9 cách khiến con tự học bài không cần cha mẹ nhắc

Đừng nhắc con học bài, thay vào đó, hãy nhờ cô giáo phạt khi con không hoàn thành nhiệm vụ.

9 cách khiến con tự học bài không cần cha mẹ nhắc

Hẳn rất nhiều ông bố bà mẹ đã từng rất sốt ruột khi con cứ lượn như đèn cù trong nhà chỉ đế trốn duy nhất việc học. Bởi học ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp, là hoàn tất các công việc được giao trên lớp, nên mang tính gò ép cực cao. Rõ ràng việc học ở đây không có nhiều thú vị cho lắm.

9-cach-khien-con-tu-hoc-bai-khong-can-cha-me-nhac

Ảnh:Bigstock

Vậy làm sao để con tự giác học? Việc này chắc chắn cần tiến hành từ lớp một, nhưng nếu bé đã lỡ qua lớp một, cha mẹ vẫn xử lý được. Các bé học sinh lớp một thường chưa hiểu rõ nhiệm vụ cũng như quyền lợi cao cả của chúng là học. Chúng ta cần phải giáo dục cho các bé bằng các cách sau:

1. Không nhắc học

Các cha mẹ sẽ nghĩ, không nhắc trẻ sẽ không học đâu. Đúng là không bị nhắc, trẻ sẽ không học. Nhưng nếu bố mẹ nhắc thì sau này trẻ cứ chờ bị nhắc rồi mới học. Trẻ sẽ nghĩ mình học là cho bố mẹ thì bố mẹ mới sốt sắng thế.

Tôi từng chứng kiến một cậu bé, khi bố mẹ không cho sử dụng điện thoại nữa đã gào lên: Nếu vậy thì con không học nữa. Bởi cậu nghĩ rằng mình đã học cho bố mẹ vui thì bố mẹ cần phải đáp ứng đòi hỏi của mình.

2. Kết hợp chặt chẽ với cô giáo để tố cáo những vụ con quên làm bài tập

Đương nhiên, khi đứa trẻ không bị nhắc học, nó sẽ quên luôn. Cô giáo là người duy nhất nhắc mà vẫn khiến trẻ hiểu việc học là của trẻ. Khi bị cô giáo phạt vì tội không hoàn thành bài tập được giao, đứa trẻ hiểu việc học là của mình chứ không phải của ai khác. Vì thế, hãy để cô giáo làm nhiệm vụ của mình.

3. Tuyệt đối không bênh con khi con bị cô mắng

Các bố mẹ dĩ nhiên sẽ xót con khi con bị mắng, nhưng con sẽ ngoan hơn với lời mắng của cô giáo.

4. Phạt nặng khi con không hoàn thành nhiệm vụ và bị cô giáo mách

Nghĩa là khi con bị cô mách, bố mẹ hãy phạt chứ đừng phạt ngay khi con có biểu hiện lười. Khi con thấy cả ba mẹ lẫn cô giáo đều không đồng tình với hành vi lười biếng của con, chắc chắn con sẽ sửa chữa.

5. Phạt nhưng không chì chiết

Có thể phạt bằng cách buộc con phải làm những việc con không thích như dọn nhà, đứng úp mặt vào tường... Chỉ nói một lần về hình phạt và lý do phạt, đừng nói đi nói lại những tội lỗi của con.

6. Khen ngợi đúng lúc

Khi con kiếm được một lời khen ngợi của cô, hãy hùa vào khen con thêm. Lời khen đúng lúc đúng chỗ bao giờ cũng có tác dụng vô cùng lớn, làm động lực cho trẻ phấn đấu hơn nữa. Lưu ý, khi khen ngợi con, hãy khen ngợi sự phấn đấu, tiến bộ của con, đừng khen ngợi điểm số.

7. Không so sánh hoặc lấy ai đó làm gương khi giáo dục con

So sánh là một việc xúc phạm nhân cách nặng nề. Con là con, con sẽ có nhiều điểm dở nhưng cũng vô khối điểm ưu. Con sẽ có mặt mạnh khác nữa.

8. Đừng thưởng

Đứa trẻ học tốt mà được thưởng, nó sẽ luôn học để được thưởng. Hãy để con hiểu, việc học là việc của con. Biết đó là việc của bản thân, trẻ làm sẽ thấy thoải mái và có trách nhiệm hơn là việc của người khác.

9. Không giảng bài cho con

Cha mẹ giảng bài thường khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con xa nhau hơn vì cha mẹ hiếm khi bình tĩnh trước sự "không biết gì" của con. Được cha mẹ giảng, con sẽ có tư tưởng ỷ lại cha mẹ. Việc học là việc của con, nếu không hiểu, con có thể hỏi cô hoặc tìm hiểu các thông tin trong sách vở để bổ sung.

Cha mẹ đừng lo lắng quá mức nếu con không hiểu một chỗ nào đó mà vẫn bỏ qua. Giáo dục Việt Nam dạy theo vòng xoáy trôn ốc, bài học đó sẽ quay lại vào lúc nào đó và bổ sung kịp thời cho con.

Hơn nữa, khi bài giảng của cha mẹ khác với cô giáo, con sẽ vô cùng hoang mang và không biết đâu là đúng. Cha mẹ can thiệp sẽ khiến cô khó dạy con, lúc đó, áp lực sẽ dồn lên vai con.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ