1. Luôn hứng thú với "nửa kia" của mình
Những người có cuộc hôn nhân viên mãn, hạnh phúc luôn thích ở bên nhau, tâm sự với nhau, cùng nhau làm việc gì đó. Cựu thành viên The Beatles - Ringo Starr kết hôn với vợ là Barbara đã được hơn 3 thập kỷ chia sẻ bí quyết cho “tuổi thọ” mối quan hệ vợ chồng ông là:
“Tôi rất cảm kích trước sự bao dung của bà ấy đối với tôi. Tôi yêu bà ấy. Bà ấy cũng yêu tôi. Khi ở bên nhau, chúng tôi luôn tạo cho nhau sự thư giãn và thoải mái nhất. Đặc biệt, dù bận rộn chúng tôi vẫn luôn dành thời gian cho nhau. Đó chính là cách chúng tôi "giữ lửa"".
2. Thường dùng đại từ số nhiều khi tranh cãi
Khi hai người chung sống sẽ phát sinh những ý kiến trái ngược và bất đồng. Bất kỳ cặp vợ chồng nào dù có hiểu nhau đến mấy cũng khó tránh khỏi tranh cãi nhưng họ luôn biết xử lý một cách khéo léo, theo chiều hướng làm cho mối quan hệ thêm bền chặt, chứ không phải lơi lỏng dần. Một “kỹ thuật” mà họ - cặp đôi hạnh phúc - sử dụng đó là việc lựa chọn từ ngữ.
Ví dụ, họ có xu hướng sử dụng đại từ số nhiều (như “chúng ta”, “của chúng ta”) hơn là đại từ số ít (như “em”, “anh”, “của em”…). Với cách dùng từ khôn khéo như thế, vợ chồng sẽ ít cảm thấy áp lực sau khi tranh luận hơn. "Sử dụng "ngôn ngữ chúng ta" trong khi tranh luận sẽ giúp các cặp đôi đặt họ vào cùng một chiến tuyến, tránh xem nhau như đối thủ”, nhà văn Benjamin Seider nói.
3. Biết rộng lượng thứ tha
Các cặp vợ chồng hạnh phúc chia sẻ rằng, họ luôn xin lỗi mỗi khi làm điều gì sai hoặc gây tổn thương cho bạn đời. Hay khi họ là người bị tổn thương thì luôn chấp nhận lời xin lỗi từ đối phương và xem đó là một "món quà" trong cuộc sống gia đình.
"Những cặp đôi hạnh phúc luôn đi theo con đường dẫn đến sự tha thứ", nhà văn Clarissa Pinkola Estes nói. Ông cũng chỉ ra bốn bước để đạt được sự tha thứ hoàn toàn:
- Từ bỏ: Thôi không nghĩ đến đối phương hay sự việc đó một thời gian.
- Chịu đựng: Tiết chế việc trừng phạt, kể cả suy nghĩ hay hành động, dù ít hay nhiều. Hãy nhìn nhận sự việc khoan dung một chút.
- Quên: Đừng giữ lâu trong lòng; quên đi và thả lỏng đầu óc, nhất là bộ nhớ của mình. Quên đi là một nỗ lực chủ động chứ không bị động.
- Tha thứ: Quyết định thật tỉnh táo để ngưng nuôi dưỡng sự oán giận, như cho qua một món nợ và từ bỏ ý định trả thù.
4. Thường tính đến một lộ trình dài
Nếu muốn chung sống hạnh phúc, bạn cùng “nửa kia” chỉ có hai chọn lựa hoặc là cùng chấp nhận tất cả tính tốt, xấu của nhau để cùng chung sống hoặc là từ bỏ. Không có kiểu nửa vời. Những cặp đôi hạnh phúc không hứa hẹn suông mà họ cam kết (giống như ký một hợp đồng).
"Cỏ ở vườn nhà khác bao giờ cũng xanh hơn". Ai cũng có những điều chưa được và những điều tốt đẹp, không ai hoàn hảo cả. Vì vậy, đừng "đứng núi này trông núi nọ" mà hãy yêu thương người mình đã chọn nếu bạn muốn bình yên và hạnh phúc.
5. Thường nghĩ tích cực về nhau
Tiến sĩ John Gottman, một nhà nghiên cứu hôn nhân cho rằng: “Mối quan hệ của những cặp đôi hạnh phúc được tạo nên bởi sự tôn trọng, lòng yêu thương, sự đồng cảm và họ quan tâm sâu sắc đến những vấn đề xảy ra trong cuộc sống của nhau”.
Thêm nữa, nghiên cứu của ông cho thấy những cặp đôi hạnh phúc và vững bền thường “tìm ra năm điểm tích cực trên một điểm tiêu cực khi giải quyết mâu thuẫn. Ngược lại, những cặp đôi có xu hướng ly hôn thường đưa ra ít hơn một điểm tích cực trên mỗi một điểm tiêu cực”.
6. Dành thời gian cùng nhau mỗi ngày
Thời gian rất có ý nghĩa trong việc xây dựng tình yêu. Theo các chuyên gia xã hội học, các cặp vợ chồng dành thời gian cho nhau càng ít thì khả năng ngoại tình càng cao. Vì vậy, nếu bạn muốn có một mối quan hệ hài hòa và đời sống chăn gối nồng nàn, đừng quên dành thời gian sẻ chia, chăm sóc và quan tâm bạn đời.
7. Tôn trọng quy tắc 60/40
Một mối quan hệ bền vững, hạnh phúc sẽ theo công thức 50/50? Không phải! Nó phải là 60/40, tức là bạn cho đi 60 và nhận lại 40.
Đời sống vợ chồng, lòng vị tha và đức hy sinh là yếu tố rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ vững bền. Tuy nhiên, bạn cũng đừng ép buộc mình phải cho đi quá nhiều bởi như thế là tự gây căng thẳng và áp lực cho bản thân.
8. Có những giá trị chung cơ bản
Theo Yourtango, trong hôn nhân, việc có những giá trị chung cơ bản - chung mục tiêu là rất quan trọng. Nói cách khác, nếu bạn là một người phóng khoáng, hãy cưới một người hiểu được điều đó.
Nếu bạn tiết kiệm, người bạn đời của bạn cũng phải hiểu được vì tiền bạc là một trong những “chướng ngại vật” khiến hôn nhân đổ vỡ. Thành công trong hôn nhân không chỉ là việc tìm được người phù hợp, mà bản thân mình còn phải là một người phù hợp.