- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao và cảm ơn Chính phủ, Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đã ủng hộ, hỗ trợ, tạo điều kiện để các Trung tâm SEAMEO tại Indonesia hoạt động tốt, thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ của mình, đồng thời có những đóng góp, hỗ trợ lớn đối trong lĩnh vực hoạt động của mình đối với các nước thành viên SEAMEO khác, trong đó có Việt Nam.Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cảm ơn Bộ trưởng Giáo dục Indonesia vì đã ủng hộ ông trong vai trò Chủ tịch Hội đồng SEAMEO.
Cùng với sự ủng hộ của các Bộ trưởng trong Hội đồng SEAMEO, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực cao để cùng Tổ chức SEAMEO thực hiện thật tốt những nghị quyết đã được Hội đồng thông qua tại Hội nghị SEAMEC 47 cũng như những định hướng đã xác định tại Đối thoại chiến lược các Bộ trưởng SEAMEO (tổ chức tại Lào tháng 9/2014) và Đại hội SEAMEO; cùng góp sức hoạch định những kế hoạch mới cho thời gian tới.
Đồng thời, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thông báo một số nội dung trong khuôn khổ hoạt động SEAMEO tới Bộ trưởng Anis Basweden. Cụ thể:
Xây dựng các Kịch bản và Chương trình nghị sự Giáo dục sau năm 2015 và sau EFA (Giáo dục cho mọi người) tại ĐNÁ
Tại Diễn đàn đối thoại chiến lược của các Bộ trưởng giáo dục SEAMEO (SDEM) được tổ chức tháng 9/2014 tại Vientiane, 7 lĩnh vực ưu tiên đối với SEAMEO (giai đoạn 2015 - 2035) được xác định bao gồm: 1) Chăm sóc và giáo dục mầm non; 2) Xóa bỏ rào cản hòa nhập cộng đồng; 3) Khả năng chống chịu trong tình huống khẩn cấp; 4) Xúc tiến giáo dục dạy nghề (TVET); 5) Đào tạo giáo viên; 6) Hài hòa hóa trong hoạt động nghiên cứu và giáo dục đại học; 7) Áp dụng chương trình giảng dạy của thế kỷ 21.
7 lĩnh vực ưu tiên này cấu thành Chương trình nghị sự giáo dục SEAMEO sau 2015. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong Bộ trưởng Armin A Luistro ủng hộ thúc đẩy 7 ưu tiên này cũng như ủng hộ nghiên cứu đang thực hiện nhằm xây dựng Chương trình nghị sự giáo dục của SEAMEO.
Kiến nghị từ Đại hội SEAMEO: Nhìn lại Giáo dục, Khoa học và Văn hóa hướng tới Hội nhập Khu vực
Những kiến nghị chính tại Đại hội SEAMEO (11/2014) gồm:
a) Nâng cao quản trị và tạo dựng môi trường thuận lợi cho giáo dục;
b) Tăng cường mối liên kết giữa các hệ thống giáo dục chính quy, không chính quy và giáo dục không chính thức;
c) Đặt giáo dục vào hệ thống văn hóa - xã hội hiện nay;
d) Thiết kế công tác giảng dạy - học tập hiệu quả và gắn chương trình giảng dạy với nhu cầu của thị trường lao động;
e) Phát triển lãnh đạo trong giáo dục;
f) Đẩy mạnh hợp tác đa phương;
g) Tận dụng tối đa công nghệ thông tin và truyền thông; h) thúc đẩy giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM - Science, Technology, Engineering and Mathematics);
i) Liên tục tăng cường năng lực.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị Bộ trưởng Anis Basweden chia sẻ quan điểm về cách thức áp dụng các kiến nghị của Đại hội SEAMEO vào bối cảnh và hoạt động cải cách giáo dục đang triển khai tại của Indonesia.
Kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO
Tháng 11/2015, SEAMEO sẽ bước qua một dấu mốc quan trọng đánh dấu 50 năm xây dựng và trưởng thành.
Hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO nhằm mục đích: Vinh danh những thành tựu SEAMEO đã đạt được và nêu bật dấu mốc 50 năm; nâng cao vị thế, ghi nhận và hình ảnh của SEAMEO ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; khơi dậy lòng tự hào về tổ chức trong từng thành viên và các bên liên quan của SEAMEO; tăng cường hợp tác giữa các trung tâm SEAMEO trong khu vực với các các đối tác và các bên liên quan.
Hoạt động kỷ niệm 50 năm cần có sự tham gia và ủng hộ từ các bên liên quan của SEAMEO như Bộ Giáo dục của các quốc gia thành viên, các quốc gia thành viên liên kết và các tổ chức thành viên liên kết.
Chủ đề lễ kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO là: Giáo dục hướng tới Phát triển Bền vững. Lễ kỷ niệm chính thức dự kiến được tổ chức vào dịp diễn ra Hội nghị Hội đồng SEAMEO lần thứ 48 vào tháng 5/2015. Ban Thư ký SEAMEO và các Trung tâm SEAMEO đang tích cực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này.
Trong cuộc hội đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã tham khảo các ý kiến/kiến nghị của Bộ trưởng Anis Basweden về các hoạt động có khả năng sẽ được Bộ Giáo dục Indonesia tiến hành nhân kỷ niệm 50 năm thành lập SEAMEO.
Tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo Việt Nam - Indonesia
Trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia, những năm vừa qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn được duy trì. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia - thông qua Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam - vẫn thông báo cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam đi học ở Indonesia với những chuyên ngành rất phù hợp với Việt Nam.
Tuy nhiên, các khoá học này đều được dạy bằng tiếng Indonesia nên việc tuyển chọn ứng viên để giới thiệu cho phía Indonesia thường gặp khó khăn.
Ngoài ra, Chính phủ Indonesia hàng năm vẫn cấp 1 - 2 học bổng ngắn hạn cho giáo viên và sinh viên Việt Nam đi học về nghệ thuật múa của Indonesia.
Bản Ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Indonesia đã được ký tháng 5/2005 và đã được gia hạn theo khuôn khổ Chương trình hành động Việt Nam - Indonesia từ 2011 - 2015. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, Bản Ghi nhớ này chưa được triển khai một cách hiệu quả.
Trong năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Indonesia, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn ký lại Bản Ghi nhớ này và bàn về những vẫn đề rất cụ thể để có thể khai thác tối đa tiềm năng của hai nước nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thông qua các hoạt động cụ thể như sau:
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đề nghị phối hợp với 3 Trung tâm khu vực của SEAMEO tại Indonesia (Trung tâm SEAMEO QITEP về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về ngôn ngữ, toán và khoa học) tổ chức tại Việt Nam các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý và giảng dạy các môn ngoại ngữ, toán và khoa học cho cán bộ, giáo viên dạy các môn này từ cấp Bộ đến cấp Trường của Việt Nam tại Việt Nam.
+ Tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam - Indonesia tại Việt Nam hoặc tại Indonesia nhằm tăng cường hợp tác giáo dục đại học và nghiên cứu giữa các trường đại học hai nước.
+ Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm giữa giáo viên và học sinh hai nước góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Indonesia.
ASEAN phải trở thành khu vực có ảnh hưởng tới thế giới!
Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Anis Basweden khẳng định ủng hộ các chương trình vừa được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trình bày; đồng thời cho biết: Ngành Giáo dục Indonesia đang tích cực chuẩn bị cho các hoạt động, chương trình của SEAMEO.
Bộ trưởng Anis Basweden chia sẻ: Với điều kiện địa lý là một quốc đảo rộng lớn, dân số đông, Indonesia rất chú trọng đến công tác quản lý hệ thống giáo dục và giáo dục hòa nhập toàn diện cho tất cả mọi người.
Theo Bộ trưởng Anis Baswenden, với tầm nhìn của SEAMEO mà Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vừa trình bày, khu vực ASEAN sẽ không còn là công xưởng của thế giới mà phải trở thành khu vực có ảnh hưởng tới thế giới. Chính vì vậy, giáo dục có vai trò rất quan trọng. Cần đặc biệt chú ý đến đổi mới phương pháp giáo dục, thay đổi tư duy dạy – học và chú trọng đến công tác kiểm tra đánh giá.
Về hợp tác song phương trong lĩnh vực giáo dục giữa Việt Nam – Indonesia, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia khẳng định sẽ trao đổi với các đồng nghiệp để thực thi những vấn đề được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu trong hội đàm, nhất là việc ký tiếp Bản ghi nhớ.
Bộ trưởng Anis Baswenden bày tỏ sự nhất trí với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong vấn đề trao đổi sinh viên giữa hai nước vì ngày càng nhiều trường ĐH ở Indonesia dạy – học theo chương trình quốc tế và dạy ĐH bằng tiếng Anh. Ông cũng bày tỏ mong muốn đưa tiếng Indonesia giảng dạy ở Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy nghề của Việt Nam.
Lắng nghe những chia sẻ từ người đồng cấp Indonesia, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vui mừng cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD – ĐT. Chương trình và sách giáo khoa cũng đang được nghiên cứu và sẽ có những thay đổi để phát triển năng lực học sinh, gắn với yêu cầu của thị trường lao động. Thay đổi mô hình phát triển giáo dục đại học từ chú trọng phát triển số lượng sang mô hình chú trọng chất lượng và hiệu quả.
Bộ GD&ĐT Việt Nam cùng các Bộ, ngành liên quan đã bàn việc phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện hệ thống để liên thông giữa đào tạo nghề và hệ thống giáo dục đào tạo, liên thông trong nội bộ hệ thống nghề, nội bộ hệ thống giáo dục, cũng như liên thông giữa hệ thống của Việt Nam với hệ thống giáo dục các nước ASEAN để chủ động hội nhập ASEAN năm 2015. Việt Nam rất sẵn lòng hợp tác để trao đổi kinh nghiệm giữa hai bên.
Hiện tại, Việt Nam cũng có chủ trương giảng dạy đa ngôn ngữ, trong đó ưu tiên ngôn ngữ của các nước ASEAN. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ trao đổi với các Sở GD&ĐT có nhu cầu dạy tiếng Indonesia và khi có điều kiện sẽ gặp gỡ, trao đổi với Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội để bàn về việc này.