Cùng với việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận đã không xử lý tốt dịch Ebola trong giai đoạn đầu bùng phát ở Tây Phi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh rằng thất bại trong việc đối phó sẽ biến Ebola thành "một đại họa như HIV hay bệnh bại liệt.""
Ông Kerry cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới cung cấp thêm tài chính, máy bay trực thăng và các trung tâm điều trị linh hoạt trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đến nay mới chỉ đáp ứng 30% mức 1 tỉ USD mà Liên hợp quốc đề ra cho nỗ lực hỗ trợ chống dịch Ebola.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh tuần tới nhất trí viện trợ thêm 1 tỉ euro (1,3 tỷ USD) và cử 2.000 nhân viên y tế châu Âu sang Tây Phi trong tháng 11 tới nhằm giúp các nước trong vùng dịch.
Trong thư, ông Cameron nêu rõ: "Nếu chúng ta không đẩy mạnh nỗ lực đối phó tập thể ngay từ lúc này thì những tổn thất về người và thiệt hại về đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của khu vực sẽ rất lớn và mối đe dọa tới công dân của chúng ta cũng tăng theo.""
Cảnh báo của các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ được đưa ra sau khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 376 triệu USD, tương đương 1/3 số tiền mà Liên hợp quốc đang kêu gọi đóng góp cho nỗ lực ngăn chặn dịch Ebola.
Cho đến nay, dịch Ebola đã làm hơn 4.500 người thiệt mạng trong số gần 9.200 ca nhiễm bệnh.
Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) cảnh báo rằng những cam kết quốc tế là chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch Ebola lần này.
Anh và Mỹ hiện đi đầu trong nỗ lực quốc tế chống dịch Ebola. Anh đã cam kết trợ giúp hơn 125 triệu bảng cùng hơn 700 giường bệnh cho Sierra Leone, một trong 3 nước Tây Phi đang có dịch Ebola hoành hành dữ dội nhất.