“Áo mới” cho điểm trường lẻ

GD&TĐ - Gần 5 năm công tác tại Trường TH Ngọc Long, xã Ngọc Long huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang, thầy hiệu trưởng Dương Văn Đông được biết tới như một điển hình trong huy động nguồn lực xã hội để nâng cấp, xây mới các điểm trường lớp học xuống cấp. Với số kinh phí mà thầy Đông kêu gọi từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ đã giúp cho13/23 điểm trường lẻ được “khoác áo mới”.

Điểm trường đầu tiên được thầy Đông huy động xây dựng mới
Điểm trường đầu tiên được thầy Đông huy động xây dựng mới

Khó chồng khó

Trường Tiểu học xã Ngọc Long, huyện Yên Minh là một trong những ngôi trường vùng cao có số học sinh (HS) dân tộc đông nhất của tỉnh Hà Giang (hơn 40% HS dân tộc Mông, còn lại là Tày, Dao và các dân tộc khác).1.256 HS của trường được quy tụ từ 25 thôn bản, chia ra 63 lớp (có 8 lớp ghép) học trong 23 điểm trường (1 điểm chính, 22 điểm lẻ).

Năm 2014 khi được điều động về trường làm công tác quản lý, thầy Dương Văn Đông tiếp quản trường trong tình trạng vô cùng khó khăn về cơ sở vật chất. Chỉ có 4 điểm trường được xây dựng kiên cố theo chương trình 135 còn lại 19 điểm trường ở tình trạng tường đất hoặc quây ghép bằng gỗ ván, sàn lớp hư hỏng, mái lợp proximăng...

Không chỉ điểm trường, lớp học xuống cấp, các phòng chức năng phục vụ công tác giảng dạy và học tập cho HS cũng thiếu. Thậm chí, nhà trường phải cơi nới thêm nhiều phòng học tạm và che chắn bằng bạt, ni lông… để HS có chỗ học.

Nỗ lực huy động cơ sở vật chất

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục là cơ sở vật chất trường lớp học. Tuy nhiên, làm gì để có khoản kinh phí lớn, đáp ứng cho việc nâng cấp, tư sửa, xây mới… 23 điểm trường trở thành thách thức đối với BGH, tập thể GV và “đầu tàu”- Hiệu trưởng Dương Văn Đông.

Trong khi đó, Trường TH xã Ngọc Long thuộc xã khó khăn bậc nhất của huyện Yên Minh, ngân sách cho giáo dục chỉ đủ duy trì các hoạt động giáo dục cơ bản. Bà con nhân dân trong xã gần 99% làm nương rẫy, số ít buôn bán nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế khó khăn, thậm chí vì mưu sinh mà nhiều gia đình không có thời gian quan tâm sự học của con cái… Như vậy, việc huy động, xã hội hóa giáo dục từ nguồn lực địa phương và PHHS là không thể trông chờ.

  • Thầy Dương Văn Đông - Hiệu trưởng Trường TH Ngọc Long, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang

Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ và học hỏi những cách huy động cho giáo dục từ các địa phương, thầy Đông đã mạnh dạn chia sẻ với bạn bè, người quen về mong muốn của nhà trường và nhờ họ làm cầu nối để tìm kiếm các nhà hảo tâm, hoặc chuyển giúp thông tin của trường đến các tổ chức từ thiện.

May mắn đã đến, một tổ chức tại Hà Nội đã biết được khó khăn của nhà trường và đồng ý giúp đỡ xây mới điểm trường xuống cấp nhất Noong Khắt. 4 phòng học, 1 phòng ở cho GV, khuôn viên tường rào, 1 bếp ăn, nhà vệ sinh… sau thời gian xây dựng đã khánh thành trong niềm hân hoan của thầy trò, phụ huynh và bà con thôn bản.

Tiếp đó, với sự nỗ lực của thầy Đông trong việc huy động nguồn lực cho giáo dục đã tạo được niềm tin với nhiều nhà hảo tâm khác. 12 điểm trường lẻ trong tình trạng hư hỏng xuống cấp lần lượt được sửa chữa, xây mới. Có tổ chức sau khi được thầy Đông trực tiếp đưa đi khảo sát thực tế các điểm trường đã quyết định đầu tư xây dựng, sửa chữa cùng lúc 4 điểm trường. Và gần đây nhất, thầy Đông còn huy động thành công công trình Làng nội trú cho học sinh TH và THCS xã Ngọc Long với số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng.

Những điểm trường lẻ vừa được hoàn thành
 Những điểm trường lẻ vừa được hoàn thành

Cách làm XHHGD đáng nhân rộng

Thầy Đông chia sẻ: Phải cố gắng mọi cách để chuyển đến họ những thông tin tình hình khó khăn sát thực, dự tính kinh phí chuẩn xác nhất. Vì liên quan đến tài chính nên bản thân thầy Đông phải làm việc hết sức minh bạch, rõ ràng và bằng thiện tâm hoàn toàn mới có thể thuyết phục được nhà tài trợ.

13 điểm trường được đầu tư xây dựng sửa chữa là một sự nỗ lực không nhỏ, một hướng đi, cách làm hiệu quả của cá nhân thầy Đông - một quản lý giáo dục tại vùng cao với nhiều khó khăn. 

Mặt khác, kinh nghiệm từ thầy Đông cho thấy, dù thư ngỏ, dự kiến kinh phí… được làm kĩ càng đến mấy thì việc thuyết phục nhà tài trợ chứng kiến tận mắt khó khăn thực tế, tạo niềm tin vào sự minh bạch của nhà trường và bản thân hiệu trưởng sẽ là yếu tố quyết định.

Huy động đầu tư cho giáo dục không dễ dàng. Chính vì vậy để đạt được hiệu quả mong muốn phải tận dụng, kết hợp tốt nhất các nguồn lực. Và một trong những cách mà thầy Đông đã làm là kết hợp đầu tư vật chất của nhà tài trợ với huy động nhân công lao động là phụ huynh, thầy cô giáo để tham gia quá trình tu sửa xây mới trường lớp. Như vậy, nhiều điểm trường lớp học của Trường TH Ngọc Long là dấu ấn về trách nhiệm, tình thương của xã hội, thầy cô giáo đối với học trò.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ