Anh: Tận dụng sân chơi trường học làm công viên

Anh: Tận dụng sân chơi trường học làm công viên

Theo Giáo sư Susan Michie thuộc nhóm cố vấn khoa học của chính phủ về Covid-19 - Giám đốc trung tâm thay đổi hành vi tại Trường Đại học College London (UCL), không gian xanh của các trường nên được đưa vào sử dụng, giúp mọi người có thể tập thể dục an toàn trong khi duy trì giãn cách xã hội.

Bà Michie cho biết, công viên và sân golf thuộc sở hữu của những trường tư thục cũng nên được chính phủ sử dụng trong thời gian này. Đề xuất trên được đưa ra với mong muốn giúp người dân thành phố cải thiện sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.

Theo thống kê, có 130 trường tư thục ở hạt Greater London và một số tổ chức GD khác có diện tích rộng lớn, như Trường Harrow với hơn 120 ha. Trước bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp, cảnh sát Anh cho biết, phần lớn người dân nước này đều tuân thủ các quy tắc phong tỏa và ở nhà vào dịp lễ Phục sinh.

Các trường tư thục tại Anh được cho là đang gặp nhiều áp lực khi đứng trước yêu cầu mở cửa dành cho mọi người dân. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh các công viên trong thành phố trở nên quá tải. Do đó, cố vấn chính phủ Anh kêu gọi, các nhà lãnh đạo nên trưng dụng khuôn viên trường học, nhằm hạn chế những bất ổn xã hội tiềm ẩn trong thời gian phong tỏa.

GS Michie nhận định, để đương đầu với những khó khăn do cuộc khủng hoảng mang lại, chính phủ cần làm nhiều hơn để giữ được lòng tin của công chúng, đặc biệt là những gia đình nghèo không có không gian riêng ngoài trời.

“Chúng ta nhận thấy không ít bằng chứng rằng, nếu công chúng cảm thấy chính phủ nhận ra tình huống họ đang gặp phải và đưa ra biện pháp tháo gỡ, người dân có khả năng sẽ tin tưởng và sẵn sàng tuân thủ quy định hơn”, bà Michie nói thêm.

Phần lớn chuyên gia tại Anh ủng hộ lời kêu gọi này của GS Michie. Một số người cho rằng, chính phủ nên xem xét nhiều kế hoạch để có thể giúp mọi người dễ dàng thực hiện một cách an toàn, hơn là đưa ra sự răn đe. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cảnh báo, chính phủ có thể ngăn mọi người rời khỏi nhà để tập thể dục nếu có quá nhiều cá nhân bỏ qua những quy tắc về giãn cách xã hội.

Phát biểu với truyền thông, GS Stephen Reicher thuộc Trường Đại học St Andrew và là chuyên gia về tâm lý học đám đông, cho biết: “Có lẽ chính phủ có thể bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi làm thế nào để chúng ta giúp mọi người tuân thủ, thay vì bắt đầu từ quan điểm trừng phạt. Nếu bạn bắt đầu từ một giả định thiện chí đối với mọi người như chúng ta sẽ giúp đỡ như thế nào và sau đó, một câu trả lời rõ ràng là bằng cách tăng diện tích không gian mà họ có thể đến”.

Trong khi đó, ông Dimitrios Tsivrikos - nhà tâm lý học hành vi tại UCL, nhận định, sức khỏe tinh thần của những người có hoàn cảnh khó khăn, điển hình là các cá nhân sống trong căn hộ quá đông không có không gian ngoài trời, rất có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định phong tỏa.

Ngoài việc trưng dụng khuôn viên tư nhân, bà Michie cũng kêu gọi chính phủ tận dụng không gian tại các khách sạn và khối văn phòng trống. Sau đó, chuyển chúng thành khu vực an toàn dành cho nạn nhân bị lạm dụng và bạo lực gia đình.

“Nếu chính phủ không làm nhiều hơn và thừa nhận rằng, chúng ta không phải là tất cả trong vấn đề này và thực hiện các bước để giải quyết những người gặp khó khăn, tôi nghĩ những tuần phong tỏa tiếp theo có khả năng gây phẫn nộ, tức giận, thiếu tuân thủ và thậm chí là bất ổn xã hội”, GS Michie nhấn mạnh.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.