GD Mầm non: Trường lớp và tỷ lệ huy động trẻ đều tăng
Mạng lưới cơ sở GDMN đa dạng, đáp ứng phần lớn nhu cầu đưa trẻ đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, GD trẻ. Toàn quốc có 15.256 cơ sở GDMN (tăng 375 cơ sở so với năm học trước); GDMN ngoài công lập cũng tăng 307 cơ sở.
Tỷ lệ huy động tăng, trẻ nhà trẻ đạt 28,52% (tăng 0,8% so với năm học trước và vượt 0,52% so với kế hoạch); trẻ mẫu giáo đạt 91,96% (tăng 1,1% so với năm học trước và vượt 0,96% so với kế hoạch), trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt tỷ lệ 99,9% (tăng 0,7% so với năm học trước).
Số nhóm, lớp tổ chức bán trú, tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đều tăng; trong khi đó, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở hầu hết các độ tuổi giảm so với đầu năm học. Chất lượng phổ cập ngày càng được nâng cao, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi tăng, điều kiện đảm bảo chất lượng được cải thiện. Tổng số xã chưa đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giảm còn 35 xã (giảm 55 xã).
Tuy nhiên, tỷ lệ giáo viên/lớp ở khối ngoài công lập thấp (bình quân đạt 1,4 giáo viên/lớp).Vẫn còn 8.653 phòng học tạm, nhiều nơi thiếu phòng học để huy động trẻ đến trường...
GD Phổ thông: Dấu ấn GD mũi nhọn
Con số ấn tượng với GDPT thể hiện ở kết quả GD mũi nhọn. Các đội tuyển HS Việt Nam tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế tiếp tục đạt thành tích xuất sắc. Trong đó, Olympic Vật lý châu Á có 8/8 thí sinh đoạt huy chương (4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ); Olympic Tin học châu Á có 7/7 thí sinh tham gia xét giải đoạt huy chương (1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ);
Olympic Toán học quốc tế có 6/6 thí sinh đoạt huy chương (1 HCV, 2 HCB và 3 HCĐ); Olympic Sinh học quốc tế có 4/4 thí sinh đoạt huy chương (3 HCV, 1 HCB), đạt thành tích cao nhất từ trước đến nay; Olympic Hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh đoạt huy chương (1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ); Olympic Vật lý quốc tế có 5/5 thí sinh đoạt huy chương (2 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ).
GD Thường xuyên: Lan tỏa phong trào xã hội học tập
Công tác xây dựng xã hội học tập từng bước đã lan tỏa và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cần gì học nấy của người dân, năm học 2017 - 2018 thu hút hơn 19 triệu lượt học viên đến học tập. Tỷ lệ học viên tham gia học văn hóa kết hợp với học nghề đạt 60% trong tổng số học viên GDTX cấp THPT (tăng 11,7%).
Tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15 đến 60 là 97,6% (mục tiêu Đề án xóa mù chữ đến năm 2020 đạt 98%). Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi 15 đến 60 là 92,89%, vượt mục tiêu 2,89%. Cả nước huy động được 32.267 người học chương trình xóa mù chữ và GD tiếp tục sau khi biết chữ (tăng 3.881 người học so với năm học 2016 - 2017).
GD Đại học: Đẩy mạnh cơ chế tự chủ
Năm học 2017 - 2018, ngành GD đã có nhiều giải pháp siết chặt quản lý để nâng cao chất lượng GDĐH. Đại bộ phận các cơ sở GDĐH đã nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng GD. 98% các cơ sở đào tạo đã thành lập các đơn vị chuyên trách về công tác đảm bảo chất lượng và hoạt động có hiệu quả.
Đã có 23 cơ sở GDĐH thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. Số cơ sở GDĐH đăng ký đánh giá ngoài tăng nhanh. Đến thời điểm 30/6/2018, cả nước có 217 trường đại học, 33 trường CĐ, trung cấp sư phạm hoàn thành tự đánh giá; 122 trường đã được đánh giá ngoài (chiếm 51,9% trong tổng số các trường ĐH). Ngoài ra, có 4 trường ĐH được đánh giá ngoài và được công nhận kết quả kiểm định của HCERES và 2 trường được đánh giá ngoài bởi AUN-QA.
Tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm trung bình ở các cơ sở GDĐH đã được cải thiện rõ rệt (năm 2015 và 2016 lần lượt là 86,1% và 87%). Tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm đúng ngành nghề và mức thu nhập khá cao đã đóng góp đáng kể trong việc tăng năng suất lao động cũng như mức tăng trưởng GDP trong cả nước.