"Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá, đừng ngại"
Vừa thay ruột xe cho khách, Anh Hiếu vừa chia sẻ: "anh làm bảo vệ cho cửa hàng tại đây, anh làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, buổi tối anh không thuê phòng trọ mà ở lại để trông nom mấy cửa hàng xung quanh luôn. Tính ra, góc đường nhỏ này cũng chính là "nhà" của anh hơn 2 năm rồi. Anh sinh hoạt tại vỉa hè này luôn...
Anh thấy người ta đi qua đường này bị dính đinh hoài, người ta dắt bộ xa mà không tìm thấy chỗ sửa xe đêm, nhiều người đi làm về họ hết tiền, họ cứ dắt vậy anh thấy thương nên sẵn có món nghề sửa xe học ở quê, anh sắm thêm ít đồ nghề, cái máy bơm dùng chân, vài cái ruột xe mở một "tiệm" vá xe đêm cho người ta luôn. Nói là "tiệm" cho sang thôi chứ cũng chỉ có cái vài món lẻ tẻ để cứu xe lúc chết máy hay vá giúp người ta khi bị bể bánh thôi".
Đều đặn hàng ngày, sau khi kết thúc ca trực bảo vệ, anh Hiếu lại trở về với công việc vá xe đêm vất vả |
Thời gian đầu, nhiều người dắt xe đi qua, thấy vá xe đêm, không quen biết, người ta sợ "chặt chém", ít người dám vào sửa nên anh Hiếu đã viết tấm bảng "Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá, đừng ngại" để người ta ghé sửa. Cũng từ khi có tấm bảng ấy, người ta đã ghé nhiều hơn, những giấc ngủ đêm của anh cũng không ngày nào được trọn vẹn. Có nhiều đêm vừa dọn dẹp đồ xong, đặt lưng xuống nghỉ được 15 phút sau mấy tiếng sửa xe liên tục, lại có người bể bánh xe, anh chẳng thể từ chối vì thương. Cứ lặp lại như vậy đến sáng rồi anh lại trở về với công việc bảo vệ.
"Mình không sửa giúp người ta, thì người ta nhờ ai bây giờ, người ta thương tình thấy mình vất vả, có người cho thêm năm, mười nghìn, có người cho mình ly nước, hộp cơm. Ngày trước anh có mỗi cái máy bơm đạp chân, có chị kia ở Quận 1 biết hoàn cảnh của anh nên đã tặng luôn cho cái máy bơm điện, nhiều anh em đi qua cũng ủng hộ cho anh chiếc ruột xe, đồ ăn...từ lúc ấy đến giờ đỡ vất vả hơn rồi" - vừa cười anh Hiếu vừa kể.
Mỗi xe anh vá chỉ 10.000 đồng đến 15.000 đồng |
"Người ta làm bảo vệ, cứ đúng ca là về nghỉ rồi đến tháng nhận lương, nhưng anh còn gia đình và con nhỏ. Mình còn sức khỏe thì kiếm được đồng nào nuôi gia đình và các con thì hay đồng ấy. Mình cực khổ mà các con mình ấm no hạnh phúc là được rồi. Mình làm việc tốt nên trời thương, anh sống tại vỉa hè này hai năm nay nhưng chưa gặp chuyện dữ bao giờ, nhiều người thiếu tiền vá xe, họ cũng quay lại trả anh vì cái tình".
Ấm áp vì tấm lòng đẹp và tử tế
"Anh không để bảng "vá xe miễn phí" vì anh còn phải gửi tiền nuôi hai đứa nhỏ. Nếu có điều kiện như người ta, anh sẵn sàng vá miễn phí, không ngại. Vá xe đêm vất vả lắm nhưng mỗi xe anh vá chỉ 10.000 đồng đến 15.000 đồng, bằng với người ta thôi. Ai có bao nhiêu, thì cho anh bấy nhiêu, ai đi làm đêm về hết tiền cứ nói anh, hôm sau hoặc khi nào trả anh cũng được. Mình làm vì mình thương thì làm sao lấy mắc người ta được, có những ngày khách đông anh ngủ được vài tiếng, có những ngày anh phải thức trắng tới giờ vào ca bảo vệ luôn".
Nhiều người đã trở thành khách quen của anh Hiếu, họ dắt xe đến tận chỗ anh để nhờ anh vá giúp. |
Rà lốp xe cho khách để kiểm tra, bị cắt chảy máu bởi những chiếc đinh sắc như dao của định tặc là chuyện thường ngày với anh Hiếu. Nhưng bỏ thì thương mà vương thì tội, anh quấn tạm cái băng cá nhân rồi lại làm tiếp cho khách. Lương bảo vệ "Ba cọc ba đồng", đủ nuôi sống gia đình, còn cho các con đi học thì khó khăn lắm. Có thêm chút tiền từ việc vá xe này, anh cũng giúp vợ con được nhiều hơn.
Được biết, anh Hiếu có hai con nhỏ và mẹ già ở Tiền Giang, bé lớn 10 tuổi, bé nhỏ 4 tuổi. Hàng tháng anh dành dụm từng đồng tiền lương gửi về phụ giúp gia đình, cho con đi học. Anh không dám thuê nhà và đưa các con lên thành phố ở chung vì ở thành phố tốn kém, sợ các con khổ. Nhớ vợ, nhớ con nhưng vì hoàn cảnh, hai ba tháng anh mới có dịp bắt xe về thăm các con của mình.
Người đàn ông 40 tuổi với "tiệm" vá xe "Có tiền cũng vá, không tiền cũng vá" của mình đã làm nhiều người khi đi qua đường Hoàng Diệu (Q.4, TP.HCM) cảm thấy ấm áp vì tấm lòng đẹp và tử tế giữa lòng thành phố xô bồ, náo nhiệt.