70% siêu đạn dẫn đường Excalibur bắn trượt mục tiêu

GD&TĐ -Căn cứ vào kết quả thực chiến cho thấy, đạn dẫn đường siêu chính xác Excalibur của Mỹ chỉ bắn trúng mục tiêu với tỉ lệ hơn 30%.

Lựu pháo M777 và đạn dẫn đường Excalibur.
Lựu pháo M777 và đạn dẫn đường Excalibur.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Interfax, chuyên gia quân sự Nga, Đại tá nghỉ hưu Mikhail Khodarenok đã gây bất ngờ khi tuyên bố về độ chính xác của loại đạn pháo dẫn đường chính xác nhất của Mỹ hiện nay là Excalibur.

"Căn cứ vào kết quả nghiên cứu về Excalibur khi thực chiến trong thành phần của Quân đội Mỹ và đối tác thời gian qua đã chứng minh thực tế không như Mỹ ca ngợi. Chỉ trên 30% quả đạn Excalibur được bắn đi đánh trúng mục tiêu", chuyên gia Khodarenok nói.

Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Khodarenok đã nói về tình huống cỗ xe chiến đấu hỗ trợ tăng Terminator của Nga bị pháo binh Ukraine dùng M777 và đạn Excalibur đánh trúng ở ngoại ô thành phố quan trọng Kreminna. Cuộc tấn công được cho là diễn ra hồi đầu tháng 2/2023.

"Khi quan sát kỹ đoạn video được Ukraine ghi lại và công bố có thể thấy, khẩu M777 phải bắn đến quả Excalibur thứ 3 mới đánh trúng xe Terminator trong tình trạng không hoạt động. Tình huống tương tự cũng từng diễn ra nhiều lần khi Mỹ tấn công phiến quân tại Iraq và Syria hồi năm 2018", vị chuyên gia Nga cho biết.

Theo thiết kế, nhờ được định vị GPS, loại đạn pháo dẫn đường này của Mỹ có thể tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Tuy nhiên, nếu đụng độ đối phương có khả năng cao về tác chiến điện tử, gây nhiễu tín hiệu GPS như Nga thì Excalibur sẽ không khác gì đạn pháo thông thường.

"Đây chính là nguyên nhân khiến ít người còn nhắc đến Excalibur chỉ sau một thời gian ngắn chúng được Mỹ chuyển giao cho Quân đội Ukraine", ông Khodarenok nói.

Cả Ukraine và Nga đều sử dụng lượng lớn đạn pháo từ khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2/2022. Theo Interfax, Nga bắn khoảng 20.000 viên đạn pháo mỗi ngày, còn Ukraine khai hỏa 4.000-7.000 viên, thấp hơn đối phương nhưng vẫn nhiều hơn khả năng sản xuất của các công ty vũ khí phương Tây.

Thực tế đã được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 13/2 thừa nhận chiến sự tại Ukraine đang tiêu tốn lượng lớn đạn dược và làm cạn kiệt kho dự trữ của đồng minh.

"Tốc độ tiêu thụ đạn hiện tại của Ukraine cao gấp nhiều lần năng suất hiện tại của chúng tôi. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi vào tình trạng căng thẳng", ông Stoltenberg nói.

Các quốc gia thành viên NATO viện trợ hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine từ khi chiến sự bắt đầu, trong đó Mỹ dẫn đầu với tổng hỗ trợ hơn 29,3 tỷ USD. Giới chuyên gia phương Tây đánh giá chiến sự Nga - Ukraine đã bước vào giai đoạn tiêu hao, khiến các thành viên NATO chật vật để có đủ vũ khí nhằm củng cố năng lực quốc phòng của họ lẫn hỗ trợ Kiev.

Không quốc gia thành viên NATO nào ngoài Mỹ có kho vũ khí lớn cho trận đấu pháo quy mô lớn như chiến sự Nga - Ukraine, cũng như không có năng lực công nghiệp đủ để tạo nguồn dự trữ lớn như vậy.

Giới chuyên gia cho rằng, với tốc độ sản xuất như hiện tại, ngay cả khi chiến sự Nga - Ukraine kết thúc sớm, châu Âu vẫn phải cần tới 15 năm để lấp vào khoảng trống kho vũ khí hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ