"Cuộc đời tôi chính là thông điệp của tôi" - câu nói này của vĩ nhân Gandhi thật đúng với TS. Alan Phan. Sinh 1945 và "sống ba đời trong một đời người", Alan Phan bình thản đi qua 70 năm cuộc đời với sự lạc quan và hướng thiện, giữa muôn trùng phong ba của cuộc sống cá nhân.
Đột ngột ra đi vào năm 2015, trước sự tiếc nuối của nhiều người và theo cách nói của người vợ của ông, ông cũng còn quá nhiều tiếc nuối, khắc khoải với những bài viết đầy tâm huyết của ông dành cho giới trẻ. Một phần cuộc đời "đầy biến cố" nhưng không thể "quật ngã" được con người đầy nghị lực như TS. Alan Phan được ghi lại trong cuốn sách: "Góc nhìn Alan Phan - dành tặng doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu"
Ấu thơ bôn ba
Sinh ra trong lúc chiến tranh bùng nổ, Alan Phan cũng như bao đứa trẻ cùng thời, phải trải qua những thời khắc khó khăn khi lớn lên trong bom đạn. Những ký ức này in đậm trong tâm trí trẻ thơ của ông, đến độ sau này khi trưởng thành và nhắc về quá khứ luôn là những kỷ niệm khó quên.
TS Alan Phan |
"Một ký ức mẹ thường kể lại là có đêm tôi bị lên "đẹn", khóc suốt buổi và các gia đình cùng chạy giặc phải bịt mũi tôi để giữ im lặng trong căn hầm trú ẩn. Đôi khi giặc sục sạo trên đầu và mẹ cứ lo tôi đã bị ngạt thở chết rồi. Có lẽ nó cũng giải thích lý do là tại sao trong suốt 40 năm đầu của cuộc đời, tôi thường hốt hoảng giật mình tỉnh giấc giữa đêm như đang bị ai bóp họng", sinh thời, Alan Phan tâm sự.
Từ một cậu học trò nhút nhát ham học trường Petrus Ký (Trương Vĩnh Ký), Alan Phan "khăn gói quả mướp" sang Mỹ du học. Dù được học bổng toàn phần và bao ăn ở nhưng để có tiền tiêu vặt, cậu đã phải làm bồi bàn, cắt tỉa vườn cây cho nhà hàng xóm, lau dụng cụ cho sinh viên trước lúc vào học... ai kêu gì làm nấy. Số tiền tích cóp được, cứ 3 tháng được nghỉ 10 ngày, Alan Phan lại lên đường đi "chu du" khắp nơi. Có lẽ vì thế, Alan Phan dần trở thành một sinh viên đầy tự tin, tự tin ngay cả khi "ham chơi và lười biếng" theo kiểu mấy tay sinh viên học xa nhà.
Sau 5 năm sống trên đất Mỹ, năm 1968, Alan Phan quay trở về Việt Nam để chia sẻ với bạn bè, gia đình và các người trẻ khác những khó khăn, cay đắng và tủi nhục. Không tận dụng lợi thế là một "du học sinh Mỹ" để chọn những công việc "ra tiền", Alan Phan lại chọn nghề giáo. Ông cần mẫn với vai trò là giảng viên dạy môn kỹ thuật tại trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (nay là đại học Bách khoa TP.HCM).
Trở thành doanh nhân tầm cỡ vì bị bạn gái... cho "leo cây"
Hành trình chuyển nghề từ một thầy giáo tới việc "dấn thân" vào thương trường đầy toan tính thực sự hết sức tình cờ với Alan Phan. Khi bị bạn gái cho "leo cây" lúc hẹn hò, Alan Phan tình cờ chỉ đường cho một người Mỹ, có thể cảm kích trước Alan Phan, anh chàng này đã ngỏ ý mời Alan Phan làm việc với mức lương không tưởng lúc bấy giờ, 300 USD/tháng.
Đây quả là cuộc đổi đời ấn tượng của chàng thanh niên Alan Phan khi lần đầu tiên được tiếp xúc với lĩnh vực kinh doanh. Nhiều năm sau cuộc gặp gỡ định mệnh đó, Alan Phan đã tham gia thành lập và điều hành hàng loạt các công ty như Dona Foods, Foremost Dairies (nay là Vinamilk), Mekong Car,...7 năm lăn lộn, Alan Phan đã tích lũy được số tài sản 7 triệu đô la (thời bấy giờ) tương đương 31,25 triệu đô la (năm 2015). Đó quả là một khối tài sản đáng ngưỡng mộ với chàng lãng tử dám dấn thân vào thương nghiệp.
Sau ngày đất nước giải phóng, tài sản của Alan Phan bị sung công, ông lại ra đi với 2 bàn tay trắng và làm công cho một công ty đa quốc gia ở Mỹ. Thời điểm này, Alan Phan cũng đạt vài thành công nhờ kinh doanh địa ốc.
Bà Melissa Mai nghẹn ngào chia sẻ về chồng |
Thế nhưng, có lẽ ông trời muốn dành cho anh chàng Alan Phan thêm nhiều trọng trách khác nên đã thử thách Alan bằng... một lần phá sản nữa. Đó là năm 1982, khi mọi thứ đều tốt đẹp, kinh tế Mỹ sa vào một cuộc suy thoái và lãi suất ngân hàng lên đến 18-19%. Alan Phan mất toàn bộ tài sản tại bang Arizona và hầu hết sản nghiệp của mình. "Chính xác là tôi rời nhà với cái valy chỉ toàn quần áo, đại khái rất khốn khổ sau biến cố mất tiền đó", Alan Phan từng tâm sự.
14 năm với 2 lần phá sản, mất đến 60 triệu USD rồi Alan Phan lại quyết tâm thành lập Hartcourt để thử sức mình ở lĩnh vực xuất khẩu máy móc. Có "bột", Alan Phan tiếp tục "gột lên hồ" khi ông đưa Hartcourt lên sàn chứng khoán Mỹ - năm đó (1987), ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán Mỹ để gây dựng vốn.
Tuy nhiên, trong bong bóng Dotcom 1999 tại Mỹ, lần thứ 3, Alan Phan rơi vào cảnh trắng tay. "Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất. Tham vọng cùng những lời ca tụng, tâng bốc đã đẩy tôi đi quá xa thực tế. Tôi kiêu căng, liều lĩnh, mất đi trọng điểm về mục tiêu công việc cũng như đời sống cá nhân. Đó là kẻ thù tồi tệ nhất không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều doanh nhân khác khi mới đạt được thành công bước đầu. Nhưng tôi không suy nghĩ nhiều về những mất mát, và luôn tin các gì chết đi cũng sẽ hồi sinh", Alan Phan trong một lần chia sẻ lúc sinh thời.
Tính đến năm 1999, ở tuổi 54 với bề dày 31 năm lăn lộn trên thương trường, Alan Phan cũng đã "kịp tiêu tán" của mình gần 900 triệu đô la - một "thành tích" mà có lẽ ít người sánh kịp.
Năm 2001, Alan Phan thành lập Viaá Fund đặt trụ sở ở Hồng Kông, tiếp tục theo đuổi con đường học thuật 2 tấm bằng Ph.D tại (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Sau khi quỹ có trị giá khoảng 82 triệu USD, năm 2007, Alan Phan quay trở về Việt Nam thành lập nên công ty Vinabull, đem mô hình kinh doanh nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nhà đầu tư và tổ chức.
Người đàn ông đào hoa và người cha hết mực yêu con
Là người đàn ông lãng mạn, đào hoa và có 3 người con, trong gia đình, ông là một người dân chủ, cởi mở với tranh luận của con cái đồng thời minh bạch và không trốn trách nhiệm. Ông cũng là người cha hết mực yêu thương con.
"Nhìn lại quá trình nuôi con, thì có lẽ cái mà tôi đã làm được là luôn bày tỏ tình yêu thương đối với con mình. Mình yêu con dù bất cứ thế nào. Yêu ở đây là sự trao gửi toàn diện, cho đi hoàn toàn. Khi con tôi nổi loạn và gây cho tôi đau khổ, tôi vẫn yêu nó tha thiết. Tôi nghĩ, đó có thể là một điều giúp nó khi lầm lạc, vì nó vẫn thấy bao quanh nó là một tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái càng nhiều thì đứa con càng có nhiều cơ hội trở thành người tốt", Alan Phan chia sẻ.
Gần một năm sau lần ra đi sau một cơn đột quỵ của TS. Alan Phan, người vợ cuối cùng của ông - bà Melissa Mai vẫn chưa hết bàng hoàng. Trên sân khấu, trong lần ra mắt cuốn sách của người chồng quá cố, Melissa bùi ngùi, không thể nói thành lời. Bà nhắc đi nhắc lại rằng, sự ra đi của chồng bà quá đột ngột và ông còn quá nhiều trăn trở với nghiệp kinh doanh, với việc truyền lửa và truyền cả kinh nghiệm của mình cho giới trẻ hiện nay.
Thế nên, cuốn sách này gia đình quyết tâm xuất bản bởi tâm nguyện của ông muốn dành tặng cho doanh nhân Việt trong thế trận toàn cầu này.