4 điểm nhấn từ Tuyên bố chung
Khác với hầu hết hội nghị thượng đỉnh giữa những nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, hội nghị thượng đỉnh giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un hoàn toàn riêng tư. Sau cái bắt tay chào hỏi mang tính nghi lễ xã giao để báo giới chụp ảnh, hai nhà lãnh đạo này đã nhanh chóng quay lưng đi vào phòng họp kín, chỉ với hai phiên dịch riêng đi kèm, không có bất cứ một trợ lý nào ở bên. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, toàn bộ những nội dung mà ông Trump và ông Kim trao đổi với nhau tại cuộc gặp này mãi mãi sẽ là bí mật.
Chẳng riêng gì báo giới tò mò, mà lưỡng viện Mỹ (nhất là các đối thủ chính trị của ông Trump), Trung Quốc, Hàn Quốc cho đến Nhật Bản đều sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để nắm được thông tin chi tiết của những vấn đề được hai nhà lãnh đạo trao đổi trong căn phòng khép kín ấy. Thế nhưng, những gì mà thế giới được biết chỉ có thể dựa vào bản Tuyên bố chung được hai bên ký kết sau cuộc gặp, những phát biểu với báo giới trong họp báo ngay sau đó, cũng như những tuyên bố riêng rẽ về sau của hai nhà lãnh đạo.
Tất nhiên, văn bản quy phạm được công khai và chính thống, có tính ràng buộc về mặt quan hệ hợp tác nhất, đồng thời thể hiện kết quả hội nghị thượng đỉnh, vẫn là Tuyên bố chung được ông Donald Trump và ông Kim Jong-un ký kết sau cuộc gặp riêng. Không quá dài dòng, Tuyên bố chung này đi thẳng vào 4 nội dung chính được hai nhà lãnh đạo cam kết:
1. Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.
2. Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
3. Tái khẳng định Tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
4. Mỹ và Triều Tiên cam kết phục hồi tìm kiếm hài cốt POW/MIA (tù nhân chiến tranh/những người mất tích khi làm nhiệm vụ), bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những hài cốt đã được xác định.
Vòng nguyệt quế cho ông Kim Jong-un
Có một điều mà chẳng mấy ai ngạc nhiên: Thực tế nội dung Tuyên bố chung không khiến báo chí cũng như dư luận quốc tế tò mò bằng việc hai nhà lãnh đạo vốn nổi tiếng quyết đoán (và cả khó đoán) Donald Trump và Kim Jong-un sẽ thực thi cam kết ở Tuyên bố chung ra sao, hai bên đã hứa hẹn với nhau những gì trước khi đưa ra các thống nhất này?
Có vẻ như, những cam kết được đưa ra nhiều hơn lại là từ phía ông Donald Trump. Ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh, ông đã tuyên bố sẽ hủy những cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời cam kết cung cấp các bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng, nhằm xây dựng một nền hòa bình lâu dài, bền vững và tất nhiên là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Không ai biết được rằng liệu ông Trump có hứa hẹn sẽ cắt giảm lệnh trừng phạt nào đối với Triều Tiên.
Chỉ biết rằng sau cuộc gặp, khi ông Trump đang trên chuyên cơ trở về Mỹ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng rằng đã đến lúc xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, nhưng ông Trump ngay lập tức bác bỏ, cho rằng việc mở ra tương lai không có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn quá khứ. Thực tế dường như tuyên bố này của ông Trump chỉ là để “dằn mặt” Bắc Kinh mà thôi, cho thấy Mỹ chấp nhận đàm phán nhưng chưa chắc đã đồng ý nhượng bộ.
Như đã nói, ông Donald Trump luôn khó đoán. Không mấy ai có thể chắc ông đang nghĩ gì và sẽ làm gì. Kể cả việc ông định làm hay sẽ làm, bản thân ông nhiều khi cũng phủ định nó. Nhưng có một điều có thể đoán ra, đó là trong cuộc gặp với ông Kim Jong-un, chưa chắc ông Trump đã là người chiến thắng.
Cả Tuyên bố chung lẫn những phát biểu của hai bên sau đó, đều thể hiện một điều rằng những hứa hẹn hầu hết là từ ông Trump mà ra. Còn ông Kim, vấn đề quan trọng nhất là giải trừ năng lực hạt nhân, ông cũng chỉ nói về khả năng và quyết tâm, chứ không hề có một hứa hẹn cụ thể nào được nêu ra (thời gian, số lượng, đối tượng được mời giám sát…).
Thế nên mới nói, sự thật của cuộc đàm phán này có lẽ sẽ mãi mãi nằm trong vòng bí mật, nhưng người chiến thắng ở đây, trước hết về mặt hình ảnh, thuộc về nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un chứ không phải là ông chủ Nhà Trắng đầy quyền lực Donald Trump.