Vẫn còn đó tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, vẫn còn đó những thước phim hào hùng của “trung đoàn Thủ đô”, vẫn còn đó âm vang giai điệu hành khúc bài hát “Nam Bộ kháng chiến”: “Ta ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”.
Trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc” với thù trong, giặc ngoài, với một chính quyền non trẻ vừa mới thành lập thì lời hịch “Kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã cộng hưởng sức mạnh tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc.
Một dân tộc đã trải qua bao thăng trầm lịch sử từ dựng nước đến giữ nước. Một dân tộc mà trang sử vàng gắn liền với bao chiến công vang dội: Từ Đống Đa, Chi Lăng, Hàm Tử… đến ngọn sóng Bạch Đằng Giang, mỗi tên phố, tên làng, mỗi tên sông, tên núi, mỗi tấc đất, tấc biển đọc lên đã thấy thân quen, thân thiết bao xúc động tự hào…
Chúng ta làm sao quên được những tháng ngày ấy khi mà với vũ khí thô sơ “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”. Với những cảm tử quân mang bom ba càng lao vào xe tăng giặc.
Chúng ta làm sao quên được mỗi góc phố, ngả đường Hà Nội chiến đấu 60 ngày đêm cầm chân giặc Pháp. Mỗi xóm thôn là một pháo đài với những lũy tre xanh bao bọc.
Hình ảnh ngọn tầm vông Nam Bộ vút cao như làm một biểu tượng với ý chí quật cường rập bước quân hành. Một cuộc hành quân mang theo sự tiếp nối cả một chiều dài lịch sử, một chiều sâu trầm tích của quá khứ oai hùng.
Lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ ngắn gọn và rắn rỏi: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” gợi ta liên tưởng đến câu nói nổi tiếng của Fidel: “Tổ quốc hay là chết” và “Vì Việt Nam chúng ta hiến dâng cả máu”.
Thì đây, trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó nhân dân Việt Nam toàn quốc đã “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.
Thời gian rồi sẽ qua đi nhưng ký ức vẫn còn sống mãi. Sống mãi với những bài ca “Đi cùng năm tháng”. Sống mãi với những bức tranh cổ động hoành tráng đã dựng dậy thần thái âm vang của một thời. Sống mãi với những trang sách tư liệu, hồi ký.
Có lẽ không có một bảo tàng nào sống động như bảo tàng của lòng dân. Những lớp người ngày ấy cách đây 70 năm giờ đã thành ông, thành bà nhưng âm vang Ngày toàn quốc kháng chiến trong ký ức của họ vẫn còn vẹn nguyên mãi đến bây giờ. Vẹn nguyên cả giọng đọc trầm ấm của Bác Hồ kính yêu khi phát Lời kêu gọi trên sóng của đài phát thanh “Đây là tiếng nói Việt Nam”.
Nghe lại, chúng ta càng bồi hồi xúc động càng thêm gắn bó với tình yêu Tổ quốc lớn lao. Tổ quốc thật gần gũi như dân ca từng miền quê, thật thiêng liêng với khí thiêng cương vực đất đai sông núi.
Một “Tổ quốc nhìn từ biển” mà nhà thơ Nguyễn Viết Chiến đã nói hộ chúng ta: “Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hòn đảo - Lạc Long Cha nay chưa thấy trở về - Lời cha dặn phải giữ từng thước đất - Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi”.
Vâng, âm vang những Ngày toàn quốc kháng chiến bao máu đào của dân tộc đổ xuống cho non song trọn vẹn hôm nay. Con cháu thế hệ mai sau không những khắc ghi mà còn tô thắm thêm, rạng ngời rạng danh thêm để xứng đáng với những tháng ngày không thể quên đó.