An toàn thực phẩm trường học không chỉ ở phía sau cổng trường

GD&TĐ - Vụ việc ngộ độc thực phẩm trước cổng trường mới đây lại một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn trường học...

Học sinh không nên nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ.
Học sinh không nên nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ.

Hàng chục học sinh Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có triệu chứng đau đầu, đau bụng sau khi uống nước đóng chai nhận từ người lạ ở khu vực gần cổng trường. Dù sức khỏe đã ổn định, song vụ việc xảy ra lại một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), an toàn trường học.

Học sinh nhập viện sau chai nước lạ

Sở GD&ĐT Hà Nội gửi thông tin cảnh báo tới Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã về hiện tượng học sinh bị đau bụng khi sử dụng nước uống được phát miễn phí ở khu vực gần cổng trường.

Trước đó (khoảng 13 giờ 45 phút ngày 30/9), Trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai) phát hiện một số học sinh được cho miễn phí một số sản phẩm nước uống đóng chai ngoài cổng trường. Khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày đã có trường hợp học sinh với triệu chứng đau bụng vùng rốn, nhà trường đã đưa học sinh này đến trạm y tế.

Khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, nhà trường ghi nhận có 235 học sinh đã uống nước nêu trên, ghi nhận 30 học sinh có triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, trong đó có 13 học sinh khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai, các học sinh khác theo dõi tại trường.

Ngay sau khi nhận thông tin UBND huyện Thanh Oai thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (y tế, giáo dục, công an, chính quyền xã Bình Minh) và đại diện lãnh đạo UBND huyện trực tiếp đến Trường THCS Bình Minh.

Công an huyện Thanh Oai đã thu được 234 chai trà mật ong BONCHA vị ô long đào, 2 chai nước C2 hương ổi hồng chanh dây, trong đó đã sử dụng 98 chai. Còn lại 136 chai chưa sử dụng. Theo đó, đoàn đã tiến hành khám và phân loại sức khỏe của học sinh.

Trong số 253 học sinh đã uống loại nước nêu trên có 30 học sinh có các biểu hiện nghi ngộ độc như đau bụng, chóng mặt, buồn nôn.... Trong số này có 13 em đã được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai theo dõi sức khỏe.

Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu nước ngọt (số chai nước ngọt nhà trường thu lại từ các em học sinh) và gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Cùng với thu giữ niêm phong số chai nước ngọt học sinh được phát miễn phí, Công an huyện Thanh Oai còn ghi nhận một số thùng nước ngọt có bao bì, nhãn mác tương tự tại một cửa hàng tạp hóa gần khu vực Trường THCS Bình Minh.

Kết quả kiểm tra y tế vừa được công bố cho thấy, các mẫu sản phẩm được chuyển đến có các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật: Clositridium perdringens; Coliforms, E.coli, Pseudomanas aeruginosa đều cho kết quả đạt tiêu chuẩn theo QCVN6-2:2010/BYT.

Theo đại diện Phòng Y tế huyện Thanh Oai, các triệu chứng đau bụng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn mà trẻ gặp phải sau khi uống nước ngọt miễn phí có thể do trẻ uống lượng lớn nước ngọt nên dẫn đến tình trạng này. Bởi dưới góc độ y khoa, khi cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường hoặc carbohydrate, tuyến tụy hoạt động mạnh để tạo ra insulin giúp phân hủy đường, điều chỉnh đường huyết. Khi lượng đường trong máu giảm đột ngột làm hạ đường huyết, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, run rẩy, choáng váng, thay đổi tâm trạng và đau đầu.

Liên quan đến sự việc trên, ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai cho biết, đã chỉ đạo ngay tới các trường học trên địa bàn huyện Thanh Oai về thực hiện vệ sinh ATTP và khuyến cáo học sinh tuyệt đối không nhận đồ ăn, uống từ người lạ.

Đồng thời các nhà trường tuyên truyền cho cộng đồng, phụ huynh học sinh không sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi có biểu hiện nghi ngờ sử dụng thực phẩm không an toàn cần đến ngay cơ sở y tế để khám.

an-toan-thuc-pham-truong-hoc-o-ha-noi-1-6526.jpg
Diễn tập tình huống học sinh bị ngộ độc thực phẩm.

Tăng kiểm tra, giám sát

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học luôn được các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, ngay sau sự việc Trường THCS Bình Minh, sở tiếp tục đề nghị các đơn vị tăng cường quán triệt các nhà trường tuyên truyền đến học sinh không sử dụng các sản phẩm phát, tặng không rõ nguồn gốc. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để quản lý các khu vực xung quanh cổng trường và trên địa bàn, tăng cường quản lý, chỉ đạo bảo đảm công tác vệ sinh ATTP, an toàn trong trường học.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, cùng với việc nâng cao chất lượng hoạt động dạy học, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được ngành Giáo dục quận quan tâm thực hiện. Qua đó, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh, góp phần xây dựng trường học hạnh phúc.

“Hiện toàn quận có 131 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập với hơn 50.000 học sinh. Vì vậy, số lượng suất ăn hơn 40 nghìn suất/ngày. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tập thể, bếp ăn tại các cơ sở giáo dục luôn được các cấp chính quyền quận Ba Đình quan tâm, chú trọng...”, ông Lê Đức Thuận chia sẻ.

Còn lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức cho biết, Ban Chỉ đạo công tác ATTP huyện vừa tổ chức lễ ra quân và ký cam kết chuyên đề: Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức năm 2024, tại Trường THCS Đức Giang.

Theo đó, toàn huyện Hoài Đức đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, ATTP trong và xung quanh cổng trường học. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về ATTP.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và đơn vị liên quan sẽ kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, để nâng chất lượng ATTP các trường học cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào hằng ngày và tổ chức đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho nhà trường.

Với người dân, nhất là phụ huynh học sinh, khi phát hiện thấy hàng quán không bảo đảm ATTP trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP, cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ