Phép lịch sự trên bàn ăn tưởng chừng nhỏ, nhưng có thể ảnh hưởng lớn tới thói quen cũng như cách người khác nhìn nhận trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần giúp con hình thành thói quen ăn uống một cách lịch sự ngay từ nhỏ.
Trong một thời gian dài, việc dạy con về lễ nghĩa trong bữa cơm gia đình rất được chú trọng. Nhưng khi xã hội mở cửa, việc này mai một dần. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bậc cha mẹ, ông bà coi trọng rèn tính cách đứa trẻ từ cách cầm bát, xin cơm. Để giúp con có thói quen tốt trên bàn ăn, cha mẹ cần kiên nhẫn và trở thành tấm gương để trẻ noi theo.
Giáo dục con trên bàn ăn
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ thuộc Khoa Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, để tạo cho trẻ thói quen lịch sự trên bàn ăn, phụ huynh cần dạy con về lời mời trước bữa ăn.
Cụ thể, trước khi ăn cơm, bé phải có lời mời tới người lớn tuổi, như ông bà, bố mẹ, anh chị em… Đây là phép tắc, lễ nghĩa cơ bản và quan trọng nhất trên bàn ăn mà trẻ cần học ngay từ nhỏ. Để trẻ hiểu lý do cần mời người lớn trước khi ăn, cha mẹ có thể chia sẻ rằng, đó chính là cách thể hiện tình cảm và tôn trọng dành cho mọi người. Việc để khăn ăn lên đùi cũng được coi là phép lịch sự tối thiểu khi ăn uống của người nước ngoài.
“Nếu có thể, cha mẹ nên dạy bé phép lịch sự này khi ăn uống. Mặt khác, những bé nhỏ tuổi gắp thức ăn hay làm rơi vãi, cha mẹ nên dạy con có thói quen mỗi lần ngồi vào bàn ăn là trải khăn lên đùi”, bác sĩ Vũ chia sẻ. Khăn ăn khi được trải ra sẽ đỡ những thức ăn trẻ làm rơi, cũng như giúp thức ăn không vấy bẩn vào quần áo của con.
Theo bác sĩ Phương Vũ, trong trường hợp con phải đứng dậy hoặc rướn người để gắp thức ăn ở phía xa, cha mẹ nên nói rằng, trẻ có thể hoàn toàn nhờ người ngồi gần món đó lấy hộ. Khi đó, trẻ sẽ không phải vất vả nhoài người lấy đồ ăn.
Cháu chê bà nấu ăn… không ngon
Anh Duy Sơn - phụ huynh có con học lớp 2 tại Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ: “Do bé nhà tôi là con một, nên thường được cả gia đình chiều chuộng, đặc biệt là khoản ăn uống. Con muốn ăn gì, vợ chồng tôi sẽ đáp ứng. Vì vậy, cháu hơi mập so với các bạn cùng lứa”.
Anh Sơn tâm sự, bé nhà anh thường xuyên... thèm ăn. Mỗi lần ngồi vào bàn ăn, nếu thấy món gì mình thích, chắc chắn bé sẽ kéo đĩa về gần bát của mình.
‘Tôi nhiều lần nhắc nhở cháu, rằng đây là món ăn của cả nhà, nên con không thể giữ đĩa như vậy. Thậm chí, không ít lần tôi to tiếng vì thói quen xấu này của con. Tuy nhiên, mỗi lần nhìn thấy đồ ăn ngon, lời dặn của bố mẹ đều... “bay hết”, anh Sơn nói.
"Đồng cảnh ngộ" với anh Sơn, chị Ngọc Trâm có con học lớp 6 tại Hoàn Kiếm (Hà Nội), bày tỏ: "Vì thói quen ăn uống có hơi bất lịch sự của con, nhiều lần vợ chồng tôi vô cùng ngượng khi cả gia đình đi ăn cùng bạn bè".
Nữ phụ huynh kể, mỗi khi đi ăn cùng nhiều người, con chị thường có thói quen "nhanh chóng" gắp hết món mình thích trên đĩa vào bát riêng.
"Không ít lần tôi hỏi lý do, con đều bảo rằng do... sợ mọi người ăn hết phần. Thú thực, trước kia, vợ chồng tôi khá bận rộn và không để ý tới cách ăn uống của con. Bây giờ, mặc dù dặn dò con thay đổi, nhưng thực sự cháu vẫn chưa cải thiện là bao", chị Trâm tâm sự.
Theo bác sĩ Vũ, để trẻ biết "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", cha mẹ cần thường xuyên nhắc nhở con. Những thói quen xấu trẻ không nên lặp lại trên bàn ăn bao gồm: Chống tay khi ăn; Vừa ăn vừa nói; Nhai tóp tép hoặc nuốt thức ăn tạo ra tiếng; Cầm bát khi gắp thức ăn vào miệng.
Bên cạnh đó, việc nghịch thiết bị điện tử khi ăn hay dùng đũa khoắng vào bát canh cũng là những điều trẻ không được khuyến khích. Phụ huynh cũng có thể lưu ý hướng dẫn trẻ không nhúng cả đầu đũa vào bát nước chấm, hoặc dùng đầu đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người khác. Ngoài ra, sau khi múc canh, trẻ cần biết nên đặt úp thìa xuống, tránh để thìa ngửa hoặc nổi trên bát.
"Cha mẹ nên lấy những chuẩn mực từ phía ông bà, anh chị lớn tuổi để làm ví dụ thực tế cho bé, thay vì nói như giảng bài. Những thói quen xấu này cần được chỉ ra ngay lập tức, để trẻ không quên và tránh mắc lỗi lần sau", bác sĩ Phương Vũ cho hay.
Tư thế ngồi cũng được coi là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp trẻ trở thành người lịch sự trên bàn ăn. "Con trẻ thường thích ngồi những tư thế mà mình cảm thấy thoải mái, như gác chân lên ghế, vừa quỳ vừa ăn, ngồi xổm khi ăn. Tuy nhiên, cha mẹ nên rèn cho con ngồi ngay ngắn, đúng tư thế khi ăn từ nhỏ, bởi dáng ngồi như trên rất có hại cho việc tiêu hóa thức ăn", chuyên gia nhấn mạnh.
Lý giải về điều này, bác sĩ Vũ cho hay, tư thế ngồi ăn xấu không chỉ khiến trẻ bị coi là bất lịch sự, mà còn vô cùng có hại tới việc tiêu hoá thức ăn.
Vì vậy, phụ huynh cần dạy con ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và thả lỏng trong khi ăn. Tư thế ngồi đúng giúp thức ăn được tiêu hóa một cách dễ dàng, phòng tránh các bệnh về tiêu hóa như đau dạ dày, viêm đại tràng...
Đối với chị Tú Uyên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), mặc dù con chị không "ham ăn", nhưng vô cùng khó tính trong khoản ăn uống: "Hầu hết món ăn trong gia đình đều do tôi nấu. Tuy nhiên, thi thoảng, tôi đi làm về muộn và nhờ bà nội cháu nấu cơm. Mỗi lần như vậy, con thường tỏ thái độ khi ngồi vào bàn ăn và chê đồ bà nấu không ngon".
Chị Uyên chia sẻ, sau nhiều lần nói chuyện và phân tích, con dần hiểu ra và không có thái độ như vậy nữa.
Để giúp trẻ biết trân trọng công sức của người nấu, cha mẹ được khuyến khích dạy con không chê bai đồ ăn, không bỏ phí quá nhiều. Đặc biệt, biết cảm ơn người đã nấu món ăn ngon cho mình cũng là thói quen tốt mà trẻ cần học. Cha mẹ cần chia sẻ để con hiểu rằng, đó là những hành động đáng được khen ngợi và lịch sự trong ăn uống.
"Việc dạy những phép tắc hay lễ nghĩa cho bé từ nhỏ chưa hẳn là điều dễ dàng. Do đó, cha mẹ cần kiên nhẫn và luôn là tấm gương cho con. Nếu cha mẹ hành xử đúng, trẻ nhất định sẽ học theo", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Giữ vệ sinh bữa ăn
Dạy trẻ có thói quen sạch sẽ trong bữa ăn cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm, đặc biệt là trong thời Covid-19. Anh Sơn cho biết, để bảo đảm vệ sinh, bé nhà anh được mang một bình nước riêng khi tới trường. "Khi về nhà, tôi cũng thường xuyên nhắc con rửa tay sạch sẽ trước khi ngồi vào bàn ăn".
Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, mỗi người trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, không nên sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung. Nhờ đó, có thể hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống.
Bên cạnh đó, trên mâm hay bàn ăn của mỗi gia đình cần có thìa/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng. Sau đó, các thành viên cần sử dụng thìa/đũa cá nhân để đưa món ăn vào miệng. Nhằm phòng ngừa dịch bệnh, trẻ cũng được khuyến cáo không nên uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác.
Trẻ em cũng được khuyến khích duy trì thói quen giữ gìn răng miệng sạch sẽ, không ăn nhiều đồ ngọt để tránh sâu răng, viêm lợi. Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên nhắc trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.