8 lý do bà mẹ Mỹ khuyến khích con cãi lại

Chị Pamela Li, sống tại Carlifornia (Mỹ), thường để con gái 4 tuổi cãi lại mình, tất nhiên không phải cãi láo, nói những từ ngữ thô lỗ.

8 lý do bà mẹ Mỹ khuyến khích con cãi lại

Chị Pamela Li đã chia sẻ lý do cho phép con cãi lại trên trang Parentingforbrain.

Cãi láo thường là hậu quả từ việc bố mẹ không lắng nghe ý kiến của con, dẫn đến việc chúng bị ức chế và có những phản ứng tiêu cực. 

Còn cãi lại, đôi khi là cách thức giao tiếp mà qua đó tôi khuyến khích con được bày tỏ suy nghĩ của mình.

Giúp con cư xử văn minh, tôn trọng

Khi con muốn cãi lại bố mẹ một vấn đề nào đấy, tôi sẽ dạy con phải bình tĩnh, đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Đồng thời, con không được phép sử dụng những từ ngữ thô lỗ hay có thái độ hỗn hào với bố mẹ.

Bằng cách đó, tôi giúp con có được sự bình tĩnh, cũng như luyện được cách phản ứng, giao tiếp văn minh và tôn trọng người khác.

Giúp con tôn trọng ý kiến người khác

Mỗi khi con cãi lại một vấn đề gì đó, tôi đều ngồi yên, lắng nghe hết toàn bộ ý kiến của con. Bởi vì tôi tôn trọng con trước nên sau đó con cũng học cách tôn trọng lại bố mẹ. Khi chúng tôi nói, con ngồi lắng nghe trước, sau đó mới nói lại.

Đôi khi, con gái tôi cũng thể hiện một số hành vi không đúng mực. Nhưng ngay khi được bố mẹ chỉ sai, con bé sẽ nghe lời và sửa đổi.

Bố mẹ và con cái nên tăng cường trao đổi. Ảnh: Parentingforbrain

Bố mẹ và con cái nên tăng cường trao đổi. Ảnh: Parentingforbrain.

Giúp con quyết đoán

Nhiều đứa trẻ thường rụt rè, sợ hãi khi bộc lộ suy nghĩ trước bố mẹ. Dù đôi khi ý kiến của bố mẹ không đúng, các con vẫn không dám nói gì và giấu kín ý kiến riêng. Bằng việc khuyến khích con cãi lại, tôi rèn cho con sự quyết đoán, dám nghĩ, dám nói.

Giúp con suy nghĩ nghiêm túc

Nếu con cãi lại đúng, tôi sẽ suy nghĩ về quyết định mình vừa đưa ra và thay đổi. Còn nếu con cãi sai, tôi sẽ không đồng ý và giải thích lý do tại sao.

Việc này giúp cho con gái tôi suy nghĩ về sự việc nghiêm túc và từ nhiều góc độ. Con bé sẽ phải nghĩ kỹ rồi mới đưa ra ý kiến với bố mẹ.

Còn đối với tôi, lắng nghe suy nghĩ của con giúp tôi hiểu rõ hơn quan điểm của con bé về mọi thứ xung quanh, những điều mà đôi lúc tôi đã bỏ quên.

Giúp con suy nghĩ sáng tạo

Khi con cãi lại sai và bị tôi phản bác, ngay sau đó tôi thường khuyến khích con suy nghĩ, đưa ra một giải pháp nào đó khiến cả hai thấy vui vẻ, đồng tình.

Mỗi lần như vậy, tôi nhận ra con có khiếu sáng tạo hơn tôi tưởng rất nhiều.

Giúp con học cách giao tiếp, tranh luận và đàm phán

Đầu tiên, con tôi học được cách cãi lại người khác một cách văn minh, lịch sự. Sau đó, con bé biết được cách tranh luận nếu như không phục, không đồng tình với ý kiến của người lớn.

Cuối cùng, con tôi học được cách đàm phán, đưa ra một thỏa hiệp để cả mẹ và con đều thấy vui vẻ. Đó là những lợi ích trước mắt mà tôi thấy được từ việc khuyến khích con cãi lại.

Giúp con điều tiết cảm xúc

Khi không được lắng nghe ý kiến, con người thường giận dữ và nảy sinh phản ứng tiêu cực. Bằng cách cho con cơ hội cãi lại, tôi đã giúp con được suy nghĩ lại những ý kiến, vấn đề bố mẹ nói.

Nhiều khi, trong quá trình cãi lại, con bé dần hiểu được vì sao tôi lại nói, hay hành động về một vấn đề nào đó.

Và thế là con biết cách điều tiết cảm xúc của mình hơn.

Giúp con nhận ra bố mẹ không phải lúc nào cũng đúng

Bố mẹ không phải là đấng toàn năng và hoàn toàn có thể mắc lỗi, hoặc đưa ra nhận định sai lầm. Tôi không bao giờ dạy con phải chấp nhận một điều gì, chỉ vì do người lớn nói. Thay vào đó, tôi khuyến khích con dùng tư duy, trí thông minh để xác định xem liệu đó có phải điều đúng đắn để nghe theo.

Cách làm trên giúp tôi và con gái có mối quan hệ bình đẳng. Tuy nhiên, cũng có những việc tôi đưa ra và yêu cầu con phải tuân theo tuyệt đối. Những việc này tôi hoàn toàn có lý do chính đáng, nhưng tôi không nói lý do vì con còn quá bé để hiểu.

Đến khi con ở độ tuổi trưởng thành hơn, tôi sẵn sàng giải thích và lắng nghe những ý kiến, phản bác của con.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ