7 điều giúp các bà vợ từ bỏ thói quen phàn nàn

Phàn nàn là một thói quen xấu ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ bản thân bạn mà còn là một trong những nguyên nhân gây tan vỡ hạnh phúc gia đình.

7 điều giúp các bà vợ từ bỏ thói quen phàn nàn

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thói quen phàn nàn có thể ảnh hưởng đến não của chúng ta, tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Thói quen xấu này khiến bạn luôn thấy không hài lòng với cuộc sống hàng ngày và có thể dẫn đến các chứng lo âu, trầm cảm và rối loạn cảm xúc khác. Bản thân người phàn nàn không vui vẻ gì, mà người chịu đựng những lời phàn nàn này càng khổ hơn. Rất nhiều đàn ông thừa nhận họ không muốn về nhà để tránh nghe những lời càu nhàu liên miên không dứt của vợ.

Nếu bạn đang cố gắng từ bỏ thói quen phàn nàn, dưới đây là một vài quy tắc bạn nên ghi nhớ:

Đừng bận tâm vào những thứ bạn không thể kiểm soát hay thay đổi

Có rất nhiều điều mà bạn không thể thay đổi hoặc kiểm soát dù đã cố gắng hết sức, vậy thì hãy học cách chấp nhận và thích nghi với nó. Nếu bạn cứ giứ nguyên thói quen soi mói đến từng chi tiết nhỏ trong ngày, bạn sẽ dễ dàng bị “quá tải” và làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Hãy tìm những thứ khác mà bạn thấy yêu thích để quên đi những chuyện làm bạn bực mình.

Hài lòng với những gì bạn có

Nhiều người thường tham vọng quá nhiều, mà khả năng lại có hạn, khi không được như người khác thì bắt đầu phàn nàn. Nếu bạn là người như vậy, bạn nên cảm ơn những gì bạn có trong cuộc sống của bạn, bởi vì chỉ đơn giản là bạn vẫn còn đang sống và có đủ sức khỏe để...càu nhàu.

Cách giải quyết cho những trường hợp như thế này là tạo một danh sách những điều bạn có và bạn sẽ thấy rằng bạn không có bất kỳ lý do gì để phàn nàn nữa. Hãy nhớ phàn nàn không giúp bạn giàu hơn, giỏi hơn hay xinh đẹp hơn. Cố gắng để biến lời kêu ca của mình thành hành động và bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn sẽ thay đổi rất nhiều.

Suy nghĩ tích cực

Những người hay phàn nàn là những người luôn luôn suy nghĩ tiêu cực, sợ sai, sợ thất bại nên không dám quyết đoán. Vì thế để trở thành người tích cực thực sự khó khăn và cần nhiều thời gian.

Hãy học cách chấp nhận thực tế rằng không có gì hoàn hảo. Đừng sợ phạm sai lầm và thất bại - tất cả những sai lầm và thất bại đều là bài học đáng quý để cải thiện cuộc sống của bạn.

Chủ động để thích ứng với những thay đổi

Cuộc sống đầy những thay đổi. Học làm thế nào để thích ứng với tất cả những thay đổi khó lường trong cuộc sống mới có thể giúp bạn tồn tại.

Hãy luôn sẵn sàng để đối mặt với mọi tình huống, và chuẩn bị sẵn tâm lý chấp nhận để có thể bình thản đón nhận những kết quả tồi tệ nhất. Đừng chỉ ngồi một chỗ kêu ca và chờ đợi có người giúp đỡ, hay chờ một vận may mỉm cười với mình. Vận may chỉ đến với những ai biết cố gắng và chớp lấy thời cơ.

Quyết đoán

Những người hay càu nhàu thường là những người thụ động, ỷ lại và không có chính kiến, khi thất bại lại luôn tìm mọi cách đổ lỗi cho người khác và không muốn nhận trách nhiệm về bản thân. Không ai có thể sống thay bạn hay gánh trách nhiệm cho bạn cả đời.

Hãy tự mình quyết đoán trong mọi việc, dám làm dám chịu. Dù có những lúc vấp ngã, nhưng bạn sẽ được làm chủ cuộc sống của mình và không bị người khác khinh thường vì sống “tầm gửi”.

Đừng phán xét người khác

Chính bản thân bạn cũng không muốn người khác phán xét về mình, nhất là những người không hiểu rõ về bạn, về câu chuyện mà đã vội đưa ra những phán đoán, nhận xét không chính xác. Vì thế, bạn cũng không nên đi phán xét bất kỳ ai.

Hơn nữa, để tâm quá nhiều đến chuyện của người khác khiến bạn nặng đầu và mất tập trung. Phàn nàn về người khác không làm bạn tốt lên, nhưng nếu đến tai người đó thì mối quan hệ của bạn sẽ dễ bị rạn nứt, mà người nghe bạn phàn nàn cũng sẽ có cái nhìn không tốt về bạn. Hãy dành thời gian đó để làm tốt công việc của bạn hoặc dùng để nghỉ ngơi, thư giãn cho bản thân.

Là người tiên phong

Nếu bạn nói rằng những người xung quanh bạn cũng thường xuyên phàn nàn và kêu ca, bạn bị “nhiễm” thói quen xấu là do môi trường. Vậy tại sao bạn không là người đi đầu làm gương cho mọi người để từ bỏ thói quen này?

Nếu ai đó bắt đầu “mở máy”, hãy cố gắng thay đổi chủ đề câu chuyện và giúp họ nhận ra kêu ca là một thói quen xấu không chỉ gây khó chịu cho mọi người mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

Không còn những lời phàn nàn, bạn sẽ cảm thấy tự do hơn, hạnh phúc hơn và bạn sẽ thực sự bắt đầu tận hưởng cuộc sống.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ