7.000 sinh viên CNTT - TT sẽ được Nhà nước trả lương thực tập

Dự kiến, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền lương, tiền công cho khoảng 7.000 sinh viên học 2 năm cuối ngành CNTT, điện tử, viễn thông đến thực tập tại các doanh nghiệp CNTT-TT ở Việt Nam. Mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng.

7.000 sinh viên CNTT - TT sẽ được Nhà nước trả lương thực tập

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 vừa được công bố chiều nay, 19/3/2014 tại cuộc họp Ban Điều hành triển khai Chương trình Phát triển công nghiệp phần mềm và nội dung số dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng.

Dự thảo đưa ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển được đội ngũ khoảng 300.000 lao động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT có trình độ cao, kỹ năng chuyên môn, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt các yêu cầu sản xuất công nghiệp, dịch vụ của thị trường lao động trong nước và quốc tế; có khoảng 50.000 lao động đạt trình độ tương đồng các nước tiên tiến trong ASEAN và khoảng 10.000 lao động đạt chuẩn hoặc tương đương chuẩn của các nước phát triển.

Để đảm bảo tính khả thi cho mục tiêu này, dự thảo Chương trình Phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2020 đã đề xuất triển khai dự án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT.

Theo đó, hỗ trợ đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng làm việc thực tế và đưa khoảng 7.000 sinh viên 2 năm cuối ngành CNTT, điện tử viễn thông đến nghiên cứu và thực tập tại các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT ở Việt Nam; huy động ít nhất 5 doanh nghiệp CNTT lớn và 10 cơ sở đào tạo trong lĩnh vực CNTT-TT tham gia dự án.

Đối tượng đào tạo là sinh viên đang học 2 năm cuối các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành CNTT, điện tử, viễn thông có đạo đức, học lực tốt, có trình độ tiếng Anh đạt yêu cầu cùng một số tiêu chuẩn khác tùy theo từng đối tượng, nhiệm vụ cụ thể.

Dự kiến, kinh phí từ ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 10% chi phí tổ chức khóa đào tạo sinh viên về kỹ năng làm việc, ngoại ngữ và kỹ năng chuyên sâu theo yêu cầu của doanh nghiệp nhận sinh viên nhưng không quá 2 triệu đồng/sinh viên/khóa; hỗ trợ 50% kinh phí mà doanh nghiệp tham gia dự án phải chi trả đối với các khoản chi sau: lương trả cán bộ được phân công hướng dẫn sinh viên, chi phí khấu hao tài sản, chi phí văn phòng phẩm, nhưng không quá 1 triệu đồng/sinh viên/tháng.

Đặc biệt, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền lương, tiền công cho sinh viên thực tập nhưng không quá 1 triệu đồng/học viên/tháng.

Cũng hướng tới việc phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao, dự kiến sẽ cho phép bổ sung và ưu tiên phân bổ chỉ tiêu cho sinh viên, học viên khá - giỏi ngành CNTT, điện tử, viễn thông được đi đào tạo dài hạn, đi thực tập lấy kinh nghiệm tại các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo ở nước ngoài theo các chương trình, đề án đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, những chương trình học bổng đào tạo nước ngoài theo các hiệp định nhà nước giữa Việt Nam và Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, sẽ hỗ trợ các cá nhân người Việt Nam đang làm về CNTT trong các tổ chức, doanh nghiệp tham gia sát hạch, thi lấy chứng chỉ kỹ năng về CNTT… với tổng số lượt học viên dự kiến được đào tạo là xấp xỉ 25.000 lượt.

Riêng với hoạt động thi, sát hạch, lấy chứng chỉ quốc tế, mức hỗ trợ kinh phí không quá 6 triệu đồng hoặc 300 USD (tính theo tỷ giá ở thời điểm lập dự án). Đối với chứng chỉ trong nước, ưu tiên hỗ trợ các chứng chỉ chứng nhận khả năng sử dụng sản phẩm CNTT do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, mức hỗ trợ kinh phí không quá 1 triệu đồng/chứng chỉ.

Theo ITC news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.