Áp lực thi cử dễ khiến trẻ hoang tưởng, phát bệnh tâm thần

Nhiều phụ huynh lùng sục tìm mua thuốc bổ thần kinh với mong muốn giúp con em mình tăng cường trí nhớ và sức khỏe. Tuy nhiên, họ không biết rằng, cái trẻ cần lúc này không phải thuốc bổ não mà chính là giấc ngủ.

Áp lực thi cử dễ khiến trẻ hoang tưởng, phát bệnh tâm thần

Không tiếc tiền mua thuốc bổ não cho con

Bước vào mùa tuyển sinh 2016, các sỹ tử lao vào “cuộc chiến” với bài vở. Đây cũng là thời điểm nhiều phụ huynh tất bật tẩm bổ cho con. Có không ít bậc phụ huynh đã tìm đến các loại thuốc bổ thần kinh và coi đó là “cứu cánh” hiệu quả giúp con mình tăng cường trí nhớ, ôn thi tốt hơn.

Chị Hồng Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, gần đây con trai chị miệt mài học tập bất kể ngày đêm nên bị xuống cân, thần sắc không tốt.

Thương con, chị đã tìm hiểu và lên thực đơn toàn những món bổ dưỡng. Thế nhưng mỗi bữa ăn, con trai chị thường chỉ đụng đũa qua loa. Thấy rằng cách này không ổn, chị bèn tìm đến các loại thực phẩm chức năng và thuốc bổ thần kinh.

Chị Hạnh lên mạng tìm hiểu thì thấy rằng thị trường có bán rất nhiều loại thuốc bổ não, kèm theo các lời quảng cáo rất bùi tai như giúp sỹ tử tăng cường trí nhớ, không bị quên kiến thức, học bài nhanh nhớ, nhanh thuộc…. 

“Các loại thuốc này không hề rẻ nhưng vì tương lai của con, tôi chẳng bao giờ tiếc gì. Cứ nghĩ đến việc uống thuốc này xong con mình sẽ bớt vất vả hơn trong học hành mà hiệu quả vẫn cao là tôi thấy mừng rồi”, chị Hạnh chia sẻ.

ap luc thi cu de khien tre hoang tuong phat benh tam than 1
Nhiều phụ huynh đang tích cực tẩm bổ cho con ôn thi (ảnh minh họa)

Con gái đầu của chị Thanh Thảo (Thanh Xuân, Hà Nội) năm nay cũng thi đại học. Mặc dù sức học của Thảo thuộc loại top đầu trong lớp nhưng chị Thảo vẫn lo.

Chị đã từng chứng kiến nhiều trường hợp con em của bạn bè đồng nghiệp học rất giỏi mà vẫn bị thi rớt. Nỗi lo lắng của chị Thảo tăng cao khi hôm vừa rồi cô con gái tâm sự với chị là dạo này học không vào như trước, cứ học trước quên sau.

“Cháu còn kể là hôm vừa rồi lò luyện thi có tổ chức một bài thi thử cho các học viên. Đề thi không quá khó nhưng điểm số của cháu lại không được như ý khiến cháu rất buồn. Lý do là có một số công thức cháu đã học thuộc nhưng không hiểu sao lúc làm bài lại không tài nào nhớ ra nổi”, chị Thảo kể.

Nghĩ rằng con mình học hành vất vả nên bị căng thẳng đầu óc, giảm trí nhớ, chị Thảo bèn tìm mua thuốc bổ não cho con uống. Ngoài tham khảo trên mạng, chị còn gặp gỡ người quen để xin kinh nghiệm xem trước đây họ cho con uống loại thuốc nào, hiệu quả ra sao…

“Mình không thể nào học thay con, thôi thì cố gắng làm “bạn đồng hành” của con, giúp con tăng cường trí nhớ để “chiến đấu” với kỳ thi sắp tới”, chị nói.

Trẻ có thể phát bệnh tâm thần vì áp lực thi cử

Theo các chuyên gia y tế, dùng thuốc bổ não để tăng cường trí nhớ cho sỹ tử trước kỳ thi là quan niệm sai lầm. Trí nhớ của mỗi người được quyết định bởi yếu tố bẩm sinh, quá trình rèn luyện, học tập tích lũy lâu dài, chứ chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng cường trí nhớ, tăng khả năng học tập.

Hiện tại, trên thị trường có bán nhiều loại thuốc có tác dụng bổ não. Tuy nhiên các loại thuốc này thường chỉ có tác động rõ nét trên trường hợp bệnh lý điển hình như chứng suy giảm trí nhớ của người bị đột quỵ, chấn thương sọ não, chứ ít có tác dụng trên người khỏe mạnh.

ap luc thi cu de khien tre hoang tuong phat benh tam than
Ảnh minh họa.

Các loại thuốc bổ não khi sử dụng cũng cần theo chỉ dẫn của bác sỹ chứ không được dùng tùy tiện. Vì một số loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ, gây ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh, tim mạch, hệ cơ vận động, làm thay đổi hoạt động của hệ tiêu hóa. Do vậy, các phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước khi cho con dùng thuốc bổ não.

Đặc biệt, vào mùa thi, học sinh chịu rất nhiều áp lực nên nhiều em tâm lý yếu đã mắc bệnh tâm thần. BS. Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trước mỗi mùa tuyển sinh, số lượng học sinh đến thăm khám và tư vấn tại Viện Sức khỏe tâm thần khá đông.

Có em bị chứng sợ thi dẫn tới nôn, co giật. Có em vì quá lo lắng cho kỳ thi, ôn luyện miệt mài tới mức cơ thể bị suy nhược, mất ngủ, đau đầu, lo âu, một số trường hợp nặng thì có các biểu hiện như sợ hãi, hoang tưởng, khóc lóc.

Viện Sức khỏe tâm thần đã từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng loạn thần. Cụ thể, em học sinh này học rất giỏi, trước kỳ thi em bị áp lực bài vở và mất ngủ thường xuyên. Trong buổi thi đại học, em không làm bài như các bạn mà cứ nhảy múa trong phòng, sau đó được gia đình đưa vào viện. 

“Các vị phụ huynh không nên đặt quá nhiều kỳ vọng hay áp lực lên con cái trước mỗi kỳ thi. Thay vào đó nên quan tâm nhiều hơn đến phương pháp học tập cũng như sức khỏe của con.

Nếu thấy con có các dấu hiệu lạ như ít ngủ hoặc ngủ quá lâu, hay cáu giận, bực bội, ăn uống thất thường, không chịu vệ sinh tắm rửa,… thì cần theo dõi sát sao rồi đưa đi kiểm tra sức khỏe sớm”, bác sỹ Dũng khuyến cáo. 

Như vậy có thể thấy, loại thuốc hiệu quả nhất mà các phụ huynh cần tẩm bổ cho con khi mùa tuyển sinh đang đến gần không phải là thuốc bổ não mà chính là giấc ngủ. Ngủ đủ, ngủ sâu sẽ giúp thần kinh được nghỉ ngơi, phục hồi. Thiếu ngủ, mất ngủ sẽ khiến cơ thể suy nhược, có nguy cơ phát bệnh tâm thần.

Theo congluan.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.