(GD&TĐ) - Đã 3 tháng kể từ ngày Luật phòng chống thuốc lá có hiệu lực nhưng việc xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng dường như vẫn "án binh bất động". Chưa ai biết được cho đến nay đã có người nào bị xử phạt vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng hay không? Trong thực tế, hiện tượng người dân hút thuốc lá còn khá phổ biến ở nơi giao thông công cộng, tiệm Internet, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu phim…
Ảnh minh họa/internet |
Ngay cả các cơ sở y tế, nơi theo quy định là bị cấm hút thuốc lá, cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên của cơ sở, vẫn xảy ra hiện tượng người đưa người nhà tới khám, chữa bệnh thản nhiên vi phạm. Tại khuôn viên của Bệnh viện Trung ương Huế, mặc dù nhiều khu vực có đặt biển cấm hút thuốc lá nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp đây đó những người dân đi thăm nuôi bệnh nhân, đứng ở dưới các gốc cây, cổng ra vào, thậm chí có cả người ngồi bên ngoài hành lang chờ khám bệnh phì phèo điếu thuốc trên môi. Bệnh viện là nơi rất cần một không khí trong lành còn thế, huống gì những nơi như bến xe, nhà ga, tụ điểm Café, Internet, có thể bắt gặp nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau hút thuốc lá mà không thấy ai nhắc nhở, chứ chưa nói đến chuyện xử phạt.
Mọi hình thức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đến sức khỏe của con người lâu nay đã được vận dụng nhưng hiệu quả không nhiều và cũng chỉ mới có tác động tới đối tượng cán bộ, công chức nhà nước. Dư luận cho rằng, chỉ đến khi nào có sự thống nhất về chế tài xử phạt hành chính, thực hiện một cách nghiêm ngặt việc cấm hút thuốc ở nơi công cộng như xử phạt hành vi vi phạm giao thông thì luật mới có tác dụng. Song để làm được điều này thật khó, đòi hỏi rất nhiều khả năng, điều kiện ở người thi hành công vụ xử phạt. Thanh tra Bộ Y tế được giao nhiệm vụ đầu mối đảm nhận vai trò dẫn dắt và có kế hoạch xử phạt những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng nhưng cho tới nay vẫn chưa thực hiện tốt chức năng của mình.
Nên chăng có một lực lượng chuyên ngành túc trực thường xuyên chỉ để xử phạt một vi phạm hút thuốc lá, vì hành vi hút thuốc lá không dễ nhận thấy như hành vi không đội mũ bảo hiểm và cũng khó mà đòi hỏi sự tham gia tố giác của người xung quanh khi phát hiện. Chỉ khi nào việc xử phạt quyết liệt, đã thành nếp, thì mới có thể hi vọng ở sự tuyên truyền về tính tự giác của người dân có hiệu quả và có thể áp dụng tiếp những giải pháp khả thi khác. Chẳng hạn, từng địa phương thống nhất đưa ra những chế tài về xử phạt vi phạm hút thuốc lá nghiêm ngặt. Mỗi cơ quan, công sở nên đưa ra mức thưởng cho những người bỏ hút thuốc hoặc có công giúp người khác bỏ hút thuốc; mức phạt thỏa đáng đối với người cố tình vi phạm.
Với đối tượng lao động tự do, không có cơ quan, ban, ngành đoàn thể nhà nước quản lý thì giao cho tổ dân phố, UBND xã, phường theo dõi vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng. Song song với đó là việc tiếp tục xây dựng và thực hiện hiệu quả, đa dạng các chương trình cai nghiện thuốc lá. Hoạt động hỗ trợ cai nghiện thuốc lá phải được lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch và chiến lược về y tế và giáo dục quốc gia với sự tham gia của các cán bộ y tế, cán bộ giáo dục và cán bộ tại cộng đồng.
Cần áp dụng mức phạt cao với những người bán thuốc lá cho trẻ em dưới 18 tuổi.
Thủ tướng vừa ký Quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ được thành lập theo quy định tại Điều 28 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đem lại hi vọng cho đông đảo người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con em là nam giới vào độ tuổi vị thành niên’ khi Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá như truyền thông về tác hại của thuốc lá và phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng nhóm đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, tổ chức không có khói thuốc lá; phát triển và nhân rộng các mô hình có hiệu quả...
Hồng Thúy