An toàn khi ở nhà

An toàn khi ở nhà

Nguy cơ trong nhà

Những thiết bị, đồ dùng trong gia đình, trông thì có vẻ "hiền lành", vô hại nhưng hậu quả do không biết cách sử dụng hoặc do trẻ nghịch ngợm thì thật khôn lường. Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, cướp đi sinh mạng trẻ nhỏ bởi những phút lơi là, bất cẩn của người lớn.

Chuyên gia kỹ năng sống Nguyễn Xuân Dưỡng (Trung tâm uTEACHER) khuyến nghị các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ ngay tại nơi sinh sống. Bởi sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi có trẻ em trong nhà. Từ ban công, cầu thang, các ổ cắm điện, máy giặt, tủ lạnh, bếp đun… đều tiềm ẩn sự mất an toàn.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Dưỡng, các lan can cầu thang và ban công nhà có thể gọi là nơi nguy hiểm số 1 vì trẻ thường rất tò mò không biết lao ra ngoài lan can thì cảm giác thế nào. 

Khoảng không gian phía trên ban công rất hấp dẫn bọn trẻ. Có thể trong suy nghĩ của chúng còn muốn thử bay như siêu nhân trong phim. Bởi vậy, các mẹ cần đặc biệt để mắt và trang bị an toàn cho khu vực này.

Tiếp đến là ổ điện, các đường dây điện, các thiết bị công tắc. Người lớn cứ bật tắt, rút ra rút vào ổ cắm cũng làm cho trẻ tò mò. Bởi với chúng đó là sự kỳ diệu. Các đồ dùng khác có thể chạy được, tivi xem được cũng nhờ cắm vào ổ điện.

Cũng có thể thấy ngay sự nguy hiểm từ bếp ga, bình ga, các thiết bị đun nóng. Tai nạn bỏng rất thường xuyên xảy ra với trẻ ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Máy giặt và tủ lạnh là nơi rất thu hút khám phá không chỉ của trẻ. Các thiết bị này còn rất hợp với trò chơi trốn tìm của chúng. Trời nóng thế này, cái tủ lạnh mát rượi kia hoàn toàn có thể là điểm đến thu hút của bọn nhóc. Chui vào đó ngồi vừa mát vừa có thể ăn vụng thức ăn.

Quạt điện và những thứ quay tròn trong nhà rất mát, rất dễ chịu. Nhưng khả năng sát thương của nó cũng rất khủng khiếp. Phía sau quạt lại có khả năng hút rất mạnh. Nếu con lại chơi gần quạt, con có thể bị hút tóc vào trong cánh quạt rất đau đớn. Ngoài ra, dao kéo, kim, búa, đinh, ốc vít… đều có thể gây thương tích cho trẻ.

"Trẻ con luôn ưa thích khám phá, trong khi chưa thể ý thức được những nguy hiểm rình rập. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho con, các cha mẹ cần theo sát, thường xuyên dạy trẻ về những nguy hiểm. Cùng với đó, cha mẹ nên tăng cường các biện pháp bảo vệ, phòng xa các trường hợp không may xảy ra", chuyên gia Nguyễn Xuân Dưỡng lưu ý.

Thiết lập kỹ năng cho trẻ

Để các vật dụng không trở thành mối nguy hiểm cho trẻ, điều cần nhất là trang bị cho chúng kiến thức và cảnh báo về sự nguy hiểm. Đồng thời, cha mẹ nên dạy con càng sớm càng tốt về sử dụng thiết bị đúng cách để trẻ quen dần.

Theo TS Vũ Thu Hương – Giám đốc Trung tâm kỹ năng Cá Siêu Quậy, trước hết cha mẹ cần dạy con tránh xa các thiết bị nguy hiểm. Tuy nhiên, hét lên khi con đến gần nơi nguy hiểm không phải cách hay. Càng làm vậy con càng tò mò. 

Cha mẹ cần làm cho con giật mình hoảng sợ để con tự giác tránh xa. Hãy cầm tay con nhét vào ổ điện (dĩ nhiên là cách xa hàng mét). Cùng với lời nhắc "nó cắn" hay "nó giật đứt tay" và cầm tay đưa vào đột ngột, phản ứng tự vệ của con là co lại và có thể khóc váng lên. Đó sẽ là hành động gây ấn tượng cực mạnh, khiến trẻ không dám lại gần cái ổ điện nữa.

Với lan can ban công cũng thế, có thể nắm vai con, vừa đẩy ra ngoài ban công vừa nói thật to về hậu quả giả định để găm vào ý thức của trẻ. Đừng quá xót khi con bị hoảng sợ vì thà rằng vậy còn hơn là để tai nạn xảy ra.

Việc quan trọng cần làm là lắp các thiết bị bảo vệ an toàn trong nhà. Các ổ điện đều cần có những nút và lắp các nút giả mà sức của trẻ nhỏ không thể tự tháo ra, đừng để chừa lại bất kể cái nào. Điều này là tối quan trọng.

Ở lan can ban công, các gia đình nên lắp rào chắn an toàn. Nên lưu ý sử dụng các loại bằng dây sợi vừa đủ ngăn các con lao mình ra ngoài ban công nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, cần cứu người qua lối đó vẫn có thể cắt nó dễ dàng bằng kéo.

Với máy giặt, tốt nhất để trong 1 khu vực có cửa khóa. Khi nào cha mẹ giặt thì mở khóa, không thì khóa lại. Còn với tủ lạnh, cách tốt nhất là cảnh báo nguy hiểm và để mắt thường xuyên.

"Tuyệt đối không bế con khi đang thao tác với các thiết bị, đặc biệt là khu vực dễ gây bỏng. Đã có trường hợp các cháu bị rơi vào nồi nước sôi do mẹ vừa bế con vừa nấu ăn. Nhà có trẻ nhỏ, nên có cũi. Khi cha mẹ bận rộn, khó có thể để mắt tới con, có thể cho con vào cũi. Trong đó con có thể khóc vì không được thoải mái nhưng con thực sự an toàn", TS Vũ Thu Hương lưu ý.

Nên dạy con sử dụng thiết bị gia đình một cách an toàn ngay khi con được 4 tuổi. Ban đầu là kéo, dao, kim… Sau đó sẽ nâng dần tùy thuộc vào khả năng tiếp thu và kĩ năng của con. Khi mới thực hành với các vật dụng đó, hãy chọn thứ an toàn nhất cho con. 

Ví dụ: Kéo đầu tù, nhỏ xíu bằng bàn tay của con, dao nhựa hoặc dao ăn, kim khâu len…. Những vật dụng này có khả năng gây sát thương ít nhất.

Hướng dẫn con thật cẩn thận để con có thể sử dụng tốt nhất mà không bị thương tích.

“Hạn chế tối đa để con ở một mình. Điều này cần chú ý khi con từ 0 – 4 tuổi. Không để con ngủ 1 mình, khóa cửa đi đâu đó. Con luôn phải được để mắt đến mọi lúc mọi nơi. Từ 4 tuổi trở lên, dạy con cách sống an toàn với mọi vật dụng xong thì phải kiểm tra lại cho đến khi yên tâm là con thực sự an toàn mới rời mắt ra khỏi con độ nửa tiếng mỗi ngày. Tăng dần thời gian lên theo khả năng thành thục các kĩ năng và ý thức của con” - TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.