Phong trào tối giản ở Nhật Bản: Tại sao ít hơn lại là nhiều hơn?

GD&TĐ - Chủ nghĩa tối giản, dù mới xuất hiện, nhưng đang ngày càng trở nên thịnh hành ở Nhật Bản. Đây là phong cách cổ súy ‘sự đơn giản không căng thẳng’ và trở nên phổ biến nhờ những ảnh hưởng của Thiền tông Phật giáo tới xã hội nước này. Những người theo chủ nghĩa tối giản Nhật Bản ủng hộ sự đơn giản và ý tưởng “Ít hơn thực ra lại là nhiều hơn”.

(Ảnh: jp.fotolia.com)
(Ảnh: jp.fotolia.com)

Chủ nghĩa tối giản dựa trên quan điểm mỹ học của Nhật cho rằng chẳng có gì nổi bật khi bạn có quá nhiều. Một sự ngăn nắp gọn gàng sẽ đem đến ý nghĩa cho cuộc sống và những lựa chọn mới.

Nhiều người Nhật thích ở một mình tĩnh lặng sau một ngày dài bận rộn. Điều đó cho họ thời gian để suy nghĩ và tìm ra mục đích chân thực của cuộc sống. Những điều này thực chất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của môn phái Thiền tông trong Phật giáo, vốn nhấn mạnh sự tập trung thông qua thiền định.

Một ví dụ điển hình của chủ nghĩa tối giản là phong cách bài trí phòng ốc hạn chế tất cả các dạng hình khối và giải phóng không gian nhằm tạo ra sự bình yên để con người khám phá những suy nghĩ bên trong tâm hồn mình. 

Hiện nay chủ nghĩa tối giản ngày càng được thực hành rộng rãi hơn ở Nhật Bản khi nhiều người đang thực sự thay đổi lối sống của mình.

(Ảnh: blogimg.goo.ne.jp)

Fumio Sasaki là một trong rất nhiều người Nhật tin rằng “Ít hơn thực ra lại là nhiều hơn” và đang sống theo phong cách tối giản. Bạn của anh đã so sánh phòng của Sasaki với phòng thẩm vấn của cảnh sát. Trước đây anh từng là một người sưu tầm sách, đĩa CD/DVD, nhưng rồi cảm thấy mệt mỏi khi liên tục phải cập nhật những thứ mới. Cuối cùng, anh quyết định bán lại hoặc tặng hết cho bạn bè của mình.

Theo Sasaki, khi không còn phải dành thời gian để dọn dẹp và thu thập những món đồ sưu tập luôn luôn được cập nhật kia, anh có thể tập trung vào những điều quan trọng hơn trong cuộc sống như bạn bè và du lịch, từ đó trở nên năng động hơn. Với những người như Sasaki, mục đích của tối giản không chỉ là giải quyết sự lộn xộn, mà còn là xét lại xem của cải vật chất có ý nghĩa gì với bản thân và sau đó đạt được điều gì đó có ý nghĩa hơn.

(Ảnh: resources.realestate.co.jp)

Một nhân tố khác thúc đẩy cho chủ nghĩa tối giản xuất phát từ đặc điểm tự nhiên của Nhật Bản. Đất nước mặt trời mọc thường xuyên gặp phải các tai họa thiên nhiên như động đất, nên không phải là ý hay khi đặt những đồ có giá trị trong nhà. Các nghiên cứu ở Nhật cho thấy các vật thể rơi là tác nhân gây ra gần một nửa số chấn thương do động đất. Hơn nữa, ít hơn cũng đồng nghĩa với tốn ít tiền hơn.

Một số phòng ngủ ở Nhật Bản giản tiện đến nỗi chẳng có chiếc giường nào bên trong. Tất cả các vật dụng đều được cất trong ngăn kéo để không ai nhìn thấy chúng. Mọi thứ được đặt lại chỗ cũ sau khi sử dụng xong. Ở một số ngôi nhà, phòng khách cũng được thu xếp lại và chỉ đặt mỗi một chiếc bàn và ghế.

Thay vì đặt nhiều đồ vào trong nhà, những người Nhật theo chủ nghĩa tối giản cố gắng dùng những vật dụng đơn giản nhưng đẹp mắt để trang trí cho ngôi nhà của họ. Như thế bạn sẽ rất dễ dàng tìm được thứ đồ mình cần và chúng luôn được đặt trong tầm tay. Một cách lưu giữ đồ đạc phổ biến của những người theo chủ nghĩa tối giản là treo đồ lên trên móc.

Ở phương Tây, một không gian trống là nơi người ta sắp đặt các thứ. Nhưng tại Nhật, không gian đó được để nguyên như vậy để trí tưởng tượng của con người hoàn thành phần việc sắp đặt còn lại. Đây là một cách để tôn trọng giá trị của những điều quan trọng trong cuộc sống và bỏ đi những thứ ít quan trọng hơn.

(Ảnh: inhabitat.com)

Nếu cần lời khuyên làm sao để cuộc sống của bạn gọn gàng hơn, bạn có thể tìm đọc các cuốn sách của Marie Kondo đang được dịch ra hơn 40 thứ tiếng trên thế giới. Marie Kondo là một chuyên gia tối giản và nhà tư vấn sắp đặt của Nhật Bản.

Chủ nghĩa tối giản dần dần phát triển ở Nhật vì nó chỉ cho phép những thứ quan trọng trong cuộc đời chúng ta xuất hiện trước mắt. Nó cũng cho phép chúng ta hiểu được thế nào là trạng thái chân thực nhất của tự nhiên và gợi mở ra một cách sống tự do hơn. Bạn có thấy chủ nghĩa tối giản phù hợp với mình không? Hay bạn đang sống hạnh phúc với tất cả của cải vật chất của mình?

Theo phunugiadinh/trithucvn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.