“Không thể có chuyện giữa thanh thiên bạch nhật, nhóm tội phạm Đường “Nhuệ” hoạt động theo kiểu “xã hội đen” như vậy suốt nhiều năm mà chính quyền, ngành chức năng địa phương không biết. Tôi tin Chủ tịch và Trưởng Công an TP Thái Bình biết, thậm chí lãnh đạo Công an tỉnh, Chủ tịch tỉnh cũng phải biết. Biết thì tại sao không giải quyết? Đó là một câu hỏi cần trả lời...”, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an đặt vấn đề.
Manh động và trắng trợn
Vụ án Đường “Nhuệ” và đồng phạm vẫn đang tiếp tục được điều tra, song với những thông tin ban đầu đã được công bố, theo ông có thể coi đây là một ví dụ điển hình về vấn nạn băng nhóm “xã hội đen” hoạt động có tổ chức vẫn đang tồn tại ở không ít địa phương hiện nay?
Từ những thông tin ban đầu cho thấy, vợ chồng Đường - Dương đã cho thành lập Hiệp hội tang lễ Thái Bình và gom tất cả các cơ sở dịch vụ tang lễ trong tỉnh này vào để quản lý. Có Hiệp hội này, các chủ cơ sở dịch vụ không được liên hệ trực tiếp với cơ sở hỏa táng, mà phải thông qua Đường - Dương và vợ chồng này thu mỗi ca người đi hoả táng 500.000 đồng. Mánh khóe hơn, Đường bắt cơ sở dịch vụ ghi biên nhận số tiền này là tiền từ thiện tình nguyện. Và các cơ sở dịch vụ lại cộng số tiền này vào chi phí cho gia đình có người chết.
Rồi việc Đường “Nhuệ” đánh người ngay tại trụ sở công an, đe doạ nhiều người và gần đây nhất có 4 cán bộ Sở Tư pháp, Sở TN&MT tỉnh Thái Bình bị bắt vì liên quan đến hoạt động đấu giá đất có Đường tham gia. Những việc này cho thấy “chân rết” của băng nhóm xã hội đen này lan rộng tới nhiều lĩnh vực, phạm vi không chỉ ở Thái Bình, có tổ chức, rất manh động và trắng trợn.
Các băng nhóm tội phạm núp bóng các doanh nghiệp để hoạt động phạm tội, nhất là liên quan đến lĩnh vực cho vay tài chính, hoạt động “tín dụng đen”, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… diễn ra rất phức tạp tại nhiều địa phương.
Tội phạm có tổ chức như băng nhóm Đường “Nhuệ” rất phức tạp và nguy hiểm, bởi bề ngoài là doanh nghiệp hợp pháp nhưng lại cấu kết với các băng đảng bên ngoài để trấn áp, răn đe, dùng “luật rừng” để hoạt động. Chưa kể, các băng nhóm “xã hội đen” hoạt động có tổ chức như thế này có thể thường có sự móc nối, giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền hoặc một số cá nhân của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông vừa nói đến việc có thể có sự móc nối, giúp đỡ của cá nhân của cơ quan có thẩm quyền với các băng nhóm “xã hội đen”. Đây cũng là điều dư luận đang đặt câu hỏi, chắc hẳn phải có sự “bảo kê”, “chống lưng” nên băng nhóm này mới dám hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài. Theo ông, nghi vấn này có cơ sở không ?
Dư luận đang đặt câu hỏi sau lưng Đường “Nhuệ” có ai chống lưng bảo kê không? Câu hỏi này là chính đáng chứ không vu vơ, bởi sẽ là vô lý nếu như giữa thanh thiên bạch nhật, một nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” như vậy suốt nhiều năm, mà chính quyền, ngành chức năng địa phương không biết. Tôi tin Chủ tịch và Trưởng Công an TP Thái Bình biết, thậm chí lãnh đạo Công an tỉnh, Chủ tịch tỉnh cũng phải biết. Biết thì tại sao không giải quyết? Đó là một câu hỏi cần trả lời.
Tất nhiên, việc có thế lực nào “chống lưng”, “bảo kê” cho băng nhóm của vợ chồng Đường “Nhuệ” hay không, phải đợi cơ quan chức năng điều tra. Song việc dư luận nêu câu hỏi cũng là để yêu cầu với các cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ.
Chính quyền, công an phải có trách nhiệm
Theo ông thì ở vụ án Đường “Nhuệ”, vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các lực lượng chức năng nên được xem xét như thế nào, bởi sự việc đâu phải như cái kim, sợi chỉ?
Vợ chồng Đường “Nhuệ” đã tác oai tác quái ở TP Thái Bình, hoạt động theo kiểu “xã hội đen” không phải là mới 1 tuần, 1 tháng mà đã nhiều năm. Một nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” ở giữa thành phố trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, một vùng quê vốn hiền hậu suốt nhiều năm như vậy, thì nếu nói lãnh đạo chính quyền và người đứng đầu ngành công an ở địa phương trong những năm đó không nghe được những thông tin gì thì tôi cho rằng không thuyết phục.
Việc bắt giữ Đường “Nhuệ” vừa qua, trước hết chúng ta rất hoan nghênh cách làm, tinh thần đấu tranh chống tội phạm một cách quyết liệt của lãnh đạo địa phương và Công an tỉnh hiện tại. Tuy nhiên, khi đánh giá cao quyết tâm của Chủ tịch tỉnh và Giám đốc Công an Thái Bình hiện nay, thì theo tôi cũng cần đặt lại vấn đề trách nhiệm của những người có thẩm quyền thời kỳ trước.
Vấn đề xem xét trách nhiệm thì cần phải có căn cứ, bằng chứng xác thực và vẫn phải đợi vụ án này kết thúc. Tuy nhiên, trước tiên, về mặt quản lý Nhà nước, khi trong phạm vi đơn vị hành chính mình quản lý mà lại để cho băng nhóm “xã hội đen” lộng hành như vậy thì không thể không đặt vấn đề trách nhiệm. Như cách làm của Đảng và Nhà nước thời gian qua thì ngay cả những người đã nghỉ hưu cũng không có nghĩa là đã “hạ cánh an toàn”, mà vẫn bị xem xét trách nhiệm.
Ngày 11/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chỉ đạo phải làm rõ vụ án này, tôi đề nghị trong việc này Thanh tra Chính phủ cùng Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban bảo vệ Chính trị nội bộ, Bộ Nội vụ phải vào cuộc, xem xét đánh giá để làm rõ nguyên nhân, có trách nhiệm thì phải xử lý. Không thể để tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” giữa ban ngày ban mặt như vậy mà không ai chịu trách nhiệm. Làm được như vậy mới củng cố được niềm tin trong nhân dân.
Phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát
Khi Đường “Nhuệ” bị bắt, nhiều người đồn đoán là do “thế lực chống lưng” của Đường đã “hết thời”, có người lại cho rằng, sở dĩ Đường bị bắt là vì tỉnh Thái Bình có… tân Giám đốc Công an. Ông nghĩ sao về điều này, khi không phải ở Thái Bình mà tại một số địa phương khác, mỗi khi có tân Giám đốc công an là hàng loạt băng nhóm tội phạm bị phanh phui, nhiều chuyên án trước đó nhanh chóng được triệt phá thành công?
Qua vụ việc này và thực tiễn công tác thời gian qua ở những địa phương có lãnh đạo công an mới, tôi thấy được cách bố trí cán bộ của Bộ Công an như vậy là đúng đắn, thay giám đốc là thay đổi cả tình hình. Như Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình được bổ nhiệm chưa đầy 5 tháng nhưng đã ghi dấu ấn khi triệt phá được băng nhóm của Đường “Nhuệ” tồn tại nhiều năm.
Thực tiễn này đúng như Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ quyết định tất cả, có cán bộ tốt thì thành công, cán bộ xấu thì thất bại”. Nên qua vụ án này, chúng ta có thể thấy một bài học nữa là công tác bố trí cán bộ, công tác này rất quan trọng.
Vậy từ bài học công tác cán bộ mà ông vừa đề cập, ông cho rằng quy định thường xuyên luân chuyển hoặc không bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt là người địa phương có tác dụng thế nào?
Hiện các nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức cán bộ đã có chủ trương bố trí một số chức danh như: Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, chánh án TAND, viện trưởng viện KSND và cán bộ lãnh đạo cấp trưởng các ngành thanh tra, công an, tài chính, thuế, hải quan... không là người địa phương nhằm mục tiêu ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, quan hệ dòng họ.
Quyết định này đi vào cuộc sống, nếu làm đến nơi đến chốn sẽ có tác dụng rất lớn. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là phải kiểm tra, giám sát. Chứ nói chung chung “lãnh đạo không phải người địa phương” chỉ hạn chế được tiêu cực xảy ra, chứ không có nghĩa là không thể xảy ra.
Vậy để không thể xảy ra tiêu cực, sai phạm, thì công tác kiểm tra cần phải được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói: “Không kiểm tra coi như không lãnh đạo”. Vậy vấn đề kiểm tra của ta ở đây như thế nào? Từ vụ Đường “Nhuệ”, ta thấy một lỗ hổng rất lớn trong công tác kiểm tra, giám sát. Nếu cơ quan có thẩm quyền làm rốt ráo để kiểm tra, thì chắc chắn đã không có vụ Đường “Nhuệ” này.
Còn rốt ráo như thế nào thì cần đặt câu hỏi, các cơ quan có thẩm quyền có kiểm tra giám sát chưa, đã làm đến tận cùng chưa, đã kiểm tra và phát hiện thế nào?
Theo ông, làm thế nào để có thể xóa bỏ được vấn nạn “xã hội đen”, “bảo kê” gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của pháp luật, bởi vụ việc Đường “Nhuệ” không chỉ là câu chuyện ở riêng của Thái Bình?
Tôi tin những vụ này về sau sẽ giảm dần. Vì 1 năm nay, lãnh đạo Bộ Công an có chủ trương đưa lực lượng công an chính quy về công an các phường xã, nhiều địa phương phản ánh có hiệu quả. Lực lượng công an chính quy có kiến thức nghiệp vụ, thu nhập của họ đảm bảo được cuộc sống để yên tâm công tác, nên chắc chắn sẽ phát hiện sớm, xử lý sớm các hoạt động xã hội đen.
Bên cạnh đó, việc bố trí lại cán bộ, thay đổi phương thức lãnh đạo… chắc chắn sẽ có kết quả. Song song đó, làm nghiêm công tác kiểm tra, giám sát thì sẽ dần loại bỏ được vấn nạn này.
Cảm ơn ông!
Đường “Nhuệ” bị khởi tố trong 3 vụ án khác nhau
Công an tỉnh Thái Bình cho biết, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”, SN 1971, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình).
Trước đó, ngày 21/4, Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình cũng ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Xuân Đường để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình.
Vụ án cố ý gây thương tích trên được Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình phục hồi điều tra sau 6 năm. Theo tố cáo, Đường và đồng bọn đã có hành vi đánh hai mẹ con bà Đinh Thị Lý và anh Mai Bá Duy (con bà Lý) tại trụ sở công an phường Trần Lãm vào ngày 18/11/2014. Hậu quả khiến anh Duy bị thương tích 15%. Vụ án đã được khởi tố thời điểm đó nhưng bị đình chỉ điều tra với lý do chưa tìm thấy nghi can.
Vào ngày 10/4 vừa qua, Đường bị bắt khi đang lẩn trốn tại Hà Nam. Đường bị cáo buộc liên quan vụ án cố ý gây thương tích cho một tài xế do vợ Đường là Nguyễn Thị Dương (SN 1980, Giám đốc Công ty Đường Dương) chỉ đạo. Ngày 7/4, Dương và hai nhân viên bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội cố ý gây thương tích. Hai ngày sau, Đường bị khởi tố về cùng tội danh song bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã.
Đến nay, đã có 4 cán bộ thuộc Sở Tư pháp và Sở TN&MT tỉnh Thái Bình đã bị khởi tố, bắt giam do liên quan đến hoạt động đấu giá đất đại tại địa phương của Đường “Nhuệ”.
Vợ chồng Đường “Nhuệ” - Nguyễn Thị Dương được nhiều người dân biết đến như một đại gia lắm tiền nhiều của, tham gia rất nhiều dự án đấu giá bất động sản tại địa phương. Bản thân Đường “Nhuệ” từng bị tố cáo hành hung, đập phá tài sản của người dân, hoạt động cho vay nặng lãi, ăn chặn tiền hỏa táng người chết... Đường “Nhuệ” còn được dân mạng xã hội biết tới khi tham gia một số bộ phim thể loại “xã hội đen” chiếu trên mạng.