An Giang xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030

GD&TĐ -  UBND tỉnh An Giang triển khai thực hiện Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

An Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% cán bộ, hội viên Hội khuyến học trên địa bàn tỉnh được quán triệt mô hình “Công dân học tập”.
An Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% cán bộ, hội viên Hội khuyến học trên địa bàn tỉnh được quán triệt mô hình “Công dân học tập”.

Kế hoạch thực hiện Chương trình "Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021 – 2030” đề ra mục tiêu thúc đẩy việc học tập suốt đời để cán bộ, hội viên Hội khuyến học và nhân dân tỉnh An Giang phát triển toàn diện, năng động, sáng tạo; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và làm việc hiệu quả.

Mô hình khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân trong tổ chức, đơn vị, gia đình, mọi công dân trong xã hội được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, qua đó góp phần xây dựng thành công một xã hội học tập.

Ông Nguyễn Đăng Giai - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh An Giang, cho biết: “Hiện toàn tỉnh An Giang có 156 hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn; trên 4.150 chi hội khuyến học; 740 ban khuyến học; trên 300.000 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, 500 “Dòng họ học tập”, 3.900 “Cộng đồng học tập”.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% cán bộ, hội viên Hội khuyến học trên địa bàn tỉnh An Giang được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình “Công dân học tập”; 60% người lớn trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” (tổ nhân dân tự quản, tổ dân phố và tương đương) đạt danh hiệu “Công dân học tập”

80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu “Công dân học tập”; 90% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải được đào tạo và có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc

Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội Khuyến học tỉnh An Giang đã và đang phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành lồng ghép, xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng học hiếu học", "Cộng đồng khuyến học", "Đơn vị khuyến học" và đang chuyển đổi theo mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập gắn với xây dựng gia đình văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh.

An Giang hiện có trên 300.000 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”.
An Giang hiện có trên 300.000 gia đình được công nhận “Gia đình học tập”.

Đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đã trở thành những "chiến sĩ" trên "mặt trận" khuyến học, đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình, sáng tạo trong phát triển và nhân rộng phong trào với nhiều mô hình khuyến học được hình thành, chắp cánh cho ước mơ được học tập của học sinh bừng sáng, thực hiện hoài bão trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Cùng đó, trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh An Giang sẽ tổ chức thực hiện và triển khai Bộ tiêu chí mô hình “Công dân học tập” trong toàn tỉnh; Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng mô hình “Công dân học tập” trong cộng đồng; Đẩy mạnh triển khai nhân rộng, sơ kết, tổng kết mô hình “Công dân học tập”; Tăng cường kết nối vận động các nguồn lực xã hội hóa nhằm nhân rộng mô hình “Công dân học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình “Công dân học tập”, ưu tiên triển khai, phổ biến, tham gia sử dụng các nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để các công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Đặc biệt là Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs); số hóa tài liệu, giáo trình; ứng dụng nền tảng chia sẻ tài nguyên dạy và học theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Qua đó, huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng mô hình “Công dân học tập”, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ