Ác phụ giấu tội giết 5 người con suốt 20 năm

GD&TĐ - Lần lượt mất 5 người con khi mới lọt lòng, Waneta Hoyt, từng được coi là bà mẹ đau khổ nhất nước Mỹ.

Vợ chồng Hoyt chụp cùng một người con chưa rõ tên.
Vợ chồng Hoyt chụp cùng một người con chưa rõ tên.

Lần lượt mất 5 người con khi mới lọt lòng, bà Waneta Hoyt, được coi là bà mẹ đau khổ nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, đằng sau dáng vẻ tuyệt vọng ấy, Waneta là một con quái thú, kẻ đã trực tiếp ra tay sát hại con mình.

Bà mẹ đau khổ nhất nước Mỹ

Trong hơn 20 năm, bà Waneta Hoyt, sinh năm 1946, sống ở Berkshire, New York, vẫn được mọi người thương xót và coi là một trong những bà mẹ đau khổ nhất nước Mỹ.

Từ năm 1965 – 1971, Waneta đã sinh con tới 5 lần nhưng tất cả đều qua đời đột ngột khi còn ẵm ngửa. Trong đám tang của những đứa con bé bỏng, nhiều lần bà ngất xỉu vì quá đau đớn và phải nhờ mọi người dìu ra khỏi nghĩa trang.

Những bi kịch này nối tiếp nhau khiến người thân, bạn bè lẫn đội ngũ y bác sĩ đều bối rối. 5 đứa trẻ đều qua đời đột ngột, không thể giải thích nguyên nhân. Đứa bé đầu tiên, Erik, qua đời khi mới 3 tháng tuổi.

Đám cưới của Tim và Waneta Hoyt.

Đám cưới của Tim và Waneta Hoyt.

Người con thứ hai James đang khoẻ mạnh bỗng lăn ra chết vào một buổi sáng khi 28 tháng tuổi. Bé gái thứ ba Julie ra đi trên tay người mẹ khi mới 7 tuần tuổi. Bé gái thứ tư Molly đột tử trên giường ngủ lúc 3 tháng tuổi. Và con trai út Noah cũng qua đời không rõ nguyên nhân như các anh chị nó.

Khi Molly chào đời và đến Noeh, gia đình Hoyt đều tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi nhất vùng. Tại Trung tâm Y tế Upstate, TS nhi khoa Fred Steinschneider đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp điều trị để cứu những đứa trẻ xấu số. Dù vậy, những đứa trẻ vẫn lặng lẽ ra đi.

Trước khi TS Steinschneider tiến hành nghiên cứu, các bác sĩ cho rằng những đứa con của Waneta mắc phải Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Đây không phải căn bệnh hay một bệnh lý thông thường mà là chẩn đoán được đưa ra khi trẻ dưới 1 tuổi tử vong đột ngột mà không thể tìm ra nguyên nhân chính xác ngay lập tức.

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng thường rơi vào thời điểm trẻ ngủ trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 10 giờ sáng ngày hôm sau. Khoảng 16 – 20% các ca tử vong do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh xảy ra tại nơi chăm sóc trẻ, thường gặp nhất là trong tuần đầu tiên sau sinh. Mỗi năm, khoảng 7 nghìn ca tử vong ở Mỹ là do hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, sau một thời gian nghiên cứu, TS Steinschneider đã đưa ra một kết quả bất ngờ. Nguyên nhân gây đột tử cho tất cả con cái trong một gia đình là do khuyết tật về gen. Công trình nghiên cứu của ông được đăng tải trên một tạp chí y học, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Trong đó, một chuyên gia nêu kiến nghị, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể gây ra bởi vấn đề lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, cả TS Steinschneider lẫn các y bác sĩ đã điều trị cho những đứa trẻ nhà Hoyt đều bác bỏ giả thuyết này.

Theo quan sát của họ và nhận xét của hàng xóm, bà Waneta và chồng, Tim Hoyt, đều là những người nồng hậu, quan tâm đến mọi người xung quanh. Sau cái chết của con út Noah, bà Waneta gần như mất trí, phải điều trị tâm thần ngoại trú.

Những manh mối xa lạ

Dù công trình nghiên cứu của TS Steinschneider còn nhiều tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận nỗi đau mà gia đình Hoyt phải gánh chịu. Mọi chuyện tưởng như kết thúc tại đây, hình ảnh về một người mẹ lần lượt mất đi 5 người con sẽ luôn khiến mọi người phải thở dài thông cảm.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, sự thật hiện ra: Cả 5 đứa trẻ xấu số đều bị chính mẹ đẻ của chúng sát hại. Bốn đứa chết ngạt do bị chẹn gối hoặc cuốn chặt trong khăn tắm, đứa trẻ còn lại bị ép chặt mặt vào vai mẹ. Quái phụ Waneta Hoyt bị bắt và câu chuyện của bà ta trở thành một trong những tội ác ghê tởm nhất nước Mỹ.

Vụ bắt giữ bà Wanate diễn ra sau ba cuộc điều tra riêng biệt, không liên can gì đến nhau và xuất phát từ linh cảm của một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu và công tố viên cộng sự của ông. Đan xen như một trò chơi ghép hình khổng lồ, các cuộc điều tra đã phát hiện ra các vụ án ngộ sát và cố ý giết người trong 2 gia đình khác.

Dấu vết buộc tội ác phụ Waneta Hoyt bắt đầu từ vụ án của Stephen VanDerSluys, tội phạm tình dục sống tại Thung lũng Newark, Mỹ. Hắn ta bị bắt vào những năm 1980 với cáo buộc cưỡng hiếp và khiến con gái nuôi 15 tuổi mang thai. Sĩ quan Frank Budzilek, người đứng đầu cuộc điều tra, nghi ngờ VanDerSluys có liên quan đến cái chết của ba người con vào cuối những năm 1970.

Trước đó, VanDerSluys khai báo với cảnh sát rằng con trai 18 tháng tuổi qua đời vì bị hóc dị vật; con gái Heather đột ngột qua đời khi 14 tháng tuổi và con gái út Vicki Lynn chết trong giấc ngủ năm 1979 khi mới tròn một tuổi.

Khi thấy dấu hiệu lạm dụng trẻ em ở VanDerSluys sau vụ cưỡng hiếp con gái nuôi, sĩ quan Budzilek đã yêu cầu công tố viên William J. Fitzpatrick, mở lại cuộc điều tra.

Kết quả, hai đứa trẻ đầu tiên qua đời mang lại cho bố mẹ chúng khoản bảo hiểm tổng trị giá 20 nghìn USD. Đến đứa con thứ ba, ông VanDerSluys đã mua bảo hiểm trị giá lên tới 30 nghìn USD một tháng trước khi con gái qua đời.

Khi mọi chuyện vỡ lở, VanDerSluys thú nhận đã giết hai con gái nhưng phủ nhận sát hại con trai đầu lòng. Kết quả khám nghiệm tử thi của hai đứa trẻ sơ sinh cũng cho thấy dấu hiệu của ngạt thở. VanDerSluys bị kết án 25 năm tù vì tội giết người.

Từ vụ án của VanDerSluys, các công tố viên tìm thấy nhiều điểm tương đồng với cái chết của 9 người con trong gia đình Tinning, mà 8 trong số đó có những chi tiết đáng ngờ. Kết quả lật lại điều tra cho thấy mẹ của 9 đứa trẻ, bà Mary Beth Tinning, đã ra tay sát hại các con. Người phụ nữ bị kết án 20 năm tù vào tháng 12/1985.

Waneta Hoyt bị bắt năm 1994.

Waneta Hoyt bị bắt năm 1994.

Sự thật được hé lộ

Kết quả điều tra vụ án của VanDerSluys và Mary Beth Tinning đã dẫn đến những nghi ngờ cho một câu chuyện tương tự: 5 đứa trẻ nhà Hoyt. Ngược trở lại câu chuyện khi TS Steinschneider công bố công trình nghiên cứu về đột biến gen, một chuyên gia đã phản bác kết quả của ông. Người này là TS Linda Norton, cựu Giám định viên Y tế tại Dallas, bang Texas, đồng thời là chuyên gia về bệnh lý nhi khoa.

Bà Norton từng tham gia vào vụ án VanDerSluys trong vai trò là tư vấn viên. Sau vụ án, bà đã gợi ý công tố viên Fitzpatrick lật lại hồ sơ sự việc của gia đình Hoyt. “Anh có thể sẽ tóm được một kẻ giết người hàng loạt”, bà Norton nói.

Đọc những nghiên cứu có liên quan đến sự việc của nhà Hoyt, ấn tượng đầu tiên của ông Fitzpatrick là những đứa trẻ đều khoẻ mạnh và hoàn toàn bình thường. Điều đó thuyết phục ông Fitzpatrick rằng chúng đã bị sát hại.

Tuy nhiên, cuộc điều tra vấp phải khó khăn đầu tiên, gia đình H là ai? Trên thực tế, khi đưa gia đình nhà Hoyt vào diện nghiên cứu, để đảm bảo tính cá nhân, TS Steinschneider chỉ để gọi tên họ là gia đình H.

Fitzpatrick đã tốn nhiều thời gian tìm hiểu tại các trung tâm y tế quanh Berkshire trong giai đoạn 1965 – 1971 và cuối cùng tìm được cái tên trùng khớp với gia đình H. ở Trung tâm y tế Upstate. Noah Hoyt là cái tên đầu tiên công tố viên tìm ra.

Theo hồ sơ bệnh lý của cậu bé Noah, trong thời gian được chăm sóc tại trung tâm y tế, em hoàn toàn khoẻ mạnh, không có dấu hiệu bất thường. Nhưng kể từ khi trở về nhà, Noah đã gặp phải những vấn đề hô hấp nghiêm trọng. Điểm đáng chú ý là tất cả vấn đề đều diễn ra khi đứa bé nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của bà mẹ Waneta.

Tuy nhiên, những thông tin này chưa đủ để buộc Waneta tội giết người. Năm 1994, hơn 20 năm sau cái chết của đứa con út, Waneta được cơ quan công an triệu tập thẩm vấn. Ban đầu, người phụ nữ bình tĩnh kể lại những bi kịch của mình. Khi cảnh sát đặt câu hỏi liệu bà ta có âm mưu gì trong những cái chết này không, Waneta đột nhiên trở nên gay gắt, tức giận, phủ nhận hoàn toàn.

Thấy Waneta không có vẻ hợp tác, cảnh sát nói dối rằng họ đã biết toàn bộ sự thật. Lúc này, người phụ nữ cứng đờ người. Bà ta ngồi thõng xuống và kể lại câu chuyện nhưng lần này, nội dung câu chuyện đã thay đổi.

Waneta bị kết án 75 năm tù.

Waneta bị kết án 75 năm tù.

Ác phụ mắc bệnh tâm thần

Waneta kể: “Lúc đó, Erik (người con đầu tiên, mất khi mới 3 tháng tuổi), khóc dữ dội. Tôi muốn cháu ngừng khóc. Tôi lấy chiếc gối, hình như là gối tựa ghế sofa, che mặt cháu. Tôi không nhớ cháu có chống cự hay không nhưng máu chảy ra từ miệng và mũi của Erik”.

Đến Julie, khi con bé khóc không ngừng, Waneta đã úp mặt cô bé vào vai mình thật chặt cho đến khi em ngừng vùng vẫy. Còn James, hơn 2 tuổi, qua đời vì ngạt thở khi Waneta dùng khăn tắm bịt mặt con để cậu bé ngừng khóc.

Molly và Noah đều qua đời vì ngạt thở bởi gối. Tất cả là do một tay Waneta thực hiện vì muốn những đứa trẻ nín khóc. Sau khi Molly và Noah ngừng thở, bà ta gọi điện cho mẹ chồng và TS Steinschneider rồi oà khóc.

“Tôi yêu các con tôi. Tôi cảm thấy nặng nề khi phải giữ bí mật về việc giết con mình. Đó là một sự trừng phạt khủng khiếp. Tôi hoàn toàn hối hận về hành động của mình. Tôi không thể quay lại và sửa chữa những sai lầm mà mình đã gây ra”, Watena nói trong phòng thẩm vấn.

Sự thật đã tạo nên một cơn “địa chấn” khủng khiếp. Người thân, bạn bè và giới truyền thông đều không thể tin rằng người phụ nữ từng đau khổ vật vã vì cái chết của các con lại chính là hung thủ sau những cái chết ấy.

Các chuyên gia tâm thần cho rằng Waneta mắc hội chứng Munchausen. Hội chứng lần đầu tiên được bác sĩ người Anh Richard Asher ghi nhận vào năm 1951 và được ông đặt tên theo tên bá tước người Đức Hieronymous Karl Firedrich von Munchausen sống ở thế kỷ 18. Vị bá tước này đã huênh hoang với bạn bè về những chuyến phiêu lưu giả tạo của mình.

Người mắc hội chứng Munchausen thường tự hành hạ cơ thể, gây cho mình những thương tích và thích thú khi bản thân cảm thấy đau đớn. Sau khi hành hạ bản thân, những người này có xu hướng chuyển sang làm đau đớn hoặc giết chết người khác. Bệnh nhân luôn tìm cách nói dối và che giấu hành động của mình. Các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho căn bệnh này.

Waneta bị bắt năm 1994. Tháng 4/1995, mụ ta bị kết án 75 năm tù cho 5 cái chết của những đứa trẻ xấu số. Tháng 8/1998, Waneta chết trong tù vì căn bệnh ung thư tuyến tuỵ.

Dù vụ án đã đi đến hồi kết, những người thân quen với gia đình Hoyt vẫn chưa chấp nhận được sự thật này. Bà Nestle, hàng xóm với nhà Hoyt, bôc bạch: “Ngày nào, Waneta cũng nói rằng cô nhớ những đứa trẻ, rằng chúng chết là lỗi của cô ấy”.

Theo NYT, LAT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ