Thảo thơm những tấm lòng

Ở Sài Gòn, người ta quen nghĩ mọi người phải sống gấp, sống vội vàng, lo toan mưu sinh đến nỗi không có thời gian để nở với nhau một nụ cười. 

Anh Bình đang sửa giày cho một người bán vé số
Anh Bình đang sửa giày cho một người bán vé số

Nhưng, sau những hào nhoáng, ồn ào của một phố thị là có những chốn bình yên, ấm áp, ở đó ấm nồng bao tấm lòng thơm thảo.

Sửa giày, cắt tóc... miễn phí

Những ai đi qua đường Huỳnh Văn Bánh, phường 15, quận Phú Nhuận đều bị thu hút bởi tấm biển “Sửa giày dép miễn phí cho người bán vé số, xe ôm, ba gác, xích lô, người thu gom rác”. Người thợ sửa giày dép ấy là anh Lý Ngọc Bình, 30 tuổi quê ở Gia Lai, xuống TPHCM lập nghiệp từ năm 2012.

“Mình sinh ra cũng mang kiếp nghèo khổ nên thấu hiểu được người khác. Người ta cả đời đã phải sống cảnh tạm bợ, chắc khi nằm xuống người ta cũng mong muốn có một chỗ tươm tất”.

Ông Út
“Ngày bé khi còn đi học, vì gia đình nghèo khó nên có những lần dép rách mình vẫn phải lê tới trường bởi ngại các bạn cười là đi chân đất”- Bình mở đầu câu chuyện. Đến khi không còn lê dép rách được nữa, Bình chịu để bạn cười và chân trần tới trường. Trên con đường đất đỏ sỏi đá, chân Bình rướm máu nhưng cũng cố đến được trường. Tuổi thơ nhọc nhằn đã qua. Bình có một ước mơ là làm sao để có những đôi dép lành lặn. Lớn lên, Bình học nghề sửa giày dép nhưng Gia Lai không phải là mảnh đất thích hợp với mình. Bình vào TPHCM.

Làm nghề sửa giày dép ngay con hẻm 60 đường Huỳnh Văn Bánh, gần như ngày nào anh cũng nhìn thấy những người bán vé số vì nghèo quá, dép rách nhưng không có tiền sửa. “Có người chân phồng rộp lên vì mặt đường nóng rát”- Bình kể. Một hôm có cụ già bán vé số tới nhờ anh sửa giùm đôi dép, hai quai đã rách và đế gần như mòn hết. Đến khi tính tiền, vì thương hoàn cảnh của cụ nên anh không nhận, nhưng cụ vẫn khăng khăng trả. Từ chối mãi không được, Bình bảo với cụ già: “chỗ con sửa miễn phí cho người nghèo, người có thu nhập thấp”, cụ mới chịu thôi. Và cũng từ đó, anh làm tấm bảng sửa giày miễn phí cho người nghèo, người bán vé số…

Thảo thơm những tấm lòng ảnh 1 Anh Quân và anh Bình, những người sửa giày, cắt tóc miễn phí cho người nghèo, người ăn xin, bán vé số...
Mỗi ngày, anh Bình làm việc từ 8 giờ sáng cho tới 22 giờ. Trung bình một tháng anh thu nhập 3 triệu đồng. Số tiền đủ để anh thuê trọ và ăn cơm bụi, nhưng với anh, nó không quan trọng bằng cách làm và tình yêu nghề của mình. “Mình đang tiết kiệm và cố gắng lao động nhiều hơn để sau này mở một cửa tiệm nho nhỏ tại Sài Gòn và mở lớp dạy sửa giầy dép miễn phí cho những thân phận khó khăn”- Bình chia sẻ ước mơ. Theo Bình do mình không có nhiều tiền để làm từ thiện nên mình giúp người ta bằng cách dạy nghề. “Có nhiều cách giúp đỡ người khác không chỉ là tiền? Quan trọng là mình thấy vui và người được giúp đỡ cũng thấy vui là được rồi”- Bình tự vấn. Không chỉ sửa giày dép miễn phí cho những người nghèo khó, vào các ngày mồng 1 và 15 âm lịch hằng tháng anh Bình còn phát mỳ chay miễn phí cho những người bán vé số, người nghèo quanh khu vực.

Cũng tấm lòng thiện nguyện giống anh Bình là anh Phương Kỳ Quân, 31 tuổi, chủ tiệm tóc tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường 2, quận 5. Tấm biển “Cắt tóc miễn phí cho người bán vé số, ba gác, xích lô, xe ôm, người thu gom rác và quét dọn” đã treo lên tại salon tóc của Quân hai năm nay. Nhiều người ngạc nhiên, bởi tiệm salon tóc rất sang trọng này lại dành ưu ái cho biết bao nhiêu người nghèo. Từng phải vất vả bươn chải vì gia đình quá nghèo nên anh hiểu phần nào sự vất vả của người lao động khốn khó. Học hết lớp 9, Quân vào Sài Gòn học nghề cắt tóc. Nói về tấm biển treo trước cửa tiệm, anh Quân cho biết: “Mình ấp ủ điều này đã chục năm nay rồi nhưng phần vì chưa đủ tiền, phần đang trong thời gian học việc. Bây giờ mở tiệm rồi nên mình thực hiện ước nguyện”.

Thấy anh Quân treo biển cắt tóc miễn phí, nhiều người đi đường ngạc nhiên.“Mấy hôm trước có ông cụ bán vé số thấy cái biển này cứ đứng nhìn mãi. Mình thấy vậy liền chạy ra mời cụ vào cắt tóc. Cụ hỏi miễn phí thật hả. Mình gật đầu. Cụ bảo cả đời chưa bao giờ cắt tóc ở tiệm chứ đừng nói là ngồi máy lạnh như thê này. Thấy cụ vui, mình hạnh phúc lắm!” - Quân kể. Theo Quân những người nghèo đến đây đều được tự tay anh cắt tóc. Chỉ trừ những trường hợp đông khách lắm thì mới để thợ phụ làm. Mọi người khi bước vào tiệm đều được anh đối xử công bằng như nhau, dù đó là khách phải trả tiền hay được miễn phí.

Tất cả đều được tư vấn kiểu tóc, cắt tỉa và gội đầu. Quân nói: “Mỗi ngày có 5-7 người nghèo ghé vào cắt tóc miễn phí. Mình cảm thấy nhẹ lòng khi giúp được họ dù là nhỏ bé. Mình nghèo tiền bạc chứ không bao giờ nghèo tấm lòng”. Ngoài cắt tóc miễn phí cho người nghèo, anh Quân còn nhận dạy cắt tóc cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và muốn học nghề kiếm sống.

Nghĩa tử là nghĩa tận

Thảo thơm những tấm lòng ảnh 2 Ông Út vá xe miễn phí và lo mai táng miễn phí cho người nghèo khi qua đời
Hơn 10 năm nay, hễ thấy ai nghèo khó, vô gia cư mất mà không có tiền mai táng, ông Đỗ Văn Út ở hẻm 96 đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, tìm đến nơi giúp đỡ. Ông làm dịch vụ mai táng miễn phí cho người nghèo hàng năm nay và không nhớ rõ mình đã giúp cho bao nhiêu số phận đã khuất được mồ yên mả đẹp. 
Từng chứng kiến người dân nghèo, vô gia cư không may qua đời nhưng không có họ hàng thân thích lo ma chay, an táng, ông đã mạnh dạn đi vận động các mạnh thường quân và các cơ sở trại hòm để lo ma chay chu tất cho họ. “Tôi chỉ nhớ có hơn 10 trường hợp sống trong hẻm 96 được mình giúp đỡ thôi”- ông Út nhớ lại. “Họ đã sống cả một cuộc đời vất vả, không có nhà để trú thân. Khi giã từ cuộc sống chắc họ cũng mong muốn mình được che chở để nằm yên vào lòng đất mẹ”- ông tiếp.

Nói về căn nguyên của việc mai táng từ thiện, ông Út cho biết: “Trước đây tôi cũng từng kinh qua nghề ma chay, chuyên tắm rửa, tẩm liệm cho người chết. Một lần trong hẻm có làm đám ma cho người nghèo xấu số nhưng người thân nghèo quá không mua nổi quan tài. Rồi tôi mới chạy đi xin một cơ sở trại hòm, nhưng người ta chưa tin nên không cho. Tôi phải chạy lên phường xin giấy xác nhận hoàn cảnh rồi trở lại cơ sở trại hòm. Thấy vậy, người ta thương tình ủng hộ một cái miễn phí”. Thương người nghèo, người vô gia cư, sau đó ông Út cùng người bạn làm chủ cơ sở trại hòm Vạn Phúc thực hiện dịch vụ mai táng miễn phí cho bà con trong xóm và các quận huyện.

Khi tôi đến, có một người ở quận 4 tìm tới ông xin chiếc quan tài vì mẹ mất mà gia cảnh quá nghèo, ông Út ủng hộ không chần chừ. Cứ hễ có người gọi điện, dù đang bận việc hay giữa đêm khuya thì ông Út cũng tìm đến. Đích thân ông là người tắm rửa, khâm liệm cho người đã khuất rồi trực tiếp liên hệ với chủ cơ sở trại hòm để lo việc ma chay miễn phí. Việc tốt của ông được nhiều người biết đến, vì vậy có nhiều mạnh thường quân tìm gặp và ủng hộ tiền để ông có thêm chi phí giúp đỡ mọi người.

Đã 5 năm qua, ông Út vẫn nhớ mãi đám tang của một người nghèo ở quận 12. Ông kể, có hai vợ chồng thuê trọ, làm công nhân, không may cả hai bị tai nạn, người vợ qua đời còn người chồng phải cấp cứu. Nằm trong viện, người chồng lúc tỉnh lúc mê, may sao có người trong bệnh viện biết đến cơ sở mai táng của chú nên đã gọi điện xin giúp. Đám ma đó được ông Út cùng với những người dân trong hẻm 96 lo miễn phí. Hay, một vụ ngay trong hẻm ông Út ở cách đây đã mấy năm. Người mẹ nghèo qua đời, mấy người con không lo nổi đám tang.

Chủ nhà trọ thì không cho đặt quan tài trong nhà và không cho tổ chức đám tang. Thấy vậy ông Út đành xin với phường cho tổ chức đám tang ở một khoảng trống trong hẻm. Người dân trong hẻm 96, mỗi người giúp một ít tiền mua quan tài và cử hành tang lễ. Ông Út cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay mình đã vận động được 3 trại hòm giúp đỡ cho người nghèo chẳng may qua đời. “May mà chủ cơ sở trại hòm người ta không giới hạn số lượng và cũng chẳng cần phải giấy tờ xác nhận gì cả. Chỉ cần tôi nói một tiếng là sẽ được giúp ngay”- ông khoe.

Hỏi ông Út sao nghèo vậy, ngày vá xe kiếm được mấy đồng, lại còn vá xe cho người nghèo, người bán vé số miễn phí nhưng vẫn thích làm từ thiện, ông cười: “Mình sinh ra cũng mang kiếp nghèo khổ nên thấu hiểu được người khác. Người ta cả đời đã phải sống cảnh tạm bợ, chắc khi nằm xuống người ta cũng mong muốn có một chỗ tươm tất”, ông Út nói. Ở Sài Gòn, còn rất nhiều tấm lòng thảo thơm như thế dù họ phải bươn chải với cuộc sống bộn bề khó khăn.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ