An toàn cho trẻ em trên xe ô tô bằng thiết bị thông minh

GD&TĐ - Sáng 16/11, Uỷ ban ATGT Quốc gia phối hợp Trường Đại học Y tế Công cộng tổ chức Hội thảo “Thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em Việt Nam”.

Đại biểu thăm quan mô hình, thiết bị an toàn tại Hội thảo.
Đại biểu thăm quan mô hình, thiết bị an toàn tại Hội thảo.

Trên 22% trẻ em ngồi một mình ở ghế phụ

Hội thảo với mục tiêu trình bày các kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng, sự tiếp cận sẵn có về thiết bị an toàn cho trẻ trên xe ô tô tại Việt Nam. Bên cạnh đó là những khuyến nghị quốc tế về xây dựng chính sách liên quan và cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em.

Phát biểu khai mạc, PGS. TS Lã Ngọc Quang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết, theo các nghiên cứu về tai nạn thương tích (TNTT) ở Việt Nam gần đây cho thấy tỷ lệ TNTT do tất cả các nguyên nhân ở Việt Nam nằm ở mức cao trên thế giới. Trong số các phân nhóm của TNTT, tai nạn giao thông (TNGT) chiếm vị trí hàng đầu về tỷ lệ gây tàn tật và tử vong.

PGS.TS Lã Ngọc Quang phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Lã Ngọc Quang phát biểu tại Hội thảo.

Theo PGS.TS Lã Ngọc Quang, việc triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tỷ lệ mắc, giảm tác động của TNGT lên sức khoẻ con người. Đặc biệt là với nhóm trẻ em luôn là các ưu tiên hàng đầu trên thế giới và Việt Nam.

Tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế Công cộng cũng bày tỏ mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi,… từ các đại biểu tham dự để Hội thảo đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Trình bày về kết quả nghiên cứu thực trạng sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô cho trẻ em, ThS. BS Dương Kim Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Công cộng) cho biết, tại Việt Nam số hộ gia đình sở hữu ô tô con phục vụ đi lại ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa quan tâm tới việc đảm bảo an toàn cho trẻ em khi di chuyển cùng gia đình bằng ô tô.

“Theo nghiên cứu tại Việt Nam, có 22.8% trẻ em dưới 10 tuổi ngồi một mình ở ghế phụ trước khi đi ô tô và 19.2% trẻ ngồi ghế phụ trước chung với người lớn. Rất ít cha mẹ để con nhỏ của mình ngồi trong ghế chuyên dụng.

Việc sử dụng các thiết bị an toàn (TBAT) còn thấp. Tại các thành phố lớn, chỉ 1.3% xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ, trong đó có 2.6 % tại Hà Nội, 1.1% tại TP Hồ Chí Minh và 0% tại Đà Nẵng…”, ông ThS. BS Dương Kim Tuấn thông tin.

Quang cảnh Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

ThS. BS Dương Kim Tuấn cũng cho biết, nhiều người dân còn chủ quan và cho rằng chỉ cần thắt dây an toàn hoặc ngồi cùng trẻ là đã đảm bảo an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 50.1% người sử dụng xe ô tô tại các thành phố lớn biết đến các TBAT cho trẻ em. Ngoài ra, tại Việt Nam, chưa có quy định pháp luật về TBAT/vị trí ngồi an toàn cho trẻ em trên ô tô…

Tâm lý chủ quan

Về vấn đề sản xuất, kinh doanh TBAT cho trẻ trên ô tô tại Việt Nam và Thế Giới, bà Bùi Thị Thanh Hường - Giám đốc kinh doanh công ty MBH Protec cho biết, hiện các sản phẩm TBAT tại Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu nguyên chiếc từ Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và chỉ có một hãng sản xuất tại Việt Nam.

Giám đốc kinh doanh công ty MBH Protec cũng cho biết, theo kết quả khảo sát về tình trạng sẵn có và giá bán các sản phẩm TBAT có tổng cộng 10 nhãn hàng TBAT với 47 sản phẩm tại thị trường Việt Nam. Trong đó, có 10 hãng có trang web và nhà phân phối chính thức, còn lại một số mặt hàng không có nguồn gốc xuất xứ được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử.

“Thị trường hiện có nhu cầu rất thấp, do nhà nước chưa đẩy mạnh việc tuyên truyền thường xuyên cũng như chưa có qui định bắt buộc về sử dụng ghế ngồi ô tô cho trẻ em. Bên cạnh đó, việc nhận thức của người dân về lĩnh vực này còn chưa cao. Nhà sản xuất cần phải đầu tư thêm các thiết bị máy móc, nhân lực, công nghệ,...”, bà Bùi Thị Thanh Hường chia sẻ.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến sản phẩm TBAT cho trẻ em trên xe ô tô để đưa ra các ý kiến, khuyến nghị, đề xuất phù hợp.

Chia sẻ với PV, bà Phạm Thanh Trà - Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện chưa có quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia và tiêu chuẩn Quốc gia dành riêng cho TBAT trên xe ô tô cho trẻ em.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, trước những yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các chuyên gia tại Hội thảo, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật; các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm TBAT cho trẻ em trên xe ô tô và có Báo cáo, đề xuất phù hợp để các cơ quan có thẩm quyền xem xét…

Được biết, Hội thảo lần này là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho chính sách liên quan đến ghế ngồi ô tô cho trẻ em tại Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.