86% F0 tại TP Hồ Chí Minh đã tiêm vắc-xin: Hiệu lực sau khi chủng ngừa cao

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, con số “86% ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh đã chủng ngừa Covid-19” không phải nói lên rằng vắc-xin không có hiệu quả mà tỷ lệ này cho thấy, vắc-xin Covid-19 có hiệu lực giảm nguy cơ nhập viện.

Chương trình tiêm chủng vắc-xin ở TP Hồ Chí Minh được cho là có hiệu lực cao.
Chương trình tiêm chủng vắc-xin ở TP Hồ Chí Minh được cho là có hiệu lực cao.

Xác suất nhiễm bệnh thấp

Vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Thành phố vừa thực hiện một khảo sát tại các bệnh viện dựa trên số lượng F0 đang nằm viện. Số này không bao gồm người tự cách ly hoặc cách ly tại quận, huyện.

Kết quả khảo sát cho thấy, tại bệnh viện tầng 2, có 14% F0 điều trị chưa được tiêm vắc-xin Covid-19 (trong đó có 90% trẻ dưới 18 tuổi) và 86% trường hợp F0 đã được tiêm từ 1 - 2 mũi vắc-xin Covid-19.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vào giữa tháng 10, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện một khảo sát cắt ngang trên 349 bệnh nhân đang nằm điều trị. Kết quả cho thấy có 45% là bệnh nhẹ, 55% người bệnh nặng (là bệnh nhân cần hỗ trợ thở oxy, đến thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn và ECMO). Ở nhóm chưa tiêm vắc-xin, có 74% bệnh nặng, 26% là bệnh nhẹ. Ở nhóm đã tiêm vắc-xin từ 1 - 2 mũi, có 40% người bệnh nặng và 60% là bệnh nhẹ.

Trước tỷ lệ này, không ít người bày tỏ lo ngại rằng, hiệu quả vắc-xin Covid-19 không cao. Tuy nhiên, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) nhận định, với con số 86%, có thể chứng minh rằng, vắc-xin thật sự có hiệu lực trong cộng đồng. Chuyên gia này phân tích, TP Hồ Chí Minh có 8.993.000 dân. Trong số này có 6.636.000 người tuổi 18 trở lên. Trong số người 18 tuổi trở lên, 98,6% đã được tiêm 1 liều vắc-xin tính đến ngày 17/10.

“Như vậy, chúng ta có thể đoán rằng, trong số người 18 tuổi trở lên, 6.544.000 đã được tiêm vắc-xin. Số chưa tiêm vắc-xin chỉ 92.917 người. Giả dụ rằng, trong 4 tuần qua có 5.000 người bị nhiễm và nhập viện, 86% trong số này đã tiêm vắc-xin. Nói cách khác, số người đã tiêm vắc-xin và bị nhiễm là 4.300, số người chưa tiêm vắc-xin và bị nhiễm là 700”, Giáo sư Tuấn cho biết.

Kết quả cho thấy, ở nhóm người đã tiêm vắc-xin, xác suất bị nhiễm là 0,065%. Ở nhóm người chưa tiêm vắc-xin, xác suất bị nhiễm là 0,753%. Theo Giáo sư Tuấn, nói cách khác, nguy cơ bị nhiễm ở người chưa tiêm vắc-xin cao gấp 11 lần người đã chủng ngừa.

Tiến tới miễn dịch “bền vững”

Trong ngày 8/11, có 1.536.448 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 92.211.330 liều. Trong đó, tiêm 1 mũi là 61.907.563 liều, tiêm mũi 2 là 30.303.767 liều.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao. Trong đó, đặc biệt là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4. Các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; Tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Những lý giải cụ thể trên cho thấy, vắc-xin quả thật có hiệu lực giảm số ca nhập viện đến 91%. Tóm lại, con số “86% ca nhiễm tại TP Hồ Chí Minh đã tiêm vắc-xin” không phải nói lên rằng vắc-xin không có hiệu quả, mà nó nói lên rằng, vắc-xin có hiệu lực giảm nguy cơ nhập viện đến 91%. Đây là một minh chứng rõ ràng rằng, chương trình tiêm chủng vắc-xin ở TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực cao”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh nhận định, 100 người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 sẽ không bao giờ có được 100 người không mắc bệnh.

“Tuỳ loại vắc-xin mà có thể có trên dưới 20 người mắc bệnh (nhưng không nặng). Nếu những người này mắc bệnh và chữa hết thì họ sẽ có miễn dịch. 100 người chích đủ 2 mũi có trên dưới 80 người đủ miễn dịch để không mắc bệnh hoặc bệnh quá nhẹ mà không biết.

Những người mắc bệnh nhẹ sẽ càng tăng thêm miễn dịch, nhưng thời gian xa dần sau mũi 2, họ có thể dễ mắc bệnh hơn giai đoạn đầu”, bác sĩ Khanh giải thích.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, người dân nên hoà nhập càng sớm càng tốt. Nhờ đó, giúp tăng thêm người có miễn dịch và miễn dịch cộng đồng bền vững. Điều quan trọng là đảm bảo chữa khỏi cho những bệnh nhân Covid-19 nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ