80/50 và hội chứng Peter Pan

GD&TĐ - Không phải chỉ có ở Việt Nam, tại nhiều nước trên thế giới đã xuất hiện những thế hệ người già phải nuôi người trưởng thành, thế hệ “những đứa trẻ to xác”. Đây còn được gọi là “hội chứng Peter Pan”.

80/50 và hội chứng Peter Pan

80/50

Văn phòng Nội các Nhật Bản đã tiến hành một cuộc khảo sát những người trên 40 tuổi và kết quả khá sốc: Khoảng 613.000 người trong độ tuổi 40 - 60 không đi làm hay đi học, gần như không tương tác với người ngoài, trừ các thành viên trong gia đình. 75% trong số đó là nam giới và cha mẹ họ là người cung cấp thu nhập và nuôi họ mỗi ngày.

Vấn đề này được Nhật Bản gói gọn trong con số “80/50”, tức là cha mẹ già ở độ tuổi 80 buộc phải chăm sóc những “đứa trẻ to xác” ở độ tuổi 50. Một vấn đề nảy sinh là đến khi cha mẹ già yếu, lần lượt mất đi thì những người con không chịu trưởng thành này sẽ sống như thế nào?

Ông Kenji, một người tham gia khảo sát cho biết, từ khi tốt nghiệp đại học đến nay khoảng 30 năm, ông không có việc làm và chỉ ở trong nhà. Người mẹ gần 90 tuổi của ông là người chăm sóc ông hàng ngày, lo cho ông từ những nhu cầu cơ bản nhất như ăn uống, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa bằng số tiền ít ỏi từ trợ cấp xã hội. Nếu mẹ ông qua đời, ông nghĩ không thể sống tiếp một mình được.

Người Anh từng đưa ra thuật ngữ NEET (Not in Education, Employment or Training) để chỉ lớp người trẻ không tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, cũng không đóng góp sức lao động cho xã hội. Họ hoàn toàn không có thu nhập kinh tế và sống “ký sinh” vào gia đình.

Tại Mỹ, cụm từ “thế hệ Boomerang” từ lâu đã phổ biến. Cụ thể, những đứa trẻ Boomerang là những người đã hoàn thành bậc đại học lại trở về sống dưới sự bao bọc, hỗ trợ tài chính của cha mẹ. Hơn 22% số lượng thanh niên trong độ tuổi 23 - 37 tại Mỹ đang sống cùng cha mẹ, theo báo cáo của công ty cơ sở dữ liệu bất động sản Zillow.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ Trung tâm nghiên cứu người cao tuổi của Trung Quốc, tại các thành phố lớn, hơn 65% gia đình đang có hiện tượng người già nuôi con đã trưởng thành. 30% trong số này là con sống nhờ hoàn toàn vào trợ cấp từ bố mẹ.

Trong một cuốn sách, nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Võ Chí Hồng từng viết: “Nhiều người Trung Quốc tuổi vật lý là người trưởng thành nhưng tuổi tâm lý thì vẫn giống như một đứa trẻ”.

Theo ông, nhiều người được nuông chiều từ bé, coi mình là trung tâm của gia đình và xã hội. Họ bắt bố mẹ phải chiều theo mọi cảm xúc, hành động của mình: “Nếu không được đáp ứng họ sẽ ăn vạ và khóc lóc, kể cả khi lớn lên cũng vậy. Đó chính là những người cả đời chẳng cai nổi sữa”.

Báo chí Trung Quốc mới đây đã đồng loạt đăng tải câu chuyện về thần đồng 17 tuổi bị buộc thôi học vì… ăn phải có người đút. Ngụy Vĩnh Khang (sinh năm 1983, tại tỉnh Hồ Nam) được coi là thần đồng: Thành thạo 1.000 ký tự tiếng Trung khi mới 2 tuổi; 4 tuổi học xong tiểu học; 8 tuổi thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh.

13 tuổi, Ngụy Vĩnh Khang thi đỗ khoa Vật lý Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc. Bốn năm sau lại thi đỗ cao học tại Trung tâm Nghiên cứu Vật lý cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai.

Từ khi con được gọi là “thần đồng”, bà Tăng Học Mai, mẹ của Vĩnh Khang, vốn là một công nhân bình thường đã nghỉ việc chỉ để chăm con, kinh tế phụ thuộc vào người chồng.

Năm 1991, khi Vĩnh Khang 8 tuổi và lên học trường trung học trọng điểm của thành phố, bà Tăng đã thuê một căn nhà nhỏ gần trường để ở cùng con: “Con chỉ cần học, mọi thứ đã có mẹ lo”.

Sáng sớm, bà chuẩn bị sẵn kem đánh răng vào bàn chải, bê nước rửa mặt đến tận giường để con chuyên tâm vào đọc sách. Lên cấp 3, bà còn đích thân đút cho con trai ăn. Tất cả đều để Vĩnh Khang có thể chuyên tâm học hành mà không bị xao lãng. Thậm chí, bà còn không cho phép Vĩnh Khang ra ngoài chơi mà bắt ở nhà học. Mỗi khi có bạn bè đến, bà đều lấy cớ cậu bận học để từ chối. Vì thế, Vĩnh Khang dần dần thu mình lại, không nói chuyện với ai.

Trong suốt thời gian con học đại học, bà cũng đi theo để tự mình chăm sóc. Tuy nhiên, khi Vĩnh Khang theo học chương trình thạc sĩ tại Viện Khoa học Hàn lâm Trung Quốc, nhà trường yêu cầu cậu phải sống và học tập một mình.

Thế nhưng, do từ trước đến nay đều có mẹ phục vụ, giờ phải tự làm mọi thứ, Ngụy Vĩnh Khang không thể thích nghi. Cậu không biết cởi quần áo khi nóng, không biết mặc thêm đồ vào mùa đông. Phòng ốc luôn bẩn thỉu vì không được dọn. Quần áo vứt mỗi nơi một chỗ vì không được giặt.

Thậm chí, Vĩnh Khang còn phải nhận điểm 0 vì quên nộp luận án ngày tốt nghiệp do không có ai nhắc nhở, khiến cậu mất cơ hội học lên tiến sĩ. Năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị trường buộc thôi học với lý do không thể thích nghi với cuộc sống học tập tại đây.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Hội chứng Peter Pan” ở người trưởng thành

Peter Pan là nhân vật hoạt hình cậu bé biết bay mãi mãi không bao giờ lớn, luôn trong hình hài của một đứa trẻ. Peter Pan Syndrome - hay hội chứng Peter Pan là một thuật ngữ trong ngành tâm lý học. Nó ám chỉ những người tuy đã đủ tuổi trưởng thành nhưng tính cách và suy nghĩ vẫn như một đứa trẻ. Họ không chịu lớn, không chịu nhận trách nhiệm và đôi khi hồn nhiên, ngây thơ một cách quá đáng.

Những người bị chứng Peter Pan có thể đã lên chức ông bà, cha mẹ nhưng vẫn mang tư tưởng thích ăn bám, hay làm nũng với những người xung quanh và coi trọng việc vui chơi hơn hết thảy. Họ rất sợ phải cáng đáng công việc trong gia đình, gánh trách nhiệm ở nơi làm việc hay đơn giản là thừa nhận bản thân đã sai.

Người đầu tiên công bố hội chứng này là nhà tâm lý học Dan Kiley vào năm 1983. Hội chứng này xuất hiện ở cả nam và nữ nhưng nam giới xuất hiện nhiều hơn. Trên thực tế, hội chứng Peter Pan chưa khi nào được xét vào một chứng bệnh hay rối loạn tâm lý.

Theo Giáo sư điều trị tâm lý Humbelina Robles Ortega (ĐH Granada, Tây Ban Nha), nguyên nhân tạo ra các Peter Pan thời hiện đại chính là sự bao bọc quá mức của gia đình. Hội chứng này xuất hiện ở những người sống phụ thuộc, luôn được che chở, bao bọc quá mức cần thiết, dẫn tới việc không thể phát triển những kỹ năng sống bình thường.

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng cho biết, hội chứng này hiện không được coi là một bệnh tâm thần vì Tổ chức Y tế Thế giới không công nhận nó là một rối loạn tâm lý và ngày càng có nhiều người lớn có biểu hiện các triệu chứng của hội chứng này.

Những người có hội chứng này thường gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ bền chặt và thân tình với đồng nghiệp; kết quả là họ cảm thấy cực kỳ đơn độc. Họ cũng không thấy khó chịu bởi những điều sai trái mà họ đã làm, thay vào đó họ đổ lỗi cho những người khác vì sự yếu đuối của họ.

Bác sĩ Mai Hồng nhận định, vì hội chứng Peter Pan chưa được công nhận là một rối loạn tâm lý nên không có phương pháp điều trị cụ thể, chỉ có thể áp dụng các liệu pháp như liệu pháp ngoài trời, trị liệu tâm lý, trị liệu hành vi nhận thức… Người bị hội chứng Peter Pan chỉ có thể được điều trị khi cá nhân họ thể hiện sự sẵn sàng và nhận thức về rối loạn của mình. 

                Những dấu hiệu cha mẹ bao bọc con thái quá:
1. Luôn lo lắng về sự an toàn của con, không cho con tham gia bất cứ hoạt động thể chất nào có thể gây nguy hiểm như bơi lội, đạp xe, tham quan…
2. Không cho con sống xa nhà như không cho tham gia các buổi cắm trại qua đêm, không cho đi chơi với tập thể dài ngày…
3. Tự quyết định các vấn đề thay con.
4. Không để con tự làm việc gì một mình, luôn bên cạnh làm hộ, làm giúp con từ việc nhỏ đến việc lớn.
5. Kiểm soát mọi mối quan hệ, mọi hoạt động của con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.