Mất kiểm soát
Ngày 16/8, một nhóm các tay súng đã tấn công khu vực bao quanh một trung tâm huấn luyện tình báo của nước này ngay tại thủ đô Kabul. Ít nhất cho đến lúc bài báo này lên khuôn, vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, cũng như nhà chức trách chưa tuyên bố cụ thể về con số thương vong.
Vụ tấn công diễn ra một ngày sau vụ đánh bom liều chết nhằm vào một trung tâm giáo dục ở thủ đô Kabul, khiến 48 người thiệt mạng và 67 người khác bị thương. Cảnh sát cho biết kẻ đánh bom tự sát bước vào trung tâm và cho nổ đai bom trong khi các hoạt động dạy học đang diễn ra tại đây. Nhiều người trong số các nạn nhân bị tử vong là thiếu niên - những người đang học thêm để chuẩn bị cho thi đầu vào ĐH.
Cùng ngày, ở tỉnh Baghlan, một vụ tấn công do lực lượng Taliban thực hiện, cũng làm chết ít nhất 10 cảnh sát và 35 binh sĩ. Theo thông tin từ truyền thông địa phương, vụ tấn công diễn ra vào nửa đêm, hàng trăm tay súng Taliban tấn công căn cứ quân sự Allahuddin tại quận Baghlan-e-Markazi thuộc tỉnh Baghlan, cách thủ đô Kabul 160km về phía Bắc. Sau nhiều giờ đồng hồ giao tranh, các tay súng Taliban đã chiếm căn cứ quân sự này cùng các phương tiện, vũ khí và khí tài; một số binh sĩ và cảnh sát bị mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
Vụ tấn công ở tỉnh Baghlan là vụ thứ hai kể từ đầu tuần đến nay của Taliban nhằm vào các lực lượng an ninh Afghanistan. Trước đó, ngày 13/8, các tay súng Taliban đã tấn công và giành kiểm soát căn cứ quân sự Chenayeeha tại quận Ghormach, thuộc tỉnh Faryab miền Bắc Afghanistan. Ít nhất 17 binh sỹ đã bị sát hại, 15 người bị thương, trong khi 5 năm người khác bị Taliban bắt giữ.
Ngay tuần trước, cụ thể ngày 9/8, một vụ tấn công đẫm máu khác đã diễn ra tại thành phố Ghazni ở miền Đông Afghanistan. Theo các quan chức nước này, sau 5 ngày giao tranh cho đến khi các tay súng nổi dậy bị lực lượng chính phủ và liên quân do Mỹ dẫn đầu đánh bật khỏi thành phố (ngày 14/8), có ít nhất 466 người thiệt mạng. Theo Bộ Quốc phòng Afghanistan, trong số này có 326 tay súng Taliban, 100 người của chính phủ (trong đó có 70 cảnh sát) và 40 dân thường.
Dân thường là nạn nhân chính
Sự hỗn loạn ngày càng leo thang tại Afghanistan, sau khi Mỹ hạn chế dần sự hỗ trợ cho quân đội nước này, khiến Taliban có điều kiện mở rộng địa bản kiểm soát, vươn từ khu vực phía Nam và phía Đông sang khu vực phía Bắc và tăng cường tuyển mộ nhân sự. Lực lượng này cũng đứng sau hầu hết các vụ tấn công và đánh bom ở Afghanistan thời gian qua. Tuy vậy, trong vụ tấn công vào một trung tâm giáo dục hôm 15/8 ở Kabul - khu vực gồm chủ yếu là người Hồi giáo Shia, lực lượng Taliban đã phủ nhận sự liên quan.
Cùng ngày, Taliban cho biết họ không thể đảm bảo lối đi an toàn cho nhân viên Hội Chữ thập Đỏ làm việc ở Afghanistan, trong bối cảnh tranh cãi nổ ra về việc đối xử với các tù nhân Taliban trong một nhà tù ở Kabul.
Trên thực tế, cộng đồng Shia ở Afghanistan nhiều lần trở thành mục tiêu của những người Hồi giáo cực đoan dòng Sunni, vốn coi tôn giáo của Shia là dị giáo. Không ít vụ đánh bom nhằm vào cộng đồng Shia trong những năm qua mà không liên quan tới Taliban.
Trở lại với cuộc tấn công vào trung tâm giáo dục ở Kabul, diễn ra vào khoảng 16 giờ theo giờ địa phương (11 giờ 30 phút giờ GMT). “Chúng tôi có thể xác nhận cuộc tấn công là do một kẻ đánh bom tự sát đi bộ gây ra. Kẻ tấn công cho nổ bom trong trung tâm giáo dục”, phát ngôn viên cảnh sát Hashmat Stanikzai được hãng tin AFP trích lời cho biết.
“Hầu hết các cậu bé tại trung tâm giáo dục đã bị giết”, Sayed Ali, người chứng kiến vụ nổ, được hãng tin Reuters trích lời cho biết, “Thật khủng khiếp. Nhiều học sinh bị xé nát từng mảnh”.
Một người đàn ông khác, tự giới thiệu là Assadullah, kể lại với hãng tin AFP rằng, mình đã chạy về phía hiện trường vụ nổ và cố gắng giải cứu người em trai 17 tuổi bên trong. “Nó là một cậu bé thông minh và tràn đầy năng lượng, đứng đầu lớp” - Assadullah nói, nhưng không cho biết thêm về tình trạng cậu bé.
Hàng loạt vụ tấn công, liên tiếp những vụ đánh bom. Một vòng xoáy bạo lực mới đang diễn ra ở Afghanistan, song hành với sự mất kiểm soát ngày càng thấy rõ của chính phủ. “Sự đau khổ cùng cực của con người gây ra bởi xung đột đã cho thấy nhu cầu cấp bách phải kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan” - Tadamichi Yamamoto, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan nói trong một tuyên bố hôm 15/8, nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực.
Một lời kêu gọi trong vô vọng, được đáp lại ngay bằng những tiếng súng ngày 16/8.