7 thanh niên tử vong ở đại nhạc hội và cảnh báo những sai lầm tuổi teen cần tránh

GD&TĐ - Sự việc 7 thanh niên tử vong nghi do sốc chất kích thích tại đại nhạc hội điện tử khiến dư luận hết sức bàng hoàng. Các nạn nhân đều nằm trong độ tuổi còn rất trẻ, có năm sinh từ 1990 đến 2000. Đây là nỗi đau lớn, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh các bậc cha mẹ về việc quan tâm đến tâm lý nổi loạn của con em mình.

Hình ảnh tại lễ hội âm nhạc tối 16/9 tại công viên nước hồ Tây.(Ảnh:news.zing.vn)
Hình ảnh tại lễ hội âm nhạc tối 16/9 tại công viên nước hồ Tây.(Ảnh:news.zing.vn)

Là một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, từ kinh nghiệm đức rút nhiều năm, TS. Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ ra một số sai lầm mà tuổi trẻ thường mắc, dễ dẫn đến bi kịch không thể cứu vãn. Đồng thời, cũng khuyến cáo cha mẹ nên lưu ý đến những đặc điểm này để kịp thời uốn nắn và giúp con phát triển đúng quỹ đạo.

1. Bi kịch hóa cuộc đời mình

TS. Vũ Thu Hương chia sẻ rằng: Tuổi teen thường hay thấy mình khổ hơn người khác. Các bạn luôn phóng to những điểm thiệt thòi của mình và thu nhỏ phần vất vả của người khác lại. Đồng thời các bạn cũng thường cảm thấy oan ức, thấy bất công và nghĩ rằng cuộc đời này đã đối xử với các bạn tệ hơn rất nhiều những gì các bạn hi vọng.

Cha mẹ cần giúp con hiểu rằng, con đang hiểu nhầm nghiêm trọng. Ai cũng phải trải qua nhiều khó khăn gian khổ và ai ai cũng phải chịu hoặc từng chịu bất công. Vì thế, đừng bi kịch hóa cuộc đời của mình, điều đó không giúp gì cho con cả. Chỉ có sống tích cực, lạc quan và luôn phấn đấu mới có cuộc sống tốt đẹp.

2. Hiểu lầm cha mẹ

Teen vẫn còn tính hay ghen tị rất lớn, thường ngắm nghía và so bì với người khác để thấy cha mẹ thật tệ, cha mẹ không hiểu mình, cha mẹ chiều em/chị/anh mình hơn…. Nhiều bạn thấy như bị bỏ rơi, các bạn luôn thấy cha mẹ lạc hậu, kém cỏi, giỏi mắng mỏ nhưng hiểu biết ít.

Các bạn trẻ hãy hiểu rằng, cha mẹ các bạn đều đã trải qua tuổi trẻ. Họ biết và nhìn xa hơn. Các thế hệ trước đều biết là với tính cách như thế, với cách học tập và lao động như thế… thì hệ quả/hậu quả là gì. Vì thế, nếu bố mẹ có nói nhiều 1 chút, trách móc 1 chút, ghê gớm 1 chút, thì cũng là vì thương các bạn, lo lắng cho các bạn.

TS Vũ Thu Hương khuyên các bạn trẻ, đừng giấu diếm khuyết điểm hay lỗi lầm với cha mẹ. Vì có những việc nếu không nhận được sự giúp đỡ kịp thời của những người từng trải sẽ để lại nhiều hệ lụy lớn hơn rất nhiều, đôi khi khiến teen lao dốc.

3. Tưởng mình đã trưởng thành

Đây là ảo tưởng của hầu hết các teen. Hãy làm 1 phép thử nhỏ, các bạn tưởng tượng, nếu không có cha mẹ bên cạnh, các bạn sẽ ăn bằng gì, sống bằng gì trong thời gian 1 năm. Hãy nhớ rằng, tiền các bạn đang tiêu, cơm các bạn đang ăn đều do cha mẹ làm ra. Nếu các bạn tự lo được bữa ăn cho mình, tiền tiêu vặt của mình bằng sức lao động thật sự thì lúc đó hãy tin là mình đã TẠM LỚN. Còn nếu vẫn cần có sự trợ giúp của cha mẹ thì các bạn chưa lớn tí nào đâu cả nhé, dù các bạn đã bao nhiêu tuổi rồi.

4. Tưởng mình hiểu biết

Kiến thức là vô bờ. Tuy nhiên, nhiều teen mắc sai lầm là tưởng mình đã ở "tận cùng của hiểu biết". Trong hiểu biết bao gồm: kiến thức và tầm nhìn, có thể một số môn học các bạn giỏi hơn bố mẹ (hiểu biết hơn) nhưng tầm nhìn thì chắc vẫn còn hạn chế.

Nếu các bạn tự xây dựng được cho mình tương lai một cách chi tiết và mạch lạc đến năm 40 tuổi và thực hiện được nghiêm túc dù chỉ 1 phần nhỏ, lúc đó các bạn sẽ có tầm nhìn tương đối ổn để gọi là hiểu biết. Còn nếu chưa thì hiểu biết của các bạn vẫn chưa đáng là bao nhiêu.

5. Đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài

TS. Vũ Thu Hương nhận định: Điều này thật sự rất khó tránh khỏi với các bạn tuổi teen. Nhưng các bạn trẻ nên nhớ rằng, việc thần tượng hóa một ai đó thông qua vẻ bề ngoài của họ không những là hành động thể hiện tầm hiểu biết kém cỏi mà còn có thể gây hại cho chúng ta. Có nhiều bạn đã vì chữ "hot" mà đánh đổi rất nhiều thứ. Cũng có bạn hi sinh vì thần tượng 1 cách quá ngốc nghếch.

Thực ra, ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Các bạn thay vì thần tượng ai đó, hi sinh chiến đấu vì họ, hãy nghiêm túc kiểm điểm và đẩy mạnh bản thân lên. Chẳng có lý do gì để bạn không trở thành thần tượng trong mắt ai đó.

7 người tử vong, 5 người vẫn đang cấp cứu sau đại nhạc hội diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây tối 16/9 (Ảnh: tienphong.vn)
7 người tử vong, 5 người vẫn đang cấp cứu sau đại nhạc hội diễn ra ở Công viên nước Hồ Tây tối 16/9  (Ảnh: tienphong.vn)

6. Quá coi trọng bạn bè

Các bạn trẻ hãy phân biệt, bạn là những người đến với ta khi ta khó khăn, khóc khi ta buồn, giúp khi ta cần, chia sẻ với ta mọi thứ. Bè, đến với ta và nhờ vả ta khi ta mạnh, bỏ đi khi ta yếu, cười cợt nói xấu ta sau lưng.

Giữa một lớp học, một tập thể, may mắn lắm chúng ta chỉ gặp và có thể có 1 người bạn từ đó. Nhưng cha mẹ là những người bạn luôn tốt với ta. Tỉ lệ những người bạn tốt tên là cha mẹ cao đến 99% còn tỉ lệ bạn tốt đến từ các tập thể và cùng lứa lại chỉ có từ vài đến mười mấy phần trăm thôi. Vì thế, bạn trẻ hãy suy nghĩ kĩ trước khi coi trọng bạn bè hơn cha mẹ.

7. Tưởng chơi ngông là bản lĩnh

Đây là sai lầm khá phổ biến ở các bạn trẻ, đặc biệt với nam giới. Nhiều bạn thấy cảnh rú ga lao vút trên đường là rất cute, rất bản lĩnh. Nếu tầm nhìn hữu hạn thì mọi thứ đơn giản là vậy. Tuy nhiên, chỉ cần nghĩ xa hơn chút nữa, các bạn sẽ nhìn ra phía sau cảnh rú ga, lao ầm ầm đó là bệnh viện với máu me, xương cốt hoặc cảnh đám tang u buồn. Chơi ngông chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là bản lĩnh.

Vậy bản lĩnh là gì? Khi bạn gặp khó khăn lớn, bạn vững vàng vượt qua một cách tài tình và xuất sắc, chính lúc đó, bản lĩnh của các bạn đã cao lên một bậc. Bản lĩnh là không bị lôi cuốn hay a dua theo đám đông quá khích. Một người bản lĩnh là người không chùn bước trước bất kể 1 khó khăn trở ngại nào, chỉ lẳng lặng làm và lẳng lặng thành công.

"Tuổi trẻ đừng phí hoài để chơi ngông, hay thể hiện "đẳng cấp" tức thời. Hãy giành thời gian tự trau dồi mình trở thành người bản lĩnh. Hãy ghi nhớ rằng: Người đáng được coi trọng là người luôn tự trọng, luôn có ích cho gia đình và cho xã hội" - TS. Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ