“Ác mộng” nơi thiên đường

GD&TĐ - Việt Nam có những bãi biển trải dài đẹp mê hồn, từng được ca ngợi là thiên đường nghỉ dưỡng của châu Á, tuy nhiên niềm tự hào này đang dần biến thành "cơn ác mộng" của những người làm du lịch.

 Thực trạng đáng buồn ở các vùng đảo phải đối mặt với rác thải kinh hoàng.
Thực trạng đáng buồn ở các vùng đảo phải đối mặt với rác thải kinh hoàng.

Bãi biển chỉ có rác và... rác

Bãi biển Nhật Lệ vốn có bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh, được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác nhận là một trong 10 thắng cảnh du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam. Nhưng kể từ khi hiện tượng cá chết bất thường do Formosa gây ra, bãi biển này vắng bóng du khách, bị rác thải tấn công khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng.

Bãi tắm Tình Yêu là một trong những bãi tắm nổi tiếng tại Cô Tô, thế nhưng nay vắng bóng du khách vì... rác. Bãi cát dài tràn ngập rác thải, từ mảnh phao, chai nhựa, mảnh gỗ vụn và lưới đánh bắt cá của ngư dân đến túi nilon các loại. Người dân tại đây cho biết, tình trạng này đã diễn ra nhiều năm, cứ dọn xong thì hôm sau rác tại từ biển đổ vào. Do đó, dù bãi tắm này có chiều dài 3km, ngay cạnh cảng tàu Cô Tô nhưng lại "ế" khách giữa mùa hè.

Kể từ 2015, du lịch biển đảo phát triển mạnh mẽ, những hòn đảo vốn hoang sơ được khám phá và trở thành điểm đến lý tưởng cho khách du lịch. Song song với sự phát triển đó lại là thực trạng đáng buồn khi các vùng đảo phải đối mặt với rác thải kinh hoàng. Đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng rác thải khiến nhiều người lo ngại. Ngay phía trên khu vực bãi tắm, hành lang đi bộ ven biển đã bị chiếm dụng để làm quán nhậu. Bãi cát phía dưới quán nhậu là vô số rác thực phẩm, túi nhựa, vỏ hộp. Chứng kiến cảnh rác giăng trên bãi biển, nhiều du khách tỏ ra ái ngại không dám xuống tắm.

Bình Ba là với diện tích khoảng 3 km2, có hơn 5.000 dân sinh sống, nổi tiếng với bãi biển đẹp, nước trong xanh, hải sản tươi ngon. Vì vậy, những năm gần đây, du lịch Bình Ba phát triển mạnh khiến tình trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng. Từ cầu cảng, các ki-ốt bán hàng đến khu dân cư và ra biển, rác thải bao phủ, kéo dài cả cây số. Nhiều loại rác thải không thể phân hủy như bao bì, túi ni-lông, chai lọ, thùng xốp… Đường dẫn vào khu dân cư và các điểm khác trên đảo có hàng tấn rác ứ đọng, bốc mùi. Lượng rác thải tăng đột biến ở Bình Ba một phần cũng do du khách vứt lại.

Cũng giống như những bãi biển ở Miền Trung, bãi biển ở Lý Sơn rất đẹp theo đúng nghĩa: Biển xanh – cát trắng – nắng vàng. Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Với địa chất, địa hình và cảnh quan được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm, Lý Sơn còn được ví như đảo Jeju của Hàn Quốc. Khoảng 2 năm trở lại đây, từ một hòn đảo hoang sơ ít khách du lịch biết đến, Lý Sơn đã trở thành một địa điểm được giới trẻ in dấu chân, check-in nhiều nhất. Tuy nhiên, con đường dẫn đến những bãi tắm thiên đường này dường như ít được đề cập trong những bộ ảnh đẹp ngất ngây giới thiệu về Lý Sơn, bởi lẽ đó là những con đường mà lượng rác khổng lồ chất đầy dọc theo suốt chiều dài tuyến đường. Hàng chục tấn rác được người dân trong khu dân cư thả xuống mỗi ngày khiến ai đi ngang cũng phải khiếp sợ.

Bãi Dong (khu vực Cỏ Ống, Côn Đảo) là bãi biển có phần giữa tiếp giáp với đường băng cất cánh của sân bay Cỏ Ống dài chừng 3km, đây là một trong những bãi biển đẹp, còn hoang sơ và chưa có khu du lịch kinh doanh. Bãi biển này khá bằng phẳng, uốn lượn như một vòng cung nhưng lại ngập tràn rác. Rác ở đây không thiếu một thứ gì, từ phao, xốp đến chai lọ, giày dép, tay lưới, dây dù, từ những cành củi khô đến những cây tre dài. Rác mắc kẹt trong hốc đá. Rác nằm vùi dưới cát. Nói chung bãi biển này giờ đây chỉ có rác và rác.

Tìm cách đuổi "giặc rác"

Lâu nay chúng ta thường đổ cho ý thức người dân và du khách kém nên rác cứ chất chồng. Nhưng những địa phương làm du lịch biển, kiếm nguồn lợi từ biển, có được bao nhiêu địa phương đặt vấn đề giữ gìn môi trường biển là chiến lược, là việc cần làm ngay khi phát triển ngành này? Cũng làm du lịch biển nhưng Quảng Nam không cho du khách đem bịch ni lông theo ngay từ bến tàu qua Cù lao Chàm. Thay vào đó, đề nghị khách nên dùng loại túi bằng chất liệu tự hủy bán ngay tại bến tàu, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Qua Cù lao Chàm mới thấy, dù dịch vụ du lịch còn chưa tốt nhưng đường sá sạch sẽ và người dân luôn có ý thức giữ gìn môi trường biển để làm du lịch. Vũng Tàu mới đây cũng đã cấm buôn bán, ăn nhậu trên bãi biển, du khách vui hẳn. Hết cảnh chèo kéo, xả rác bừa bãi trên biển; hết cảnh du khách mon men ra mép nước, nhìn trước sau mới dám bước chân xuống biển vì sợ giẫm phải “vật thể lạ”.

Biển Đà Nẵng là nơi đầu tiên thí điểm xử phạt hành vi xả rác nơi công cộng (phạm vi thí điểm từ Bắc công viên Biển Đông đến bãi tắm Sao Biển) nhằm từng bước nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nơi công cộng trong cộng đồng và du khách khi đến tham quan, vui chơi, giải trí, tắm biển. Việc xử phạt được thực hiện đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở có hoạt động kinh doanh dịch vụ và tham quan, tắm biển, vui chơi, giải trí tại các bãi biển trên địa bàn TP Nẵng (bao gồm cả trên vỉa hè ven biển, bãi cát và mặt nước) có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường tại các bãi biển du lịch (bao gồm các bãi tắm công cộng, bãi biển thuộc các khu dự án ven biển…)

Với lợi thế có bờ biển dài hơn 105 Km, những năm qua tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng và khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển. Tuy nhiên cùng với sự phát triển đó, vấn đề bảo vệ môi trường biển chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay vẫn còn tới 40% số hộ dân sinh sống ven biển đổ rác thải vào biển. Chính quyền xã đã tính thực hiện phương án đặt nhiều thùng đựng rác tại bãi biển để người dân bỏ rác vào đúng chỗ, đúng nơi. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, tiến tới thực hiện các chế tài xử lý nghiêm minh để mỗi người dân có trách nhiệm hơn với môi trường biển. Dù vậy nhận thức bảo vệ môi trường biển của người dân, nhất là người dân vùng biển đến giờ vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Suy cho cùng, hạn chế rác biển không phải việc dễ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...