Trước đó, đơn thư tố cáo bà Sơn có dấu hiệu bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ học sinh nghèo rồi chia cho mình và các giáo viên trong trường khiến dư luận hết sức bức xúc, phẫn nộ.
Trong nhiều năm qua, để giúp đỡ học sinh nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đến trường, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi rất cụ thể, thiết thực như miễn học phí, hỗ trợ tiền ăn, áo ấm, sách vở… cho các em.
Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, việc hỗ trợ cho học sinh cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn đã đi vào nền nếp và mang lại kết quả rất đáng ghi nhận. Học sinh nghèo ở vùng có điều kiện khó khăn đã được hỗ trợ tiền ăn để yên tâm đến trường học tập, sinh hoạt.
Việc ăn bớt, ăn chặn tiền hỗ trợ của trẻ em nghèo không chỉ phạm tội tham ô mà hành vi này còn thể hiện sự vô lương tâm của những người liên quan. Bình thường hành vi tham ô, ăn chặn tiền ngân sách đã phải chịu trách nhiệm hình sự, đối với hành vi ăn chặn tiền hỗ trợ của trẻ em nghèo cần phải xử lý nặng hơn. Có thể coi đó là hành vi tội ác khó có thể chấp nhận trong xã hội văn minh hiện nay.
Dư luận đang chờ kết quả điều tra để xử lý, trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm pháp luật, tuy nhiên về khía cạnh đạo đức, nhân cách, nhất là ở cương vị, tư cách một nhà giáo thì khó có thể dùng từ nào để miêu tả về sự nhẫn tâm, phi nhân tính của hành vi này!
Bớt xén, ăn chặn tiền hỗ trợ của trẻ em nghèo không chỉ bị xử lý nghiêm theo pháp luật mà còn trái đạo đức xã hội, cần phải bị lên án mạnh mẽ.