Theo Phó Thủ tướng, cạnh tranh chiến lược giữa các nước là một thực tế đang diễn ra và được trao đổi trên các hội nghị, diễn đàn trên thế giới, và cả ở Đông Nam Á- khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.
ASEAN có các cơ chế như EAS và ARF - là những diễn đàn để trao đổi về các vấn đề chiến lược và những vấn đề trong quan hệ giữa các nước liên quan đến khu vực. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vì thế cũng là một phần chương trình nghị sự của các cuộc họp.
Nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về duy trì hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á, thể hiện rõ quan điểm của các nước thành viên mong muốn xây dựng Đông Nam Á là khu vực hòa, ổn định và thịnh vượng.
Các Bộ trưởng cũng mong muốn tất cả các nước trên thế giới cũng như khu vực đóng góp tích cực, hỗ trợ thúc đẩy duy trì hòa bình, ổn định khu vực Đông Nam Á. Đó cũng chính là thể hiện vai trò trung tâm của ASEAN mà ASEAN mong muốn xây dựng.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marudi cũng khẳng định, Indonesia không muốn bị "cuốn vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc".
Ngoại trưởng Indonesia cho rằng ASEAN phải kiên định, trung lập và đoàn kết; khẳng định ASEAN nói chung và Indonesia muốn cho tất cả thấy mong muốn sẵn sàng trở thành đối tác.
Hội nghị AMM 53 và các hội nghị liên quan do Việt Nam chủ trì từ ngày 9-12/ 9 với sự tham gia của 28 quốc gia từ 4 châu lục tại các điểm cầu đã kết thúc tốt đẹp với sự tham dự, đóng góp tích cực của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và đối tác, Tổng Thư ký ASEAN và khách mời.
Thành công của 19 Hội nghị cấp Bộ trưởng và các Phiên họp vừa qua trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp cho thấy sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN, đồng thời thể hiện sự linh hoạt, chủ động và tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.