vào các chương trình GD người lớn để nâng cao năng lực và bổ sung vào đội ngũ lao động đang có đòi hỏi lớn về những kỹ năng mới. Đó là một con số đáng báo động, theo phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

PGS Knox cho rằng các công việc cấp trung sẽ sớm biến mất, trong khi các công việc thấp nhất và có tay nghề cao nhất sẽ mở rộng
PGS Knox cho rằng các công việc cấp trung sẽ sớm biến mất, trong khi các công việc thấp nhất và có tay nghề cao nhất sẽ mở rộng

Thiệt thòi lớn

Theo báo cáo vừa công bố của OECD: “Hơn một phần năm người Australia chỉ có thể hoàn thành yêu cầu đọc, viết hoặc tính toán đơn giản nhất, chẳng hạn đọc các văn bản ngắn gọn về các chủ đề quen thuộc hoặc hiểu tỷ lệ cơ bản về tính toán”. OECD cho rằng, đây là con số rất lớn và cần phải nâng cao năng lực của nhóm người này, bởi điều đó “tác động quan trọng đến việc duy trì và tăng khả năng cạnh tranh của Australia”.

OECD cũng chỉ ra rằng, người trưởng thành có trình độ kỹ năng thấp ít có khả năng tham gia vào GD-ĐT hơn rất nhiều so với những người cùng trang lứa có kỹ năng cấp cao. Chỉ 23% người Australia có tay nghề thấp được tham gia vào GD, so với 48% của tất cả người trưởng thành.

Các phát hiện của OECD đến vào thời điểm đang có sự thay đổi rộng rãi trên thị trường việc làm toàn thế giới, với khoảng 32% công việc được phân tích trên 32 quốc gia thuộc OECD có khả năng thay đổi đáng kể và 14% khác có khả năng tự động hoàn toàn, báo cáo của OECD cho biết.

Bà Angela Knox, PGS nghiên cứu về công việc và tổ chức tại ĐH Sydney (Australia), nói rằng các công việc cấp thấp nhất (chỉ đòi hỏi đơn thuần về sức khỏe cơ bắp và sự khéo léo hay quen tay của lao động) và cấp cao nhất (những nhà nghiên cứu, sáng chế, lập trình, điều hành hoặc nhà tổ chức) có khả năng vẫn còn tồn lại lâu dài, thậm chí là mở rộng hơn, trong khi các công việc cấp trung (chiếm đa số) có khả năng biến mất sớm do sự thay thế của công nghệ và thiết bị thông minh, tạo ra sự bất bình đẳng lớn về cấu trúc xã hội.

“Đó là công việc nằm ở giữa của cơ cấu lao động, nơi đã từng là cánh cửa cho rất nhiều công nhân không có nhiều kỹ năng được gia nhập lực lượng lao động trong các công ty lớn và có cơ hội thăng tiến lên các vị trí quản lý. Rất tiếc, điều này sẽ sớm không còn nữa” - bà Knox nói - “Đây cũng là những công việc lâu dài, mang lại cho người lao động sự an toàn tài chính, trái ngược với nhiều công việc lương thấp chỉ là ngẫu nhiên được lựa chọn hoặc chỉ là tạm thời của người lao động”.

Báo cáo của OECD cũng lưu ý rằng, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa có khả năng tham gia GD người lớn ít hơn 15 điểm phần trăm so với người lao động trong các doanh nghiệp lớn. Các nhóm thất nghiệp nằm trong số ít có khả năng tham gia nhất, với tỷ lệ trung bình thấp hơn 19% so với người trưởng thành có việc làm.

Cần sự can thiệp

OECD chỉ ra rằng, các rào cản chính để tham gia vào các chương trình GD người lớn bao gồm thiếu thời gian vì lý do liên quan đến công việc, tiếp theo là thiếu nguồn tài chính, áp lực thời gian liên quan đến gia đình hay thời gian bố trí để đi học hoặc địa điểm bất tiện đối với người có nhu cầu.

PGS Knox cho biết, chính phủ cần phải làm nhiều hơn để giải quyết các rào cản ảnh hưởng không tương xứng đến các nhóm đã bị thiệt thòi.

“Điều còn thiếu trong cuộc tranh luận này là chúng ta có thể kiểm soát tương lai của công việc” - bà Knox nói - “Có một vai trò cho chính phủ và các cơ quan khác trong việc phát triển công nghệ và chính sách để kiểm soát tương lai của công việc, đồng thời định hình nó thành điều mà chúng ta xác định là mong muốn của xã hội. Chúng ta không thể và cũng không cần phải ngồi lại và chờ đợi”.

Thực tế Australia có mức độ khẩn cấp tương đối thấp trong các thách thức kỹ năng so với các quốc gia khác trong khối OECD. Nước này đang thực hiện tốt hàng loạt biện pháp liên kết các chương trình học tập của người lớn với thị trường lao động, từ mức độ tham gia, tính bao quát của các chương trình và tài chính của người học.

Chỉ có Na Uy và New Zealand có mức độ khẩn cấp thấp hơn so với Australia, trong khi Bồ Đào Nha, Litva, Tây Ban Nha, Latvia và Hy Lạp có mức độ khẩn cấp cao nhất, do tính chất đặc thù từ các ngành công nghiệp chính của họ. Tuy nhiên, Australia được xếp hạng trong số ba quốc gia thấp nhất về tính linh hoạt của các chương trình GD, với 11% người học trưởng thành thực hiện chương trình GD từ xa, so với mức trung bình của OECD là 19%.

GS John Buchanan, Trưởng bộ môn Phân tích Kinh doanh tại ĐH Sydney, đồng tác giả của một báo cáo lớn về tương lai công việc và GD cho cơ quan GD của tiểu bang New South Wales vào năm ngoái, cho biết chính quyền các tiểu bang cần tìm cách giải quyết những rào cản ảnh hưởng tới sự tham gia vào GD nâng cao của người trưởng thành.

“Không phải người lớn lười biếng. Các thống kê cho thấy, người lao động Australia hiện nay làm việc hiệu quả hơn trước đây, nhưng hầu hết lợi nhuận là dành cho các doanh nghiệp” - Giáo sư Buchanan nói - “Cần phải xem xét cách chúng ta cung cấp cho mọi người tham gia vào GD nâng cao và GD lại, một cách thực tế chứ không phải là ngồi vạch ra một khái niệm trừu tượng. Cần phải học cách mà Đan Mạch và Na Uy đã làm khi cung cấp GD cho người trưởng thành ở đất nước họ”.

Theo ​Smh.com.au

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ