Những bức tranh đau đớn
BS Quỳnh Trang cho biết, bà đã tiếp nhận điều trị rất nhiều cháu bé phải điều trị tâm lý vì bị lạm dụng, xâm hại. Có cháu quá nhỏ, ngây thơ không nhận thức được mình bị làm hại.
Cũng có những trẻ rơi vào trạng thái sợ hãi cùng cực, lên cơn xung động, phát triển các rối loạn tâm thần khi bị khơi gợi những ám ảnh cũ.
Một trong những cháu bé khiến bác sĩ Trang nhớ nhất là đứa con gái 8 tuổi của một điều dưỡng trong bệnh viện. Bé luôn trong trạng thái sợ hãi cao độ, không chịu rời mẹ nửa bước và không dám đến trường.
Để tìm ra sự thật, người mẹ biết con thích ăn gà rán nên nhẫn nại ngày ngày đưa con đi ăn và dỗ dành từ từ mới biết bé bị bảo vệ trong trường học sàm sỡ.
Hay có bé gái 6 tuổi tự đi chơi trong xóm, cha mẹ là người lao động nên không theo sát, bị lạm dụng đến tổn thương âm đạo. Có bé 9 tuổi đi học bằng xe đạp qua một vườn vắng đã bị một thanh niên trên 20 tuổi làm hại, rách cả tầng sinh môn.
Hay như trường hợp cô bé 15 tuổi thường xuyên lên cơn xung động mỗi khi căng thẳng. Có lúc, bé không còn nhận biết được gì xung quanh, mà chỉ thấy người đối diện mang khuôn mặt của gã xe ôm từng sàm sỡ mình nhiều năm trước. Bé từng tưởng chính cô giáo mình là gã xe ôm nên la hét và đòi giết cô mình.
Theo bác sĩ Trang, bé 15 tuổi này đã mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn, khó điều trị và ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bé. Các bác sĩ thậm chí phải giải thích, viết giấy chứng nhận gửi đến trường để bé có thể được tiếp tục theo học và để các thầy cô thông cảm cho các cơn xung động.
Đau lòng hơn, nhiều cô bé được đưa đến khám sau khi bị chính người thân ép quan hệ tình dục trong nhiều năm như trường hợp một bé học lớp 7. Từ trước giờ, mỗi khi cha mẹ đi làm, vẫn gửi bé cho người chú ruột chăm sóc. Trong một buổi họp phụ huynh, cô giáo cảnh báo mẹ rằng bé hay buồn, thu mình, người mẹ mới tìm hiểu và phát hiện chuyện động trời: bé đã bị lạm dụng suốt từ hồi lớp 5 đến giờ.
Một người mẹ khác, bị hàng xóm gây áp lực, mới chịu dẫn con gái 13 tuổi đến bệnh viện. Bà mẹ này phân bua với bác sĩ: “Con nhỏ này hồ đồ lắm bác sĩ. Nó nói ba nó làm bậy nó”.
Nhưng khi đứa trẻ kể lại, mỗi lần ba cháu đi nhậu về, người mẹ không chịu ngủ chung với chồng mà để con gái sang nằm cùng giường với chồng, đã khiến cháu bị lạm dụng nhiều lần. Tuy nhiên, người mẹ hoàn toàn không hợp tác và luôn khăng khăng con mình nói dối.
Không chỉ có các bé gái bị lạm dụng, xâm hại mà các bé trai cũng bị xâm hại hết sức đau lòng.
Câu chuyện về một bé trai 12 tuổi rất khôi ngô, sống với những người dì, khi đi bơi bị những người đàn ông lạm dụng, sàm sỡ, khiến bé không kháng cự được. Lâu dần, bé sinh ra bứt rứt khó chịu, cho đến một ngày sinh ra cảm giác vừa sợ lại vừa muốn.
Không nên khoét sâu vào nỗi đau của con trẻ
BS Quỳnh Trang cho hay, thực tế những vụ việc trẻ bị ấu dâm cho thấy, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từ chuyên gia y tế và các cơ quan chức năng như công an, pháp y...
Mỗi khi sự việc đưa ra ánh sách, con trẻ thường phải đối mặt với các giai đoạn khác nhau: Khai thác bệnh sử (bác sĩ); điều tra vụ án (công an); lấy mẫu bệnh phẩm hoặc đánh giá thương tích (pháp y).
Mỗi lần như vậy là bé phải nhớ lại những gì đã xảy ra, sẽ tăng thêm sự hoảng loạn, khoét sâu vào nỗi đau của con trẻ và gia đình.
BS Quỳnh Trang đề nghị, trường hợp những vụ ấu dâm xảy ra với con trẻ, các đơn vị liên quan cần phải thống nhất phương án xử lý, thực hiện đồng bộ mọi nghiệp vụ trong cùng 1 lần duy nhất để tránh gây tổn thương thêm cả thể xác và tinh thần cho con trẻ.
Phân tích chuyên môn của BS Quỳnh Trang chỉ ra, trẻ bị ấu dâm thường có các dấu hiệu bị sang chấn vùng âm hộ, trực tràng chảy máu, đau đớn, nhiễm trùng. Nếu bị người mắc bệnh cưỡng bức, bệnh nhi còn bị lây nhiễm các bệnh xã hội giang mai, lậu, HIV.
Hậu quả của ấu dâm khiến trẻ có hành vi về tính dục không phù hợp như muốn hôn môi, thủ dâm, giao hợp với búp bê, thích sờ soạng vùng kín.
Một số hành vi không đặc trưng mà chỉ giống stress như: sợ hãi khi đến môi trường bị lạm dụng; ác mộng giật mình khóc thét; ăn uống tự nhiên giảm sút hoặc không muốn ăn; bé bị tiểu dầm hoặc són phân trong quần; tính tình tự nhiên cáu gắt, học hành sa sút.
Ở những trẻ lớn, các bé thường hoảng loạn, không muốn tiếp xúc với mọi người, buồn bã vì bị tổn thương tâm lý hoặc giận dữ quá mức, không tương thích với yếu tố gây ra nỗi giận.
Các bé có thể gặp phải những hành vi thái quá như: Hay gây sự đánh nhau; muốn bỏ nhà đi để thoát khỏi thực tế đau khổ bé đang phải đối mặt. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể lạm dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống bia rượu.
Phụ huynh phải là người gần gũi, chia sẻ với con em mình, ngay từ khi trẻ bắt đầu có nhận thức. Bố mẹ cần chỉ cho trẻ biết những vùng kín trên cơ thể người khác không được đụng chạm, dù là cha mẹ cũng phải xin phép.
Dạy cho trẻ những kỹ năng sống, không để trẻ tắm “lộ thiên”, cha mẹ không nên tắm cùng con. Trẻ cần mặc quần áo trước khi rời nhà tắm, không khỏa thân để người khác thấy. Từ 3 - 6 tuổi, cần tập cho trẻ thói quen mặc đồ lót để hạn chế nguy cơ lộ vùng kín, kích thích tà tâm những kẻ bệnh hoạn.
Khi trẻ đến tuổi đi học, phụ huynh không nên phó mặc cho nhà trường mà phải nói chuyện thường xuyên, đề cập đến vấn đề giới tính cùng con, đặc biệt trong giai đoạn trẻ từ 6 – 12 tuổi.
Trường hợp trẻ bị xâm hại, tuyệt đối không sử dụng vũ lực, đòn roi hay đổ lỗi cho trẻ. Ngay sau khi phát hiện, hoặc nghi ngờ qua những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được hỗ trợ chuyên môn, tâm sinh lý.
Nghiên cứu hồi cứu y văn cho thấy, trong tổng số người lớn bị lạm dụng tình dục thì có 25% là nữ và 15% nam đã bị cưỡng bức, lạm dụng từ nhỏ.
Trong số trẻ em bị lạm dụng thì 75% là nữ, 40% nạn nhân được ghi nhận có sự bỏ mặc của người thân, nhóm trẻ bị khiếm khuyết, chậm phát triển cơ thể, chậm phát triển trí tuệ, tỷ lệ bị ấu dâm cao hơn trẻ bình thường.