Tuôn chảy những tấm lòng nhân ái
Những ngày gần đây, người lao động nghèo, bán vé số, người vô gia cư, người làm nghề tự do, buôn bán ve chai… trên địa bàn TPHCM có thể đến nhận những suất gạo miễn phí từ ba chiếc máy “ATM gạo” đặt tại đường Vườn Lài (quận Tân Phú), UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và Nhà thiếu nhi Quận 12.
Chủ nhân của những chiếc máy “ATM gạo” là Hoàng Tuấn Anh - Giám đốc Công ty PHGLock. Theo anh Tuấn Anh, việc lắp đặt chiếc máy nhả gạo miễn phí trên chỉ đơn giản đến từ mong mỏi của bản thân là không muốn nhìn thấy ai gục ngã vì đói giữa đại dịch Covid-19.
Máy “ATM gạo” hoạt động thông qua một nút nhấn - gồm một bồn chứa gạo được đặt trên mái nhà và hệ thống ống dẫn. Trụ máy đặt trên vỉa hè kết nối với một nút chỉ cần ấn vào là gạo chảy ra. Lượng gạo “rút” ra mỗi lần khoảng 1,5 – 2 kg trong thời gian một phút. Người dân đến lấy gạo sẽ phải xếp hàng theo đúng khoảng cách 2m, trước khi lấy gạo phải rửa tay bằng nước diệt khuẩn đặt bên cạnh.
Chia sẻ với phóng viên, anh Tuấn Anh cho biết: Khi lệnh cách ly toàn xã hội có hiệu lực, nhiều người lao động nghèo mất đi nguồn thu. Nhiều mạnh thường quân tặng nhu yếu phẩm cho họ nhưng với cách làm thủ công sẽ tập trung đông người, rất dễ lây lan dịch bệnh. Bản thân anh đang kinh doanh mảng nhà thông minh, khóa điện tử nên anh nghĩ ra chiếc máy phát gạo tự động này.
“Thiết bị trong máy phát gạo tự động là một trong số sản phẩm của công ty đang phát triển. Máy hoạt động 24/24 giờ nên nếu đông quá, người dân có thể giãn ra rồi quay lại nhận sau không sợ hết. Hiện bình quân một ngày có khoảng 3 - 4 tấn gạo được phát miễn phí đến người lao động nghèo tại mỗi điểm” - anh Tuấn Anh cho biết.
Câu chuyện đầy cảm động về chiếc máy nhả gạo miễn phí cho dân nghèo nhanh chóng lan nhanh, bay xa chạm vào lòng trắc ẩn của hàng vạn người dân TPHCM và người dân trên cả nước. Vì vậy, chỉ sau hai ngày máy “ATM gạo” đầu tiên đi vào hoạt động, nhiều cá nhân và mạnh thường quân đã tìm đến, tiếp thêm hàng chục tấn gạo.
Là người đầu tiên chứng kiến máy “ATM gạo” nhả gạo miễn phí cho người nghèo, nhà lại ở gần đó nên chỉ sau một ngày, chị Nguyễn Thị Ngọc Diễm đã chở 100 kg gạo qua “tiếp gạo” cho máy. “Tôi thấy việc làm của chủ nhân máy phát gạo quá ý nghĩa và nhân văn nên tôi cũng chung tay ủng hộ. Mình giúp người khó khăn khi mình không khó khăn là việc nên làm, một miếng khi đói bằng một gói khi no mà”, chị Diễm nói.
Chung vai để cùng nhau vượt qua đại dịch
Từ thành công và lan tỏa mạnh mẽ của “máy ATM” phát gạo miễn phí đầu tiên tại quận Tân Phú, anh Tuấn Anh quyết định lắp đặt thêm hai chiếc máy nữa tại Quận 12 và Bình Chánh khi thấy nhu cầu rất lớn của người dân có hoàn cảnh khó khăn cần “tiếp sức”. Hiện cả hai máy phát gạo miễn phí trên đã đi vào hoạt động, với công suất phục vụ mỗi máy từ 3.000 – 4.000 lượt/ngày.
“Từ ngày thực hiện phát gạo miễn phí, tôi trăn trở rất nhiều vì nguồn lực tài chính của mình có hạn. Nhưng thật vui mừng khi được sự chung vai của rất nhiều người khác, qua đó mình sẽ có điều kiện giúp đỡ và chia sẻ khó khăn thêm cho nhiều người.
Tôi sẽ nỗ lực bằng trọn trái tim và tâm huyết để làm tốt nhất công việc phát gạo miễn phí cho đến khi hết dịch Covid-19. Đồng thời cũng sẽ cố gắng hết sức để bảo đảm việc nhận và cấp phát công khai, minh bạch, an ninh trật tự”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hưng (56 tuổi, ngụ quận Tân Phú) không kìm được nước mắt chia sẻ: Cả tuần nay chú đều ghé chỗ này để nhận gạo miễn phí. Thật không có từ ngữ nào để cảm ơn đến người đã tạo ra cái máy “ATM gạo” này.
“Chú sống bằng nghề bốc vác và ở thuê cùng hai đứa con. Năm trước không may chú bị tai nạn chấn thương cột sống nên không thể làm bốc vác được nữa. Hàng ngày chú đi nhặt ve chai, kiếm tiền mua gạo và tằn tiện vài trăm nghìn trả tiền nhà. Nên khi nghe tin và đi nhận hàng ngày một phần gạo miễn phí chú vui và biết ơn lắm”, ông Hưng nói.
Sức lan tỏa mạnh mẽ
Ngay sau khi câu chuyện đầy tính nhân văn về những chiếc máy “ATM gạo” tại TPHCM giúp người nghèo bay xa, nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước cũng đã bắt đầu triển khai máy “ATM gạo” để chung vai chia sẻ với người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hiện TP Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau… cũng đã xuất hiện những chiếc máy nhả gạo miễn phí và được cộng đồng nhiệt liệt ủng hộ.
Thực tế, từ khi người dân thực hiện lệnh cách li xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16, rất nhiều tấm lòng vàng cùng các nghĩa cử cao đẹp của các mạnh thường quân đều hướng về cộng đồng.
Ngày 17/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Thủ tướng khẳng định, những việc làm có ý nghĩa không phải do tuổi tác, thu nhập, trình độ hay địa vị quyết định, mà tất cả đều là xuất phát từ trái tim. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Cùng nhau chúng ta sẽ vượt qua được đại dịch Covid-19.