Khi lòng ta đã hóa những con tàu…
(GD&TĐ) - Đã đi nhiều, nghe nhiều về sự thiếu thốn, khó khăn của đồng bào các dân tộc, nhưng đến đây, chúng tôi mới thấm thía hết cảnh thiếu thốn cả về vật chất và các nhu văn hóa, tinh thần… Chỉ có những bước đi nhọc nhằn của giáo dục. Cái chữ đúng là quý giá, làm thay đổi cuộc đời.
Em học sinh người dân tộc Hơ Mông |
6 giờ sáng, trời Tây bắc vẫn tối om, chỉ thấy sương lạnh bao phủ xung quanh, đứng cách vài ba mét cũng không nhìn thấy mặt nhau, bốn chung quanh chỉ thấy mờ mờ những dáng núi xa xa, cây cỏ và sương sớm quện một màu xanh đặc sánh. 3 chiếc xe Uaz của công an huyện đưa đoàn chúng tôi từ thị trấn Bắc Yên lên đỉnh Tà Xùa, vào xã Háng Đồng. Dù đã được các đồng chí địa phương thông báo trước tình hình khó khăn của chuyến đi, nhưng tất cả thực tế trên đường vẫn nằm ngoài sự hình dung của chúng tôi, đặc biệt là với GS, Bae Yang Soo– Tổng Thư ký Hội VESAMO.
Đường lên núi quanh co những đèo dốc, những khúc cua tay áo một bên là vực thẳm, một bên là núi cao, những chiếc xe Uaz dã chiến phải 3 đỏ, 4 đỏ mới qua được. Mù của sương núi không nhìn thấy đường đi. Đồng chí Công An huyện và Phòng Giáo dục nhường tôi ngồi ghế trên cùng. Chốc chốc lại giật mình vì lái xe phanh gấp, định thần nhìn lại thấy trước mặt là một chiếc xe tải chở vật liệu hay một đàn trâu đang lững thững đi trên đường. Anh lái xe thỉnh thoảng phải dừng lại lau kính xe, đường mờ mịt, vừa đi vừa dò dẫm. 3 chiếc xe cách nhau chừng 10m, bật đèn vàng đi liên tiếp để tránh xe máy xen vào giữa.
Vượt qua 20km đường quanh co đèo dốc như vậy, đến con suối lớn, đoàn dừng lại không đi được nữa vì đường rất nhỏ và xấu. Đã có 15 đồng chí giáo viên và cán bộ xã chờ sẵn xe máy ở đó để tăng bo đoàn lên trường. Anh cán bộ xã người Hơ Mông dùng chiếc xe win rất khỏe chở tôi. Ngồi đằng sau, nhìn con đường lên heo hút, nhỏ dần dần lên đỉnh núi rồi đột ngột biến mất như một nét bút đứt mà không khỏi lạnh xương sống. Sương xuống càng lúc càng dày, ướt cả mũ và áo choàng.
Người Việt đi xe máy có lẽ vào loại giỏi nhất thế giới nhưng ở trên này có lẽ mới có những người đi xe máy giỏi nhất của Việt Nam. Những đoạn đường trơn, dốc, xe trượt bánh hàng mét dài, anh lái xe lại phải chống chân tạo thăng bằng. Tiếng động cơ gầm rú, khói xăng khét lẹt hòa quện vào sương lạnh. Độ cao thử thách sức bền của động cơ. Sương gió thử thách đôi chân của những bạn đồng nghiệp. Cứ nghĩ đến cảnh những thầy cô giáo và học sinh, ngày nắng ráo đã dành, ngày mưa thì phải đi lội từng bước mới lên đến trường, tôi mới thấm thía công việc của các thầy cô giáo, đem cái chữ lên vùng cao.
Sau gần 20 km nữa, chúng tôi lên đến đỉnh Tà Xùa. Gọi là trường nhưng chỉ có 4 phòng học bằng gỗ - tất cả là pơmu vì ở đây chỉ có loại gỗ này mới chịu được sương gió. Phòng học của các cháu mầm non thì ở trên cao, có 4 cái cọc phủ bạt, mấy vách nứa mới được ken vào. Chúng tôi bước vào lớp, từ đầu đến cuối lớp gió thổi ào ào, không có chỗ nào khô ráo. Trong phòng cũng không có đồ dùng nào.
Anh Tâm Hiệu trường cho biết, các cô giáo chủ yếu dạy múa, hát, viết chữ chứ không thể tổ chức chơi cho các cháu được. Một phòng học ngoài trời như thế, giữ sức khỏe, ấm áp đã là khó khăn, nói gì đến việc rèn luyện các kĩ năng cho trẻ. Nhưng những khó khăn, thiếu thốn như thế không làm giảm tâm huyết của các thầy cô và lòng ham học của trẻ. Những đứa trẻ chưa được đi học vẫn đứng chung quanh, nhìn các bạn đồng trang lứa với ánh mắt thiết tha. Tôi nhìn thấy một cháu bé đứng trên đồi, đôi mắt nhìn xa xa, không chớp. Nó lặng lẽ, không nói gì, chốc chốc đưa tay lên quệt mũi. Lớp học đơn sơ, nghèo khó kia vẫn là niềm mơ ước đầy ham muốn.
Các em học sinh trước "sân trường" mù sương |
Lớp tiểu học có 2 phòng. Mái lợp bằng những tấm gỗ. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi thấy phòng nào cũng bị thiếu 1 tấm, để 1 lỗ thủng rất lớn. Anh giáo viên nói rằng, đó là sáng kiến của các thầy cô, những hôm mù trời, thiếu ánh sáng thì lật một tấm lên làm cửa sổ lấy ánh sáng.
Lại nói về ánh sáng, trên đây không có điện. Duy nhất ở nhà công vụ của giáo viên, các anh chị em góp tiền mua máy thủy điện (khoảng 800 nghìn) đặt ở suối cách trường chừng 1,5km. Điện đủ thắp 3 bóng compact. Nếu muốn xem ti vi thì phải tắt cả 3 bóng đi. Cho nên các anh chị em giáo viên luôn làm việc tập thể: cùng soạn giáo án, chấm bài 1 giờ, sau đó ngồi xem tivi 1 giờ. Phòng ở của các anh, chỗ để tivi cũng khoét vách ngăn giữa hai phòng để cho cả hai phòng cùng xem được tivi. Lại một sáng kiến thông minh giữa cảnh khốn khó. Thấy mọi người khen ngợi những sáng kiến đó, tôi lại thấy cay cay trong mắt …
Tivi được "chia sẻ" giữa 2 phòng |
Trò chuyện với một cháu học lớp 4, tên là Sùng A Lờ (họ Sùng là một trong những họ Hơ Mông vào Việt Nam đầu tiên - TG). Nhà có 10 anh em, chỉ có 3 đứa được đi học. Bố mẹ đưa đến trường, làm cho một căn nhà bán trú. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là những mảnh ván ghép, như một chiếc lồng chim chênh vênh giữa dốc đồi. Hằng ngày, bữa ăn chỉ có cơm và măng ớt.
"Căn nhà" chênh vênh nơi các e trú ngụ để theo học |
Nơi đây, sương muối, gió bấc, thời tiết khắc nghiệt quanh năm, rau cỏ cũng không thể mọc được. Các anh em giáo viên muốn tăng gia, không thể trồng rau, nuôi vài con gà cũng rất còi cọc. Cuối tuần họ về thị trấn mua rau và thức ăn tích trữ cho cả một tuần. Cuối tuần nào bị mưa thì đành tự túc, có gì ăn nấy. Mỗi túp lều của học sinh ở được chừng 4 em, bên trong có 2 tấm chăn, vài cái bát, có phòng có nồi nhưng không có vung. Đồ đạc chẳng có gì. Điện nước là những thứ xa xỉ chưa bao giờ có. Chỉ có ánh sáng lờ mờ từ những ô cửa, và chúng luôn mong chờ những ngày nắng lên giữa đỉnh Tà Xùa cao 1650m so với mực nước biển. Cả không gian và thời gian cứ bao phủ một mầu mờ đục của sương núi, mưa phùn.
Đã đi nhiều, nghe nhiều về sự thiếu thốn, khó khăn của đồng bào các dân tộc, nhưng đến đây, chúng tôi mới thấm thía hết cảnh thiếu thốn cả về vật chất và các nhu văn hóa, tinh thần. Chỉ có những bước đi nhọc nhằn của giáo dục. Cái chữ đúng là quý giá, làm thay đổi cuộc đời.
Tôi thêm phần cảm phục các bạn đồng nghiệp. Chúng tôi ở đồng bằng, chen chúc nhau như cỏ. Các anh ở đây, như hoa ban hoa gạo, không có gì chăm chút vẫn tỏa hương khoe sắc. Tôi cứ muốn hát tặng các bạn “Bài ca Sư phạm” – bài ca về nghề của chúng ta nhưng không thể cất thành lời. Đến bao giờ các anh có thể đọc những dòng này, cũng là nghe một lời tri ân, tri kỷ của chúng tôi:
“Bình minh sưởi ấm trái tim ta những đàn chim bay khắp nơi
Gió bây đi mang theo lời ca
Yêu cuộc đời của đoàn ta
Đây từng cách chim bay qua rừng qua suối vượt núi đồi
Mang dòng máu trong tim căn bầu sữa mẹ tìm đàn em thơ
Đem dòng nước trong xanh gieo mầm tươi mát rợp khắp buôn làng
Đoàn giáo viên ra đi. Về bốn phương xa xôi
Mang theo tiếng non sông đang gọi ta
Giơ bó đuốc xua tan bóng đêm mờ tối
Mở đường người dân đi tới
Đỉnh đồi văn hóa ngày mai
Bao kĩ sư tâm hồn đang xây đắp tương lai tuổi thơ
Ngàn lời ngợi ca nghề ta. Vinh quanh thay nghề của ta…”
Những lời này ở Hà Nội tôi vẫn thường hát quấy quá cho xong. Giờ thấy đọng chắt từng lời thì không thể nào hát lên được.
Có lẽ, những tấm lòng chân thật cũng không cần những lời ngợi ca quá ồn ào! Trên đỉnh Tà Xùa bốn mùa mây phủ, sương mờ, cuối chiều chúng tôi ra về đã thoáng thấy mặt trời ở phía xa. Ngày mai có lẽ sẽ ấm áp bắt đầu từ những giọt nắng ngày hôm nay. Ánh sáng trên đỉnh Tà Xùa.
Nguyễn Việt Hùng
(Khoa Ngữ Văn - ĐH Sư phạm HN)
Căn nhà bán trú cho HS tiểu học rộng 60m2, bằng gỗ, có thể ở được khoảng 40 hoc sinh:
* Xã Háng Đồng là xã mới thành lập, được tách ra từ xã Tà Xùa, nằm trên đỉnh Tà Xùa, độ cao 1650m, thuộc huyện Bắc Yên, Sơn La * Dự án xây nhà bán trú cho học sinh tiểu học Háng Đồng: Tháng 3 năm 2008, trên báo An ninh Thế giới có đăng bài “Nhặt chữ trên đỉnh Tà Xùa” của phóng viên Minh Tiến. Anh viết bài này sau chuyến đi cùng công an tỉnh Sơn La phá cây thuốc phiên của đồng bào Hơ Mông, chứng kiến cảnh những trẻ em người Hơ Mông lặn lội từ các bản làng xa xôi đến theo học ở trường tiểu học trong điều kiện trường lớp rất sơ sài,nghèo nàn. Trẻ em không có nhà nội trú, vài gia đình phải mang gỗ, tre, nứa, vải bạt làm những căn nhà nhỏ như những chiếc chuồng chim, ở lưng chừng dốc cho chừng 4, 5 em ở. Đọc được bài báo này, giám đốc Trung tâm Việt Nam học – ĐHSP Hà Nội là giáo sư Đặng Thanh Lê đã rất xúc động và gửi bài báo này cho người học trò Hàn Quốc là GS Bae Yang Soo. GS Bae đã dịch bài báo sang tiếng Hàn gửi những người bạn trong Hội Vesamo (Hội những người Hàn yêu Việt Nam). Nhiều thành viên trong hội đã khóc và mong muốn đóng góp xây dựng cho các cháu một ngôi trường nội trú. GS Đặng Thanh Lê đã liên hệ, vận động trong và ngoài nước, bạn bè đồng nghiệp và học trò để thực hiện ý tưởng đó. GS Lê tin tưởng và gửi gắm dự định đó đến báo Công An nhân dân (đồng chí Nguyễn Hữu Ước – Tổng Biên tập và đồng chí Đặng Văn Lân – Phó tổng biên tập đã nhiệt tình hưởng ứng). Dự án được triển khai và thực hiện. Đến ngày 31/12/2009, công trình nhà bán trú cho Học sinh tiểu học đã được hoàn thành với tổng kinh phí hơn 220 triệu đồng. Ngày 7-8/1/2010, đoàn công tác gồm Báo Công an Nhân dân, Hội Vesanmo, trung tâm Việt Nam học – ĐHSP Hà Nội đã lên dự lễ khánh thành. Đồng thời, đoàn cũng mang quà tặng cho trường và các cháu (gồm 9 triệu đồng để đóng giường, 50 áo khoác, 30 bộ bát đĩa, bánh kẹo…) |