Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson dự định sẽ dỡ bỏ tất cả các giới hạn chống Covid-19 vào ngày 19/7 theo một kế hoạch sẽ được tiết lộ vào tuần sau. Tuy nhiên, một số biện pháp “phòng ngừa thêm” có thể vẫn cần được duy trì. Quy định cách nhau 1 mét, cấm tới câu lạc bộ và đeo khẩu trang có thể được dỡ bỏ nhưng việc tự cách ly sẽ vẫn được duy trì. Anh có gần 30 ngàn ca dương tính mới nhưng số ca nhập viện chỉ bằng 1/10 so với trong làn sóng dịch thứ 2.
Israel ghi nhận số ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất trong 3 tháng vào hôm 30/5 với 307 ca khi biến thể Delta lan rộng khắp đất nước. Số ca mắc mỗi ngày vẫn tương đối thấp so với đỉnh dịch 10.000 ca vào tháng 1 và các biện pháp giảm thiểu sự lây lan vẫn đang được duy trì. Israel đã áp đặt lại lệnh đeo khẩu trang trong nhà vào tuần trước và đẩy lùi việc mở cửa lại biên giới cho khách du lịch đến tháng 8.
Tây Ban Nha báo cáo 12.345 ca mắc Covid-19 mới và 8 ca tử vong vào hôm qua. Bộ Y tế nước này cho biết đây là mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ giữa tháng 4, một phần do biến thể Delta dễ lây lan hơn. Tỷ lệ lây nhiễm được đo trong 14 ngày qua tăng lên 134 ca/100.000 người sau khi đạt mức thấp nhất là kể từ tháng 8 năm ngoái là 90 ca/100.000 người.
Do số ca nhiễm mới giảm trong vài tháng qua khi việc tiêm chủng được tăng cường, chính phủ Tây Ban Nha đã nới lỏng các hạn chế chống dịch, trong đó bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời. Hiện tại 38% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Tây Ban Nha có tổng ca mắc hơn 3,8 triệu ca, trong khi số ca tử vong gần 81 ngàn người.
Tại Indonesia, tình hình Covid-19 trở nên tồi tệ hơn khi quốc gia này thiết lập một kỷ lục mới khác về số ca mắc mới. Hôm qua, nước này ghi nhận tới 24.836 ca mắc mới, phá vỡ kỷ lục trước đó. Con số này đưa tổng số ca mắc ở Indonesia lên 2.203.108 và 58.995 ca tử vong, gồm 504 ca mới. Số ca mắc mới trong ngày hôm qua vượt xa con số 9.874 ca hồi phục mới.
Tổng thống Joko Widodo hôm qua cho biết đất nước sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp từ ngày 3/7 đến 20/7 để kiềm chế đại dịch đang khiến hệ thống y tế căng thẳng. Theo đó việc đi lại sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn và các văn phòng không cần thiết bị đóng cửa. Các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ làn sóng dịch giống như Ấn Độ. Các biện pháp giới hạn sẽ được đánh giá trong 3 tuần và có thể được kéo dài thêm.
Những người đứng đầu văn phòng châu Âu của WHO cho biết sự giảm số ca mắc Covid-19 trong 10 tuần tại châu lục này đã kết thúc, đồng thời cảnh báo một làn sóng mới có thể xuất hiện trừ khi mọi người “giữ vững kỷ luật” và thêm nhiều người nữa được tiêm chủng. Tiến sĩ Hans Kluge trích dẫn sự gia tăng 10% của số lượng ca mắc trong tuần trước do “mọi người trà trộn, du lịch, tụ tập và nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội”. Ông cho biết khoảng 63% người dân châu Âu chưa tiêm vắc xin. Theo ông, 3 điều kiện tạo ra làn sóng người nhập viện và tử vong gia tăng trước mùa thu đã có mặt: các biến thể mới, tỷ lệ tiêm vắc xin thấp và gia tăng trà trộn xã hội.
Trong khi đó quan chức cao cấp của WHO, tiến sĩ Catherine Smallwood cảnh báo các chính phủ không nên dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trong bối cảnh sự lây nhiễm đang gia tăng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua kêu gọi một sáng kiến toàn cầu nhằm tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9. Ông nói thêm rằng đại dịch chỉ có thể kết thúc khi tất cả mọi người được tiêm phòng. Trong Diễn đàn Toàn cầu Ấn Độ, ông Tedros cho biết thế giới cần tập trung tiêm cho ít nhất 40% dân số của mọi quốc gia vào cuối năm 2021 và ít nhất 70% vào giữa năm 2022.
Hôm 30/6, WHO đã thông báo kết hợp với nhóm Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và Tổ chức Thương mại thế giới để thành lập một lực lượng đặc nhiệm về vắc xin Covid-19, phương pháp điều trị và chẩn đoán cho các nước đang phát triển.