Lý do chính của đợt tăng đột biến mới này là dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron dễ lây hơn. Tại Vương quốc Anh, sự hoà nhập xã hội ngày càng tăng, trong khi hiệu quả của vắc-xin giảm, đang góp phần vào tình trạng gia tăng này.
Thế giới đang chứng kiến sự tăng đột biến ở các khu vực trước đây hiếm có Covid như New Zealand, Hồng Kông và Hàn Quốc. Tỷ lệ ca bệnh ở những khu vực này hiện vượt xa nhiều quốc gia. Trong khi đó, thực tế, đây là những nơi có xu hướng tuân theo các chính sách nghiêm ngặt về “Zero Covid”, bao gồm kiểm soát biên giới chặt chẽ và biện pháp nghiêm ngặt.
Thông thường, những biện pháp như phong toả, cách ly... vẫn được biết đến là chỉ làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, điều này có thể đủ để làm “phẳng đường cong” của các bệnh nhiễm trùng. Đồng thời, giảm áp lực đối với các dịch vụ y tế hoặc ca nặng và tử vong.
Thực tế, yếu tố kiểm soát bệnh hiệu quả nhất là khả năng miễn dịch. Khả năng đó có thể được tạo ra do nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng. Cả hai đều vô cùng quan trọng. Do đó, có thể nói, sự kết thúc của đại dịch ở bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ những người đã bị nhiễm Covid-19, thay vì chỉ tỷ lệ được tiêm chủng.
“Nhiễm đột phá” ở những người được tiêm chủng sẽ đẩy khả năng miễn dịch của họ lên mức cao hơn. Trong khi đó, ở những người chưa tiêm chủng, nhiễm bệnh sẽ cung cấp một mức độ bảo vệ mà lẽ ra họ không có. Thực tế, theo các chuyên gia, khả năng miễn dịch sau khi nhiễm bệnh sẽ mang lại sự bảo vệ tốt hơn từ vắc-xin tăng cường.
Điều này giúp giải thích lý do tại sao một số quốc gia hiện xử lý các ổ dịch tốt hơn. Tại Anh, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao, nhưng hiện nay, đa số người dân cũng đã mắc Covid-19. Thậm chí, nhiều người đã mắc bệnh này hơn một lần. Số ca mắc bệnh cao, nhưng tỷ lệ tử vong và bệnh nặng tại Anh vẫn ở mức tương đối thấp.
Trong khi đó, những khu vực tuân theo chiến lược “Zero Covid” đang chứng kiến sự gia tăng lớn hơn về số ca mắc bệnh và tử vong, ngay cả khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao. Cả Hồng Kông và New Zealand đều đang phải hứng chịu sự gia tăng mạnh mẽ của số ca mắc Covid-19. Song, tác động đến sức khỏe cộng đồng ở hai khu vực này lại khác nhau đáng kể.
New Zealand, với tỷ lệ bao phủ vắc-xin cao, đang vượt qua sự gia tăng này với số ca tử vong ít hơn. Trong khi đó, Hồng Kông chứng kiến nhiều trường hợp tử vong hơn. Cụ thể, Hồng Kông ghi nhận trên một triệu người tử vong trong 4 tuần, tính đến ngày 18/3, cao gấp 38 lần New Zealand.
Sự khác biệt được cho là do chiến dịch tiêm chủng ở hai khu vực. Ở Hồng Kông, ít nhất là cho đến cuối tháng 2, tỷ lệ tiêm mũi vắc-xin tăng cường thấp hơn nhiều so với New Zealand. Tỷ lệ này đặc biệt thấp ở các nhóm cao tuổi, dễ bị tổn thương.
Nhiều quốc gia đã quyết định dỡ bỏ các hạn chế, mặc dù số ca mắc vẫn cao. Không ít người đặt câu hỏi, liệu đây có phải là điều đúng đắn? Có lẽ, không có biện pháp nào là đúng hay sai.
Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát không dùng thuốc chỉ làm chậm thay vì ngăn virus lây lan. Thực tế, các biện pháp như vậy chỉ nên tiếp tục nếu lợi ích của việc trì hoãn mắc bệnh lớn hơn những tác hại chung đối với xã hội và sức khỏe con người.