Ám ảnh của người phụ nữ chỉ mong mình “thất nghiệp”

GD&TĐ - Hơn 6 năm qua, có một người phụ nữ ngày ngày hết đi làm công việc để mưu sinh, lại lang thang đến khắp các bệnh viện để nhặt những thai nhi bị bỏ rơi mang về chôn cất. Đó là chị Nguyễn Thị Xuân, ngụ tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai – Hà Nội.

Ám ảnh của người phụ nữ chỉ mong mình “thất nghiệp”

Không thể kìm lòng

Đến với vùng đất theo đạo thôn Từ Châu, Liên Châu, Thanh Oai, Hà Nội, không ai còn lạ với hình ảnh một người phụ nữ khắc khổ và lam lũ, ngày ngày vẫn âm thầm đi gom nhặt thi hài về chôn cất. Mọi người nơi vùng quê này gọi chị là chị Xuân “hài nhi”, có lẽ phần nhiều là do công việc chị đang làm.

Ấn tượng ban đầu của tôi về chị là một người phụ nữ lam lũ nhưng có vẻ hiền hậu, tràn đầy tình thương yêu. Cuộc chuyện trò của chúng tôi bắt đầu bằng câu nói vu vơ của chị: “ Trong gia đình vợ cũng là tôi, chồng cũng là tôi”. Câu nói giúp tôi hiểu được phần nào về cuộc sống của chị.

Ngày ngày, người phụ nữ ấy bắt đầu đi tìm việc từ tờ mờ sáng để nuôi 8 miệng ăn trong gia đình. Ai thuê gì chị làm nấy, miễn sao có tiền để trang trải cuộc sống. Dẫu vất vả trong công việc thường ngày ấy cũng không làm chị lưu tâm bằng những day dứt trong quá khứ của mình: “Tôi đã trót đi phá thai hai lần, đó là sai lầm lớn nhất của cuộc đời tôi”.

Lần đầu là vô tình, không biết mình đã mang thai nên chị lỡ uống thuốc tây, sợ con sinh ra bị dị tật nên chị đi phá. Lần thứ hai do hoàn cảnh đưa đẩy, chị mang thai trong khoảng thời gian người chồng bỏ đi để chị một mình, do không kham được kinh tế gia đình với 8 miệng ăn, nên chị đã ngậm ngùi đi bỏ thai lần nữa.

Hằng đêm chị đều nằm mơ thấy con mình về trách tội, về đòi lại quyền sống. Mặc dù chị đã xin lỗi và xám hối, nhưng cứ khi đêm về tòa án lương tâm, sự day dứt khôn nguôi lại mang chị ra mà xét xử, hành hạ: “Giọt máu của tôi, các con của tôi đã được các bác sĩ mang đi đâu và xử lí như thế nào?”

Những ám ảnh

Chính sự ám ảnh, day dứt tinh thần đã thôi thúc chị đến với công việc nhặt xác thai nhi ở các bệnh viện về an táng. Không kinh nghiệm, không có nhiều tiền chị đã tiến hành công việc này theo ý của mình với mong muốn sẽ giúp đưa các sinh linh bé bỏng về với đất mẹ chứ không phải nằm bên cạnh cống, rãnh, mương, sông hay thậm chí là sọt rác ven đường.

Chị bộc bạch “Cuộc sống càng phát triển, càng đầy đủ thì con người sống ngày càng buông thả hơn. Mạng sống con người bây giờ thật rẻ mạt, chỉ bằng con gà, con vịt, thích giết khi nào thì giết. Tôi thấy ở đường Giải Phóng còn có phòng khám khuyến mãi cho sinh viên 50 % khi nạo phá thai, mạng sống đã trở thành vật để mua bán, kinh doanh. Các sinh linh bé nhỏ chưa kịp chào đời đã phải chịu thay tội vạ mà cha mẹ chúng gây ra. Đáng trách quá!”

Ngày mới bắt đầu, chị đi xin xác thai nhi và tiến hành khâm liệm xác với phương pháp sơ khai là dùng giấy bọc xác các em vào. Sau đó đưa đến nghĩa trang Thạch Bích (xã Bích Hòa, Thanh Oai) để chôn cất. Nhìn người quản trang gỡ những mảnh giấy dính trên những hài nhi nhỏ ấy bóc cả da thịt đỏ hỏn, chị có cảm giác như mình đang giết các em thêm lần nữa.

Nước mắt ròng ròng, chị quyết định từ sau lần đó chuyển sang mua lọ hoa để an táng các vong nhi xấu số, nhưng những lọ hoa ấy thì lại không vừa với cái tiểu nhỏ. Nên cuối cùng, chị làm theo phương pháp của người quản trang là đem xác các vong nhi đó cho vào túi ni long trước rồi mới bỏ vào tiểu để chôn cất.

Chị bảo: “ Ám ảnh lớn nhất đối với tôi là một lần khi đang đi lễ tại nhà thờ vào thứ 7, thì có một tin báo muốn nhờ tôi an táng giúp một vong nhi đã 8 tháng tuổi. Lúc người ta giao đứa bé xấu số ấy cho tôi chính là lúc tôi thấy rùng mình, lạnh toát cả đầu óc. Tôi thật sự bàng hoàng và đau xót khi chứng kiến hài nhi bé nhỏ bị ướp đá ấy đã thành hình rõ nét. Nó ám ảnh như thôi thúc tôi phải gắn bó với cái nghiệp “dở điên”, “dở khùng” này”.

Cầu mong thất nghiệp

Theo chân chị trong một ngày hoạt động công việc tình nguyện, tôi mới thấu hiểu nỗi lòng của người làm công việc “dở hơi” “điên khùng” này thế nào.

Những ngày đầu tiên, chị bị hàng xóm cười chê cho là chị bị khùng. Thậm chí, họ còn bảo chị: “Cô mang những thứ thối tha kia về làng làm gì? Đưa bệnh tật về làng, gia đình cô không sợ hay sao?”. Bị hàng xóm kì thị đã đành, lại còn bị chính quyền công an nghi ngờ gia đình chị buôn bán nội tạng trẻ em nên mới làm việc đó.

Từ hoạt động đơn lẻ, chị đã tham gia vào nhóm tình nguyện Bảo Vệ Sự Sống (BVSS) khu vực Hà Nội và hoạt động cùng các thành viên khác trong nhóm. Ngoài việc đi tư vấn, khuyên nhủ tránh nạo phá thai bừa bãi, chị Xuân nhận xác thai nhi vào thứ 7 hàng tuần. Để tiến hành công việc đúng thủ tục và tiến độ, chị luôn có sự chuẩn bị mọi công việc từ ngày hôm trước.

Chị Xuân cùng các thành viên trong nhóm nhận xác hài nhi rồi đưa về nghĩa trang thôn Từ Châu để chôn cất. Sau khi hoàn thành mọi công việc, chị Xuân cùng các thành viên khác thắp hương đọc kinh cầu nguyện cho sinh linh được siêu thoát và xin tha tội cho các bậc sinh thành đã bỏ các em.

Những hài nhi nhặt về đều được chị cho vào túi ni lông trước khi bỏ vào những tiểu sành nhỏ. Sau đó, chị phải đi xin đất để xây “ngôi nhà lớn” cho các sinh linh xấu số. Để có kinh phí thực hiện hoạt động tình nguyện trên, chị đã đi thu nhặt ve chai, đi bán bóng, xin sự giúp đỡ của mọi người từ những thứ nhỏ nhất như vật liệu xây dựng của công nhân.

Chị nói: “ Để có được phần đất xây mộ cố định như hiện nay, tôi đã đi xin và chuyển đi chuyển lại mấy lần, từ nghĩa trang Thạch Bích sang nghĩa trang Từ Châu mà lần nào cũng thấy khó. Có lần trời mưa to lụt lội, tôi phải nhờ mấy người trong xóm cùng đào, cùng bới vội vàng để di chuyển mộ phần các em sang chỗ khác. Vừa làm vừa thầm nghĩ, tại sao những sinh linh ấy còn chưa kịp sinh ra trên đời mà chết đi cũng bị đày đọa như vậy.

Qua hơn 6 năm hoạt động ròng rã với việc nhặt xác thai nhi, chị cùng các thành viên trong nhóm Bảo Vệ Sự Sống đã đưa được hơn 3000 sinh linh bé bỏng về với giấc ngủ vĩnh hằng, một việc mà không phải ai cũng làm được.

Chị Xuân tâm sự : “Tôi không mong ước điều gì ngoài việc mình được… thất nghiệp. Mong sao tôi không còn phải ngày ngày đi làm công việc thu gom xác hài nhi đầy đau đớn này nữa.”

Tôi rời khỏi nhà chị Xuân khi mặt trời đã tắt. Nhìn những ngôi mộ của các sinh linh bé nhỏ, tôi biết các em đã có giấc ngủ bình yên. Xã hội này vẫn không bỏ rơi các em, các em vẫn được những người dù không trực tiếp sinh thành nhưng luôn làm tất cả để bảo vệ giấc ngủ bình yên cho mình ở nơi vĩnh hằng. Cuộc đời này, vẫn cần lắm những tấm lòng như chị Nguyễn Thị Xuân.

Ám ảnh của người phụ nữ chỉ mong mình “thất nghiệp” ảnh 1Ám ảnh của người phụ nữ chỉ mong mình “thất nghiệp” ảnh 2Ám ảnh của người phụ nữ chỉ mong mình “thất nghiệp” ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ