Án tử cho những “tấm gương mờ”

GD&TĐ - Từng có một cuộc sống yên ổn, một gia đình nhỏ yên ấm, một nghề nghiệp được kính trọng, nhưng những bàn tay cầm phấn ấy lại nhúng chàm để rồi mất tất cả.

Xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) – nơi Lầu Bá Xìa từng công tác trước khi bị bắt.
Xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) – nơi Lầu Bá Xìa từng công tác trước khi bị bắt.

Án tử cho tội danh mua bán trái phép ma túy là cần thiết để loại bỏ những “tấm gương mờ” đã từng đứng trên bục giảng. 

Trước tòa, mọi bao biện, nước mắt, xót xa của người thân, đồng nghiệp... đều không thể giúp họ làm lại cuộc đời. Bởi khi vượt qua giới hạn thì không thể nào quay lại được nữa. 

Phiên tòa ngày cuối năm

Phiên tòa sơ thẩm xét xử Lầu Bá Xìa (SN 1974, trú xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” diễn ra vào ngày cuối năm 2020. Bị cáo đứng một mình trước vành móng ngựa, sau lưng là vợ và các con ngồi lặng lẽ.

Theo hồ sơ, tháng 5/2020, Xìa được một người đàn ông tên Hoàng, trú tại Đà Nẵng gọi điện đặt mua 4 kg ma túy đá, 200 túi hồng phiến và 2 bánh heroin. Xìa gọi điện cho một người đàn ông bên Lào tìm “hàng” nhưng người này chỉ có 2 kg ma túy đá, 97 túi hồng phiến, 2 bánh heroin. Hai bên thống nhất, chốt giá 840 triệu đồng, Xìa hẹn lúc nào bán được hàng sẽ thanh toán.

Sau đó, Xìa báo giá cho Hoàng số ma túy trên là 930 triệu và được đồng ý giao dịch. Nếu trót lọt, Xìa sẽ kiếm lời 90 triệu đồng. Nhưng trong lúc đợi người đến nhận hàng tại điểm hẹn, thì lực lượng chức năng ập vào, bắt quả tang Lầu Bá Xìa cùng hơn 4,5 kg ma túy các loại.

Thời điểm bị bắt, Lầu Bá Xìa đang công tác tại Trường THCS Mường Lống, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An. Trường học vừa mới mở cửa đón học trở lại sau đợt nghỉ 3 tháng phòng dịch Covid-19. An ninh khu vực biên giới thắt chặt, mọi hoạt động giao thương, đi lại giữa Việt – Lào đang được kiểm soát. Thầy trò nơi cổng trời xứ Nghệ cũng đang nỗ lực để trường học được trở lại bình thường. Năm học tưởng chừng đã qua sóng gió thì nhận tin từ cơ quan công an: Nhân viên của trường tham gia mua bán số lượng ma túy lớn.

Tại phiên tòa, Lầu Bá Xìa thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng mình bị lôi kéo, dụ dỗ chứ mục đích ban đầu không phải là mua bán trái phép chất ma túy. Vị Hội thẩm đặt câu hỏi: “Trước khi bị bắt, bị cáo là nhà giáo đứng trên bục giảng, lại dạy Văn, Sử, thì nhận thức bị cáo về hành vi của mình là như thế nào? - Bị cáo có thấy mình bị oan không”? Lầu Bá Xìa trả lời không bị oan. Bị cáo nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Nhưng theo lời Xìa, bản thân chỉ đóng vai trò thứ yếu trong vụ án, người chịu trách nhiệm chính là người đàn ông tên Hoàng. “Nếu là mua bán trái phép chất ma túy thì phải có kẻ bán, người mua nhưng bị cáo chỉ vận chuyển số ma túy này thôi” – Lầu Bá Xìa tự bào chữa.

Khi được nói lời sau cùng, cựu giáo viên này xin được pháp luật khoan hồng, giảm án để có cơ hội làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, căn cứ các tình tiết, tòa tuyên phạt tử hình đối với Lầu Bá Xìa về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trước mức án cao nhất, Xìa im lặng đón nhận, không một lời tỏ ra hối hận. Chỉ có người vợ bật khóc. Suốt phiên tòa, nghe lời hỏi - đáp của chủ tọa và chồng, chị biết gia đình đã mất đi trụ cột, vĩnh viễn không thể nào trở về cuộc sống bình thường như trước đây được nữa.

Nỗi buồn nơi cổng trời

Lầu Bá Xìa vốn là giáo viên bản địa người Mông, dạy Văn – Sử tại Trường PTDTBT THCS Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Cách đây 4 năm, người có thâm niên đứng bục giảng này được tăng cường vào “cổng trời” Mường Lống. Dù cách nhà hơn 70km, thung lũng có 100% bà con là người Mông không hề xa lạ, khác biệt với Xìa. Trong văn hóa và quan niệm của cộng đồng này, nơi sinh sống khác xã, huyện hay tỉnh nhưng cùng dân tộc thì đều là anh em.

Như nhiều giáo viên khác, Lầu Bá Xìa ở lại ký túc xá, cuối tuần về nhà. “Cùng công tác, sinh hoạt tập thể với anh em trong trường, thầy Lầu Bá Xìa là người hiền lành, ít nói, có trách nhiệm. Sau một thời gian, nhận thấy năng lực không đáp ứng yêu cầu dạy học mới, thầy Xìa tự xin chuyển sang làm nhân viên thư viện.

Mức lương của nhân viên so với giáo viên bị giảm đi một phần, do không có phụ cấp đứng lớp. Nhưng so với mặt bằng chung ở vùng cao này, thu nhập của thầy cũng đủ trang trải cuộc sống. Thế nên, khi nghe công an thông tin thầy Xìa bị bắt vì buôn ma túy, chúng tôi vô cùng bất ngờ”, thầy Nguyễn Quang Tuấn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mường Lống nói.

Đến nay, hoạt động dạy học của nhà trường đã ổn định, vị trí của Lầu Bá Xìa đã phân công cho người khác phụ trách. Nhưng cho đến giờ, việc một cựu giáo viên, nhân viên vi phạm pháp luật, liên quan đến ma túy vẫn là nỗi buồn lớn đối với ngôi trường nơi cổng trời này. Bởi họ đã thực sự mất một đồng nghiệp, một người thầy, một tấm gương đã không còn sáng nữa. “Chúng tôi vẫn không hiểu điều gì khiến thầy Xìa đi vào con đường phạm tội. Có lẽ, cám dỗ của đồng tiền quá lớn...”, vị hiệu trưởng ngậm ngùi.

Lầu Bá Xìa nhận mức án tử hình vì tội mua bán trái phép chất ma túy.
Lầu Bá Xìa nhận mức án tử hình vì tội mua bán trái phép chất ma túy.

Con đường không có lối về!

Kỳ Sơn là huyện ở vùng sâu, vùng xa, có đường biên dài nhất tỉnh Nghệ An. Địa hình hiểm trở, núi cao, nơi đây cũng từng được biết đến là thủ phủ của cây thuốc phiện. Người già kể lại, thuốc phiện thậm chí là “cây kinh tế” chính của vùng đất tây Nghệ An này. Những năm 90 của thế kỷ trước, công cuộc xóa bỏ cây thuốc phiện được chính quyền triển khai quyết liệt.

“Chính thầy cô giáo người bản địa đã góp công rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động dân bản, đi đầu làm gương phá bỏ loại cây chết chóc này”, ông Phan Văn Thiết, Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cho hay.

Giờ đây, những thung lũng hoa anh túc đã biến mất. Nhưng khu vực biên giới phía Tây, trong đó có Kỳ Sơn vẫn đang là điểm nóng của Nghệ An về tội phạm ma túy. Điều đáng buồn, tham gia nhúng chàm lại có cả bàn tay của những người thầy từng cầm phấn, cắm bản dạy học.

Tháng 4/2018, Thò Pạ Sáu (xã Tri Lễ, huyện Quế Phong) nhận lời “nhờ” của một người Lào, giao bì tải (chứa gần 7 kg ma túy các loại) cho khách vì ông ta không biết tiếng Việt. Tiền công “phiên dịch” là 400 USD. Nhưng giao hàng chưa thành, người mua và người Lào tháo chạy, còn Sáu bị bắt.

Thời điểm đó, Thò Pạ Sáu đang là giáo viên cắm bản Pà Khốm (Trường Tiểu học Tri Lễ 2). Trong phiên tòa, người vợ bế theo đứa con út mới 3 tháng tuổi chưa biết mặt cha, cố trao cho chồng nhưng không được. Nghe tuyên án tử, ngoái nhìn về phía vợ con, cựu giáo viên run run đưa hai tay bị còng lên bưng mặt khóc.

Cũng vào hè năm 2018, Vừ Bá Xênh (trú tại xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn) bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi “xách” 20 bánh heroin, 7 kg ma túy đá, 12 nghìn viên hồng phiến. Trong rừng sâu, Xênh dùng súng chống trả công an, biên phòng để thoát thân nhưng bất thành. Phiên tòa mở ra 6 tháng sau. Với lượng ma túy lớn như vậy, người nhà cũng hình dung Xênh khó tránh khỏi mức án tử hình.

Nhưng khi nghe tuyên phạt, vợ con Xênh không kìm được khóc nức nở, còn đồng nghiệp thì xót xa. Vừ Bá Xênh vốn là giáo viên Trường Tiểu học Tây Sơn, từng nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Xênh cũng là người đã tích cực tham gia xóa bỏ cây thuốc phiện hơn 20 năm trước.

Theo ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (Nghệ An) trường hợp giáo viên vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy là hi hữu, cá biệt, nhưng gây ảnh hưởng lớn cho ngành. Sự tổn thất không chỉ dừng lại ở việc mất một giáo viên, nhân viên mà là niềm tin của phụ huynh, học sinh. Trên thực tế, mức lương và các khoản phụ cấp ở vùng cao, biên giới, đời sống của giáo viên không quá khó khăn thiếu thốn. Họ có đầy đủ nhận thức, hiểu biết pháp luật, nhưng tại sao vẫn bất chấp vi phạm?

“Số tiền kiếm được từ việc buôn bán trái phép chất ma túy quá lớn. Nhưng một phần sâu xa hơn, có lẽ bởi môi trường xung quanh họ có điều kiện để phát triển cái xấu. Ở vùng biên giới, hầu như ai cũng biết đến thuốc phiện, ma túy và coi như điều bình thường. Trong môi trường đó, có phần tử xấu len lỏi, lôi kéo, mua chuộc. Tiếp xúc lâu dài, nếu không có bản lĩnh, chỉ cần một phút bị cám dỗ, sẽ dẫn tới vi phạm”, Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn chia sẻ.

Dù là nguyên nhân gì, xuất phát từ hoàn cảnh nào, thì cái kết chung cho những “tấm gương mờ” nhúng chàm là án tử. Trước tòa, mọi bao biện, nước mắt, xót xa của người thân, đồng nghiệp... đều không thể giúp họ làm lại cuộc đời. Hình phạt đó, không chỉ là cái giá đắt hơn bất cứ số tiền nào, mà còn là lời cảnh tỉnh chung, về giới hạn cuối cùng trước khi bước chân vào con đường không thể nào quay lại được nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ