Ác phụ thiêu chết cả nhà anh chồng

GD&TĐ - Thấy gia đình em trai có nguy cơ ly tán, anh Hưng đã khuyên Thuận nên xin lỗi để vợ chồng, con cái đoàn tụ. Nhưng Thuận cho rằng, anh Hưng chỉ bênh em trai nên cay cú nhờ hai người quen là Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp đổ xăng đốt nhà anh chồng...

Người thân của các nạn nhân đau đớn trong phiên xét xử.
Người thân của các nạn nhân đau đớn trong phiên xét xử.

Những tiếng kêu cứu trong lửa đỏ

Rất đông người dân tham dự phiên tòa xử phúc thẩm.
Rất đông người dân tham dự phiên tòa xử phúc thẩm.

Đêm trung tuần tháng Chạp, trời tối đen như mực, gió lạnh luồn qua những ngõ hẹp rít lên từng hồi. Khoảng ba giờ sáng, khi láng giềng còn đang say giấc nồng, ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Chí Hưng, ở thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội bất ngờ bùng cháy dữ dội. Ngọn lửa nhanh chóng bao trùm khiến ngôi nhà biến thành ngọn đuốc khổng lồ, sáng rực giữa đêm đông...

Cửa bị khóa trái, hàng xóm đành bất lực trước tiếng gào thét của ba người bị thiêu sống bên trong. Khi lực lượng cứu hộ phá cửa vào giải cứu các nạn nhân, tất cả đã lặng đi trước cảnh tượng kinh hoàng. Anh Hưng tử vong tại chỗ, vợ anh - chị Bùi Thị Thu Hà - nằm gục trong nhà vệ sinh, dưới hai vòi nước đang chảy trong tư thế che chắn cho đứa con gái nhỏ.

Các điều tra viên kể lại, chuyện xảy ra đã mười năm có lẻ, nhưng hình ảnh khủng khiếp của các nạn nhân vẫn hằn in trong tâm trí. Họ bị bỏng đau đớn lắm, đến tận giây phút cuối cùng của cuộc đời, họ vẫn bị những cơn đau hành hạ.

Trên giường bệnh khi ấy, chị Hà bông băng trắng toát kín người, chỉ còn thấy những giọt nước mắt. Khi các điều tra viên tới lấy sinh cung hỏi chị Hà rằng, nhà cháy có nghi cho ai đốt không thì trong nước mắt chứa chan chị vẫn lắc đầu. Một tuần sau, TS Bùi Thị Thu Hà - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và con gái Nguyễn Thảo Hiền, sáu tuổi, đã qua đời.

Kết quả khám nghiệm hiện trường và giám định cho thấy, điểm phát cháy từ bên ngoài. Như vậy là nhà bị đốt và có dấu hiệu của một vụ án mạng. Toàn bộ lực lượng điều tra trọng án Công an TP Hà Nội, Công an huyện Từ Liêm đã phối hợp với ngành chức năng... nhập cuộc ròng rã nhiều tháng trời để truy tìm thủ phạm.

Tuy nhiên, bóng dáng kẻ thủ ác vẫn “mịt mờ tăm cá”… Gần một năm, hai lần gia hạn điều tra, vụ án vẫn bế tắc. Công an TP Hà Nội đã phải ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Cho đến một ngày, khi con của Thuận mách với bà Huỳnh - bà nội là: “Chính mẹ Thuận xui chú Diệp đốt nhà bác Hưng đấy bà ạ”.

Bàng hoàng khi nghe được câu nói “động trời” từ miệng con trẻ, anh Nguyễn Chí Tuấn (chồng của Thuận) như không tin vào tai mình. Đến lúc hồi tâm, anh Tuấn lập tức đến trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự để cung cấp thông tin. Chuyên án mang số 265C “khởi động” trở lại.

Giải mã cuộc gọi báo cháy bí ẩn

Can nhựa và thước nhôm mô phỏng phương tiện gây án.
Can nhựa và thước nhôm mô phỏng phương tiện gây án.

Qua công tác rà soát từ trung tâm báo cháy tổng đài 114, cơ quan điều tra phát hiện đêm 24/1/2008 toàn TP Hà Nội chỉ xảy ra hai vụ cháy, trong đó có vụ cháy nhà anh Hưng. Trùng giờ xảy ra vụ cháy, có một cuộc gọi đến từ một số thuê bao di động.

Người gọi đã tắt máy ngay sau vài giây kết nối… Thiết bị rà sóng cho thấy người gọi ở gần hiện trường vụ án. Vậy điều gì đã khiến người gọi tắt máy, mặc cho đám cháy thiêu sống ba mạng người? Người đàn ông tên “Diệp” là ai? Tổ làm án phải bí mật dựng tất cả những mối quan hệ của Thuận để phát hiện người tên “Diệp” hoặc có phát âm gần giống như vậy.

Từ nguồn tin từ cơ sở, các trinh sát được biết, nhà Thuận từng có một người tên Tiệp đến ở nhờ ít ngày. Tiệp đang học nghề nấu ăn tại Hà Nội. Các điều tra viên nhận định rất có thể Diệp và Tiệp là một người.

Sau cả tháng trời nghiên cứu hồ sơ tuyển sinh của các trường đào tạo nghề địa bàn Hà Nội, tổ làm án dừng lại trước hồ sơ có tên: “Hoàng Hải Tiệp, sinh năm 1980, quê ở Trấn Yên, Yên Bái tại Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội”. Xác minh tại Yên Bái cho biết, Tiệp đang làm việc trong một quán ăn ở đầu phố Kim Mã, Hà Nội. Số điện thoại mà Tiệp đang dùng chính là số máy bí ẩn gọi đến tổng đài báo cháy đêm 24/1/2008.

Sáng 31/12/2008, Hoàng Hải Tiệp bị bắt. Tại cơ quan điều tra, Tiệp khai: “Người xui cháu và chú Bùi Tiến Hà làm việc này là chị Thuận. Đêm ấy, chú Hà đã giữ cái thước ống bằng nhôm để cháu đổ khoảng 5 lít xăng chảy vào nhà anh Hưng. Đổ xong cháu bật diêm ném vào, rồi cùng chú Hà trở lại nhà chị Thuận nằm yên nghe ngóng.

Khi lửa cháy, nghe tiếng nổ của mấy chiếc xe máy dựng ở tầng một thì cháu đã sợ hãi, vì cháu chỉ nghĩ là đốt dọa. Cháu đã gọi báo cháy, nhưng lại sợ bị lộ nên thôi…”. Chuyên án 265C được khai thông, một tổ công tác quay lại Yên Bái, bắt gọn đồng phạm Bùi Tiến Hà. Cũng như Tiệp, Hà nhanh chóng khai nhận mọi tội lỗi...

Căn cứ để bắt Thuận đã rõ, trưa 31/12/2008, khi vừa hết tiết dạy, Thuận dắt xe ra cổng trường thì hai trinh sát đóng giả “phụ huynh” bất ngờ xuất hiện. Họ nhờ Thuận đưa vào trường gặp ban giám hiệu có việc quan trọng. Lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thuận được đọc lên trong nỗi kinh ngạc của các đồng nghiệp.

Ác phụ với gương mặt lạnh lùng

Bị cáo Nguyễn Thị Thuận.
Bị cáo Nguyễn Thị Thuận. 

Trong cả phiên sơ thẩm và phúc thẩm tại Tòa án Quân sự xét xử vụ cô giáo thiêu sống cả gia đình nhà anh chồng, phiên tòa nào cũng đong đầy nước mắt. Nước mắt của gia đình người bị hại khi họ cùng lúc phải chịu đựng ba nỗi đau chồng chất: Con trai, con dâu và cháu nội chết thảm khốc. Nước mắt của những người, dẫu chỉ là người dưng đến tham dự phiên tòa, không thể cầm lòng được trước ánh mắt trong veo chỉ còn trong di ảnh của bé Thảo Hiền, nạn nhân nhỏ tuổi nhất của vụ án.

Nhưng Nguyễn Thị Thuận thì khác. Thuận có đôi mắt nhỏ, gò má cao, mặt thị lúc nào cũng lạnh. Tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, gương mặt Thuận lúc nào cũng lạnh lùng, bình thản. Dẫu trong phòng xét xử, cách Thuận rất gần là những vành tang trắng, là tiếng khóc ai oán, nức nở của thân nhân ba nạn nhân đã chết oan ức dưới bàn tay tội ác của thị. Thậm chí, trong phiên tòa sơ thẩm, Thuận còn lặp đi lặp lại động tác bắt chéo chân, giơ đôi bàn tay bị còng lên ngắm nghía và thi thoảng còn… cười khẩy.

Còn ở phiên phúc thẩm, trong phòng xét xử, Thuận đứng đối diện với di ảnh của ba nạn nhân. Những ánh mắt của người trong di ảnh như có lửa, rọi những tia nhìn căm phẫn về phía các bị cáo, những kẻ tàn ác đã gây ra cái chết đớn đau cho họ.

Nhưng có vẻ như bất chấp tất cả, Thuận vẫn bình thản không cúi mặt. Mắt vẫn trừng trừng nhìn vào các di ảnh. Thi thoảng liếc xéo người chồng cũ đang ngồi ở phía sau với vành tang trắng trên đầu. Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, vì sao lại đổ xăng giết chết cả gia đình anh chồng? Thuận cũng vẫn bình thản khai nhận về tội ác. Thản nhiên như đang nói về ai đó, chứ không phải mình.

Sau khi biết nhà anh Hưng bị cháy, Hà đã gọi điện thông báo cho Thuận, nói có người kêu cứu trong nhà. Cuộc gọi kéo dài hơn năm phút, sau đó Hà không có động thái gì để cứu người. Dù hai ngôi nhà sát nhau, với tiếng kêu cứu thảm thiết của bé Thảo Hiền, Hà hoàn toàn có thể chạy lên tum, mở cửa trèo sang cứu các nạn nhân.

Thay vì làm thế, y đã gọi điện cho Thuận để thông báo kết quả về tội ác của mình. Còn Thuận, nhận được tin dữ, thị vẫn ngủ tiếp, sau đó dậy đi ăn sáng rồi đến xem hiện trường vụ cháy. Khi luật sư chất vấn rằng, bị cáo có hai bằng đại học, có trình độ nhận thức khá cao, lại có quan hệ thân thiết với nạn nhân từ nhỏ.

Nạn nhân là anh rể, chị dâu và cháu gọi mình bằng thím... mà khi nhận được tin họ chết, lại dửng dưng đến vậy. Thuận đáp rằng, vì Hà gọi điện chỉ báo là nhà anh Hưng cháy hết rồi. Người cũng chết rồi, đằng nào thì cũng cháy hết rồi đến làm gì? Nghe thị nói, phòng xử án ào lên sự phẫn nộ...

Án chung thân cho kẻ chủ mưu

Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Các bị cáo trước vành móng ngựa.

Khi kết hôn với Nguyễn Thị Thuận, anh Nguyễn Chí Tuấn không bao giờ hình dung nổi có một ngày đau đớn như thế. Chính người vợ “đầu gối, tay ấp” mà anh và gia đình hết mực yêu thương đã ra tay thiêu sống cả nhà anh trai ruột. Quê gốc ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, mấy anh em Tuấn ra Hà Nội học tập rồi ở lại lập nghiệp.

Anh trai Tuấn là Đại úy quân đội Nguyễn Chí Hưng, công tác tại Công ty Trắc nghiệm bản đồ quân đội. Chị Hà và Thuận là bạn cùng quê Yên Bái, học với nhau từ tiểu học. Đến đại học, chị Hà học văn, làm tiến sĩ văn học rồi đi dạy học, còn Thuận học ngoại ngữ rồi cùng đi dạy học ở Hà Nội. Chị Hà yêu anh Hưng từ hồi sinh viên và vun vén cho bạn gái mình là Thuận với Tuấn.

Đến khi ra trường, đôi lứa thành vợ thành chồng, hai người bạn gái trở thành chị em dâu thuận hòa đến mức mua chung một mảnh đất, chia thành hai căn hộ để ở sát vách nhau tại thôn Phú Mỹ. Thế nhưng, đến năm 2007, khi đang xây nhà thì anh Tuấn phát hiện Thuận... ngoại tình.

Vì con, anh Tuấn gắng gượng hàn gắn, nhưng mâu thuẫn vợ chồng vẫn ngày một sâu thêm. Hai người li thân, anh Tuấn bỏ nhà đi ở riêng. Chỉ còn Thuận ở lại với con trai trong căn nhà cũ. Thấy gia đình em trai có nguy cơ ly tán, anh Hưng đã khuyên bảo Thuận nên xin lỗi để vợ chồng, con cái đoàn tụ.

Tuy nhiên, Thuận cho rằng, người có lỗi và phải xin lỗi là Tuấn, chứ không phải Thuận. Từ suy nghĩ bực tức với Tuấn, Thuận đã bực tức sang cả anh Hưng. Thuận cho rằng, anh Hưng chỉ bênh em trai nên cay cú nhờ hai người quen là Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp đổ xăng đốt nhà anh Hưng.

Do anh Nguyễn Chí Hưng là quân nhân nên vụ án được chuyển sang Cơ quan Điều tra của Bộ Quốc phòng. Trong 2 ngày 3 và 4/8/2010, Tòa sơ thẩm Tòa án Quân sự Quân khu Thủ đô đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án. Nguyễn Thị Thuận bị tuyên phạt tù chung thân, Bùi Tiến Hà 20 năm tù giam và Hoàng Hải Tiệp lĩnh án 18 năm tù giam. Ngày 9/8/2010, cả ba bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đòi minh oan.

Ngày 18/8/2010, ông Bùi Tiến Lực (cha đẻ của nạn nhân Bùi Thị Thu Hà) và bà Hoàng Thị Huỳnh (mẹ đẻ của nạn nhân Nguyễn Chí Hưng) đã kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị áp dụng các tình tiết tăng nặng: Giết người có tổ chức, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng để tuyên phạt bị cáo Thuận với mức án tử hình, Hà chung thân và Tiệp từ 20 - 23 năm tù. Trong các ngày 31/11 và 1/12/2010 Tòa phúc thẩm Tòa án Quân sự Trung ương đã tiến hành xét xử phúc thẩm và tuyên y án chung thân đối với Nguyễn Thị Thuận.

Như vậy, cả cuộc đời còn lại của Thuận sẽ là những chuỗi ngày dài bị cách ly khỏi xã hội. Thị sẽ có đủ thời gian để suy ngẫm về những tội ác mình gây ra. Đêm đến, dưới bốn bức tường giam, tòa án lương tâm sẽ được mở...

Xót xa hơn là hình ảnh hai người mẹ già của hai nạn nhân ôm chặt di ảnh của con lặng lẽ khóc cuối phiên xét xử, khiến những ai có mặt tại phiên tòa hôm ấy đều không thể cầm lòng. Một phiên tòa đầy nước mắt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ