Ấm áp Tết dân tộc ở trường học vùng cao

GD&TĐ - Mỗi khi Tết đến Xuân về, chuẩn bị nghỉ Tết, các nhà trường ở vùng cao, đặc biệt là những trường học có mô hình bán trú, nội trú thường tổ chức cho học sinh ăn Tết cùng với thầy cô giáo trong toàn trường.

Những chiếc bánh chưng mang hơi ấm Tết cổ truyền đến với HS vùng cao
Những chiếc bánh chưng mang hơi ấm Tết cổ truyền đến với HS vùng cao

 Đó là Tết dân tộc, một cái Tết ấm áp và chan chứa tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò vùng cao…

Ấm áp tình thầy trò trong ngày Tết

Năm nào cũng vậy, vào tuần trước khi nghỉ Tết, khi mọi thứ đã được chuẩn bị, Tết dân tộc sẽ được tiến hành ngay tại sân trường ở những trường học vùng cao. Cái Tết này sẽ được tổ chức cho học sinh toàn trường, với mục đích tổ chức cho các em học sinh ăn Tết cùng thầy cô, tiễn chân các em về các bản vui Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Với đặc thù là những trường học ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Đặc biệt nhiều trường có số đông học sinh ở bán trú, nội trú, cả năm các em sống, học tập, ăn ở tại trường, gắn bó với thầy cô, với nhà trường và bè bạn. Vì vậy, việc tổ chức Tết dân tộc trước Tết Nguyên đán là sự động viên, chăm lo cho đời sống tinh thần của các em, giúp các em có thêm động lực và gắn bó với thầy cô, trường lớp hơn.

Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, mỗi trường học ở vùng cao sẽ có một cách tổ chức dân tộc riêng. Không nhất thiết phải tổ chức với quy mô lớn, phô trương mà miễn là để học sinh được ăn một cái Tết đặc biệt, cái Tết chung bên thầy cô và bè bạn.

Thông thường, ở các trường học vùng cao, mọi điều kiện để tổ chức Tết dân tộc đều được cả thầy và trò cùng nhau chuẩn bị trước đó. Những thứ cần thiết để tổ chức ăn Tết như lợn, gà, rau, bánh chưng… đều được thầy cô và các em học sinh bán trú nuôi, trồng và tự tay gói bánh chưng để ăn Tết. Vì thế, vui Tết dân tộc, em nào cũng cảm thấy vui và ấm áp.

Để trường cũng là nhà của các em

Chúng tôi về thăm Trường PTDT bán trú THCS Tân Tiến (Bảo Yên - Lào Cai) đúng vào dịp chuẩn bị đón xuân mới, thầy và trò bên cạnh công việc dạy và học là không khí tấp nập và hối hả chuẩn bị cho việc tổ chức Tết dân tộc.

Thầy Hiệu trưởng Lục Tiến Vinh chia sẻ: “Năm nào nhà trường cũng tổ chức Tết dân tộc cho học sinh toàn trường. Với đặc thù học sinh nhà trường đa số là con em đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Mông, Dao… sống trên những bản xa heo hút nên việc tổ chức Tết dân tộc là hoạt động vừa mang bản sắc riêng vừa động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh”.

Năm học 2015 - 2016, Trường PTDT bán trú THCS Tân Tiến có 110 em học sinh ở bán trú. Do nhà xa, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà trường tổ chức cho các em ăn ở và học tập tại trường để các em và gia đình yên tâm. Năm nay, nhà trường đã và đang chuẩn bị những điều kiện để tổ chức tết dân tộc trước khi các em trở về nhà nơi các bản xa ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình.

Thầy Vinh cho biết, mỗi dịp tổ chức tết dân tộc, nhà trường chuẩn bị tới một tạ gạo nếp để gói bánh chưng. Trước ngày tổ chức, thầy cô cùng các em học sinh bán trú cùng nhau gói bánh chưng, cùng nấu bánh để lấy bánh dùng trong ngày lễ. Em nào cũng tích cực và vui vẻ khi được phân công tham gia công việc gói bánh chưng cùng thầy cô và các bạn. Những thực phẩm như lợn, gà, rau đều được thầy cô và các em học sinh bán trú nuôi và trồng đầy đủ, không phải mua ở nơi khác, lại đảm bảo ngon và sạch. Năm nay, các em học sinh bán trú đã nuôi được bốn con lợn dùng để mổ ăn Tết.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, năm nào cũng vậy, Tết dân tộc của nhà trường đều nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Vào ngày tổ chức, chính quyền địa phương đến động viên và thể hiện sự quan tâm đến các em học sinh của nhà trường, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Vào ngày tổ chức Tết, các em học sinh mặc trang phục của dân tộc mình, biểu diễn những tiết mục văn nghệ và được thầy cô tổ chức chơi những trò chơi dân gian, truyền thống. Đặc biệt, Tết dân tộc, toàn thể các em học sinh của nhà trường được cùng nhau ăn một bữa cơm ấm áp bên thầy cô ngay tại ngôi trường yêu dấu của mình. Để rồi, sau bữa cơm này, các em chia tay thầy cô để về bản ăn Tết cùng gia đình.

Thầy Lục Tiến Vinh cho biết, vào dịp Tết dân tộc, thầy cô giáo nhà trường đã cùng nhau quyên góp được từ 2 - 3 triệu đồng để mua áo rét tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhờ vậy, các em học sinh của nhà trường ngày càng gắn bó với thầy cô, trường lớp và tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi luôn ở mức cao, số lượng học sinh bỏ học giảm đáng kể.

“Tết dân tộc ở trường học vùng cao là một trong những hoạt động có ý nghĩa to lớn đối với đời sống tinh thần của học trò. Tết dân tộc là thể hiện tình yêu thương và sự chăm lo của thầy cô giáo dành cho các em, giáo dục cho các em biết về Tết cổ truyền của dân tộc, giúp các em có thêm động lực vượt qua mọi khó khăn để xuống núi tìm về con chữ” - Thầy Lục Tiến Vinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.