Piyush Jain - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của nền tảng gây quỹ cộng đồng Impact Guru (Ấn Độ) chia sẻ, sai lầm chính mà nhiều bà mẹ mắc phải là nuôi dạy con theo cách họ từng được nuôi dạy. Tuy nhiên, họ đang quên mất rằng, trẻ hiện nay được sinh ra trong một thời đại khác.
Chuyên gia này đã chỉ ra một số dấu hiệu ở trẻ cho thấy, con đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cách nuôi dạy của mẹ.
1. Cắn móng tay
Mặc dù hành vi này chưa hẳn được coi là sai, nhưng vẫn có rất nhiều trẻ mắc phải. Nguyên nhân thường là do trẻ không được bú mẹ hoàn toàn. Tình trạng này xảy ra khi phụ nữ sinh con đầu lòng. Họ chưa có kinh nghiệm và không biết khi nào con mình đã bú đủ. Vì vậy, các bà mẹ này thường cho trẻ dừng bú trước khi con no. Điều này có thể gây ra cảm giác bực bội và lo lắng, khiến trẻ cắn móng tay.
Nguyên nhân thứ hai khi trẻ cắn móng tay được cho là do bầu không khí lo lắng thường xuyên xảy ra trong nhà. Đặc biệt là khi người mẹ không cảm thấy thoải mái, nổi cáu, giận dữ. Một bà mẹ căng thẳng sẽ dẫn đến một đứa trẻ căng thẳng. Và, mọi chuyện có thể tồi tệ hơn khi mẹ mắng trẻ vì cắn móng tay.
2. Nói quá to
Giọng nói lớn là công cụ hỗ trợ trẻ gây sự chú ý. Trẻ thường nói to khi chúng cảm thấy bị phớt lờ hoặc không được đánh giá cao. Và, có thể khi đó, người mẹ dễ bị cuốn vào những hoạt động thường. Họ vô tình không đặt con là ưu tiên hàng đầu.
Một lý do khác là mẹ vô tình so sánh con với những trẻ xung quanh hoặc có lời lẽ khiến bé cảm thấy không được đánh giá cao. Ngoài ra, việc mẹ giữ im lặng hoặc không lắng nghe khi trẻ nói cũng có thể khiến con la hét để gây sự chú ý.
3. Ngắt lời người khác
Đây cũng là một hành động để trẻ được chú ý. Tuy nhiên, trạng thái này được cho là vô cùng nguy hiểm. Bởi, nếu thường xuyên có hành động này, trẻ sẽ có thể luôn muốn trở thành trung tâm và ích kỷ khi trưởng thành.
Song, một trong những nguyên nhân của hành động này có thể là do người mẹ liên tục phớt lờ trẻ. Do đó, trẻ sẽ cảm thấy cách duy nhất để được chú ý là ngắt lời.
Sai lầm của người mẹ nằm ở việc không dành cho con sự quan tâm mà chúng khao khát hoặc hành động như thể chúng không cần nhiều sự quan tâm. Lý do thứ hai là mẹ xem mọi thứ mà con làm là thông minh hoặc dễ thương, trong khi thực tế chỉ ở mức “tạm ổn”. Điều này sẽ gây ra sự thiếu tự tin. Và, trẻ chỉ có thể bù đắp bằng những hành động gây sự chú ý.
4. Tự cao tự đại
Hành vi tự cao đồng nghĩa rằng, trẻ yêu bản thân quá mức. Trẻ luôn muốn được đối xử như em bé và không quan tâm tới số tuổi của mình. Ngoài ra, bất cứ điều gì trẻ làm cũng đều được mẹ coi là dễ thương và tuyệt vời.
Tuy nhiên, chỉ những yếu tố đó là không đủ. Yếu tố chính do người mẹ gây ra là sự ám ảnh đối với trẻ. Bản thân đặc điểm này không được coi là sai trái, nhưng nó thường đi kèm với các hành vi khác.
Ví dụ, trẻ sẽ liên tục ngắt lời, vì đối với bất kể ai đang nói, con đều cho rằng mình thông minh, giỏi hơn và khao khát được chú ý. Khi liên tục đưa ra lý do bào chữa cho hành động này của trẻ, các bà mẹ nên nhận ra rằng, đó không phải là sự giúp đỡ.
5. Ngó lơ mẹ
Điều này thường do mẹ đã đánh mất sự tôn trọng của con mình. Và, đó có thể là kết quả của việc mẹ cố làm “bạn” với con thay vì là phụ huynh. Cụ thể, việc làm bạn sẽ khiến mẹ trở thành một người ít có thẩm quyền hơn. Một nguyên nhân khác là mẹ thường phớt lờ trẻ. Điều này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, phớt lờ người khác là hành vi bình thường.
Một số lý do khác có thể là do trẻ xem quá nhiều tivi hoặc trò chơi điện tử. Khi đó, trẻ quá tập trung và không dễ dàng nhận thức được những gì đang xảy ra xung quanh. Hoặc, đơn giản là trẻ đang mải mê với những gì chúng làm và chọn cách không phản hồi. Không tuân thủ kỷ luật có thể là nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ phớt lờ cha mẹ.
6. Chơi đùa thô bạo
Đây là dấu hiệu của sự thất vọng và tức giận. Và, hành vi của người mẹ có liên quan đến việc kích động điều đó. Điều này đặc biệt đúng nếu trẻ chơi đùa thô bạo với anh chị em của mình. Nguyên nhân của hành vi này có thể do trẻ ghen tị, hoặc các anh chị em được mẹ chú ý. Hay đơn giản là trẻ cảm thấy không được đánh giá cao như anh chị trong nhà.
Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ thô bạo với tất cả mọi người, phụ huynh sẽ cần xem xét nghiêm túc. Có thể là do trẻ bị so sánh theo cách tiêu cực với những đứa trẻ khác. Khi đó, trẻ muốn giải tỏa sự bực bội bằng bạo lực thể chất. Đôi khi, hành vi bạo lực này được trẻ che đậy bởi một trò chơi.
7. Hành động quá độc lập
Điều này không có nghĩa rằng, sự độc lập của đứa trẻ là một hành vi sai trái. Tuy nhiên, sẽ là điều không nên khi trẻ thể hiện sự độc lập quá mức. Nguyên nhân chủ yếu là do người mẹ thiếu quan tâm hoặc không hiểu con mình muốn gì.
Trẻ em sẽ luôn tìm cách để có được thứ chúng muốn hoặc cần. Nếu không được cha mẹ đáp ứng, chúng sẽ cố gắng tự mình có được. Nếu trẻ cố gắng ăn một mình mà không có sự giúp đỡ của cha mẹ, điều đó có nghĩa là chúng không được chăm sóc cẩn thận. Tính cách này thường rất khó thay đổi và trẻ sẽ từ chối bất kỳ quyền hạn nào.
Mặc dù, cha mẹ có thể coi đây là một điểm mạnh của tính cách và khuyến khích sự phát triển ở trẻ, nhưng trên thực tế, đó là dấu hiệu của sự vô trách nhiệm của một bộ phận phụ huynh.