Để có thể bù đắp và hỗ trợ con cái một cách tốt nhất, cha mẹ cần phải giải quyết những cảm xúc của chính mình.
Cha mẹ nên nhận ra rằng, kết hôn là một trong những điều khó thực hiện nhất trên đời và 50% các cuộc hôn nhân dẫn đến... ly hôn. Dẫu vậy, ly hôn không có gì phải xấu hổ. Trong nhiều trường hợp, tốt hơn là người trong cuộc nên cắt đứt mối quan hệ gây đau buồn.
Trẻ em cũng cảm thấy rất lo lắng khi chung sống với sự bất hòa liên tục của cha mẹ. Trong nhiều tình huống, chúng còn phát triển tốt hơn khi mối quan hệ của cha mẹ, dù đã ly hôn, vẫn ở trong trạng thái lành mạnh.
Nếu cha mẹ chấp nhận cảm xúc và mong muốn của con và coi đó là một phần tự nhiên của cuộc sống, họ có thể giúp con vượt qua khó khăn.
Dưới đây là một số chiến lược nhằm xử lý những thách thức đối với con cái sau khi cha mẹ ly hôn:
Giải thích việc ly hôn một cách đơn giản và dễ hiểu
Khi có thể, cả cha và mẹ nên nói chuyện với nhau và tìm cách giải thích tình huống với con, sau đó cùng con thảo luận.
Chẳng hạn, cha mẹ có thể giải thích: “Mẹ và bố suốt ngày cãi nhau và điều đó khiến tất cả chúng ta không vui. Bố mẹ đã quyết định sẽ tốt hơn cho tất cả chúng ta khi mỗi người đều có không gian riêng.”
Cam kết yêu thương con
Hãy trấn an con rằng con sẽ luôn có tình yêu thương của cả cha và mẹ, đồng thời giải thích mọi việc sẽ diễn ra như thế nào.
Chẳng hạn, “Con sẽ dành cuối tuần với bố. Thời gian còn lại con sẽ ở với mẹ.” Việc lên lịch sớm cũng giúp bọn trẻ yên tâm hơn rằng chúng sẽ có thời gian với cả bố và mẹ.
Nói về những cảm xúc mà trẻ cảm thấy một cách tự nhiên
Đôi khi những đứa trẻ giữ cảm xúc của chúng trong lòng vì chúng không muốn làm cha mẹ buồn. (Ảnh: ITN). |
Bạn có thể giải thích: “Việc cảm thấy buồn và tức giận về việc bố mẹ ly hôn là điều bình thường. Những cảm giác này rất khó để giải quyết một mình. Khi con cảm thấy tức giận hay buồn bã, hãy nói với mẹ hoặc bố'.
Đôi khi những đứa trẻ giữ cảm xúc của chúng trong lòng vì chúng không muốn làm cha mẹ buồn. Thường xuyên kiểm tra với con bằng cách hỏi: “Con cảm thấy thế nào về việc bố mẹ ly hôn?”
Trấn an con rằng việc ly hôn không phải lỗi của chúng
Trẻ em có xu hướng “tự cho mình là trung tâm” và tin rằng hành vi hoặc suy nghĩ của chúng gây ra những sự việc tồi tệ. Chúng cần biết rằng người lớn đã đưa ra quyết định này dựa trên mối quan hệ của họ và điều đó không liên quan gì đến con trẻ.
Tránh nói xấu hoặc đổ lỗi cho người cũ
Trẻ em thương yêu và cần cả cha lẫn mẹ. Đối với chúng, cha và mẹ đều có giá trị, vì thế, nói xấu hoặc đổ lỗi cho nhau là điều cấm kị sau ly hôn.
Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp
Trẻ em cũng thu được rất nhiều lợi ích khi tự nói chuyện với nhà trị liệu. (Ảnh: ITN) |
Sẽ rất hữu ích nếu bạn làm việc với một chuyên gia nuôi dạy con cái, hoặc một nhà trị liệu gia đình có kinh nghiệm về ly hôn và có thể hướng dẫn bạn cách xử lý những tình huống khó khăn phát sinh.
Trẻ em cũng thu được rất nhiều lợi ích khi tự nói chuyện với nhà trị liệu. Chúng thường tự do bày tỏ cảm xúc mà chúng nghĩ sẽ làm tổn thương cha mẹ mình.
Cho con thấy cuộc sống vẫn sẽ ổn
Hãy ý thức rằng khi một gia đình sắp ly dị, con cái có thể nổi loạn hoặc có biểu hiện bất thường. Không có gì lạ khi trẻ tè dầm hoặc không chịu nghe lời. Chúng sẽ cần thêm thời gian để thích nghi, từ đó cha mẹ mới có thể hỗ trợ và giao tiếp cởi mở.
Theo thời gian, các triệu chứng này sẽ biến mất khi trẻ thích nghi với những thay đổi. Lập kế hoạch cho một số sự kiện gia đình yêu thích sẽ mang lại cho bọn trẻ cảm giác rằng cuộc sống sẽ diễn ra như bình thường.