Đây là những tàu cá hành nghề trong suốt những ngày diễn ra Tết cổ truyền của dân tộc.
Thống kê của các tỉnh Nam Trung Bộ cho biết, mỗi tỉnh có khoảng 100 tàu đánh cá với hơn 1.000 ngư dân/tàu “ăn Tết trên biển”. Một ngàn tàu đánh cá với cả vạn ngư dân bám biển trong khoảng thời gian ai cũng nghỉ ngơi để ăn Tết cổ truyền như thế là một việc làm rất có ý nghĩa.
Có nhiều lý do để cả vạn ngư dân miền Trung phải tạm xa gia đình trong những ngày Tết để vươn khơi bám biển. Lý do trước mắt, đây là thời điểm mà cá ngừ đại dương và các loại cá thu, cá nục, cá cờ… xuất hiện nhiều nên việc khai thác cũng thuận lợi hơn. Số lượng tàu đánh cá trên biển trong dịp Tết ít mà cá thì nhiều, đó cũng là một ưu thế cho ngư dân.
Có những tàu chỉ trong 15 ngày bám biển đã mang về trên 10 tấn cá, thu cả tỷ đồng. Các bạn thuyền cũng được chia 15 - 20 triệu đồng/người. Cá biển đầu năm bao giờ cũng được giá hơn ngày thường vì những ngày Tết đa số người dùng thịt nên muốn đổi món. Giá đắt, sản lượng khá nên thu nhập của chủ tàu lẫn bạn chài đều cao so với những chuyến biển khác.
Ngay từ 20 tháng Chạp, nhiều ngư dân ở Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng đã lo mua nhiên liệu và lương thực cho chuyến xuyên Tết này. Các chủ tàu cũng chuẩn bị khá tươm tất cho một cái Tết trên biển. Cũng bánh chưng, dưa hành, có cả rượu đón Giao thừa nên nỗi nhớ nhà cũng không đáng ngại.
Vả lại, với phương tiện liên lạc hiện đại như ngày nay, từ đất liền cũng có thể gửi lời chúc Tết đến mỗi tàu đánh cá trên biển. Tuy là đang hành nghề nhưng các lễ cúng Tết cũng diễn ra trên mỗi tàu như ở đất liền. Các ngư phủ xem tàu là nhà và biển là quê hương rất đúng trong trường hợp ăn Tết giữa biển này.
Theo báo cáo của lực lượng biên phòng ở các cửa biển, điều đáng ghi nhận là, tàu cá nào cũng có máy móc để liên lạc với đất liền và luôn trang bị giám sát hành trình trên biển để khỏi vi phạm lãnh hải cũng như các quy định khác của luật pháp.
Bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo của mỗi chủ tàu cho phiên biển xuyên Tết này, lực lượng biên phòng và cảnh sát biển cũng luôn bên cạnh họ trong suốt hành trình bám biển. Sự có mặt của các lực lượng bảo vệ trên biển đã trở thành chỗ dựa tin cậy của ngư dân.
Nhưng có lẽ ý nghĩa lớn lao hơn cả việc bội thu cá và được giá tiền là sự có mặt của hàng vạn dân chài trên Biển Đông như một sự khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia. Biển cả bao la là thế, nhưng không lúc nào vắng bóng những lá cờ đỏ sao vàng của ngư dân bám biển. Tổ quốc luôn hiện lên sau mỗi cánh buồm của họ. Đó là một điều thiêng liêng không đo đếm hết.