7 bước chuyển hóa sân hận để đưa cuộc sống vào trạng thái bình an

Theo tinh thần nhà Phật, chữ nhẫn hàm chứa tư tưởng chuyển hóa sân hận.

7 bước chuyển hóa sân hận để đưa cuộc sống vào trạng thái bình an

Theo tinh thần nhà Phật, chữ nhẫn hàm chứa tư tưởng chuyển hóa sân hận. Thượng tọa Thích Nhật Từ chỉ rõ: Con người rèn được chữ nhẫn là nắm được sức mạnh, đạt được trạng thái bình an trong bất cứ hoàn cảnh nào.

7 bước chuyển hóa sân hận để đưa cuộc sống vào trạng thái bình an ảnh 1

Ảnh minh họa

Kiềm chế sân hận không phải là nhu nhược

Phật tử hỏi: Đứng trước sân hận, con người ta thường có xu hướng dùng sân hận để đối kháng, nhưng người nhẫn thì kiềm chế để không nổi sân si. Những người tu tập thì cho đó là hành vi buông xả, nhưng đối với những người không tu tập thì cho đó là ngu dại và nhu nhược. Vậy theo tinh thần của chuyển hóa sân hận, điều này được giải thích ra sao?

Thượng tọa Thích Nhật Từ: Ý thức về danh phận đôi lúc trở thành động lực để tinh tấn và dấn thân. Nhưng, ý thức danh phận dưới góc độ của bản ngã khiến con người không dám làm những việc tốt cần phải làm. Trên tinh thần câu hỏi vừa nêu, có hai vấn đề liên hệ đến thái độ nhận định. Thái độ nhận định thứ nhất là buông xả lòng sân như sự lựa chọn duy nhất trong tình huống không còn sự lựa chọn nào khác, dù kháng cự cũng không mang lại bất kỳ giá trị gì. Sự buông bỏ lòng sân trong tình huống này giống như lấy đá đè cỏ. Thái độ nhận định thứ hai là nhìn thấy được bản lĩnh và sự sáng.

Người có bản lĩnh, sáng suốt sẽ bất chấp, không quan tâm đến đánh giá tiêu cực khiêu khích của người khác. Bản chất sự phê bình khích động không phản ánh được giá trị thật của con đường bất bạo động. Tương tự, lời khen người khác về hành động tốt của mình cũng không làm tăng thêm giá trị nhân quả đạo đức. Trong sự chỉ trích và tán dương, giá trị con người bất kỳ vẫn bất tăng bất giảm. Phải biết vượt qua dòng cảm xúc dễ bị kích động, để tất cả vũ khí chỉ trích không thể tác động tiêu cực đến.

Cuộc đời có thể nhìn với thái độ tiêu cực, xấu xa, giá trị người ta không theo đó mà bị biến dạng. Quan trọng là khi bị sợ hãi chi phối, con người có thể đánh mất lập trường, do đó, lòng hối tiếc về việc tốt sẽ xuất hiện, mở cửa ngõ cho bất hạnh phát sinh. Người Phật tử cần phải có lý tưởng, thái độ dứt khoát, dấn thân hành trì, bất chấp những lời đàm tiếu của người thiếu thiện chí để biến tình huống tiêu cực thành tích cực và khổ đau thành an vui. Thấy việc gì tốt cho mình, người trong hiện tại và tương lai thì mạnh dạn làm việc đó.

Dùng vô ngã để tháo gỡ ngã sân

Trước ngã sân, ta sẽ dùng tinh thần vô ngã để tháo gỡ phải không? Như thế sân hận, si mê cũng chỉ là hệ quả của sự thiếu vắng ứng dụng về pháp ấn, có phải chăng?

Đây là nhận định phù hợp với tinh thần Phật dạy. Bốn trạng thái tâm lý hữu ngã được câu hỏi nêu ra: thứ nhất, ngã si là sự thiếu hiểu biết về cấu hình và bản chất của bản ngã; thứ hai, ngã kiến, là nhận thức sai lầm về bản ngã, cho rằng bản ngã thường còn, bất biến; thứ ba, ngã mạn, là những biểu hiện tâm lý đề cao cái tôi hơn mọi người, trở thành thái độ cống cao, tự đại; thứ 4, ngã ái, là thái độ chấp trước, tôn bản ngã là thần tượng tuyệt đối, ai đụng đến là hận thù và thanh toán. Bốn trạng thái hữu ngã đó trở thành thành trì vững chắc, bảo vệ cái tôi trong vòng lao lung khổ lụy. Lửa sân hận có thể bốc cháy bất cứ lúc nào khi cái tôi bị thách thức.

Người Phật tử hành trì về quy luật vô ngã, sẽ hiểu, không có một bản ngã thường tồn bất biến. Ngã chỉ là hợp thể nhân tính gồm 5 nhóm yếu tố, vật lý, cảm thọ, ý niệm hóa, vận hành ý niệm, nhận thức của các giác quan. Người nhìn thấy sự vận hành của hợp thể nhân tính như vừa nêu, sẽ không cho phép mình cuồng si về bản thân, vì sự nuông chiều ngã chấp dẫn đến khổ đau cho mình và người. Nhưng nếu cho thân thể là cứu cánh, sẽ trở thành nô lệ nó, thay vì nó phải phục vụ cho cuộc sống, hạnh phúc của mình và người.

Hiểu được duyên khởi, nhân quả, vô thường, vô ngã thì bốn trạng thái ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái vắng mặt, nếu không tuyệt đối cũng được vài mươi phần trăm. Các sân hận xuất phát từ ngã si, ngã kiến, ngã mạn, ngã ái cũng theo đó chấm dứt. Đây là quy trình tu tập rất hay, áp dụng đúng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp.

Những bước thấu triệt hạnh phúc

Theo tinh thần Phật pháp thì có bao nhiêu cách chuyển hóa sân hận?

Theo quan điểm của Phật giáo, chuyển hóa sân hận được cô đọng qua các nội dung như sau:

Trực diện và nhận thức: Trong kinh điển thiền quán Minh Sát, đức Phật có dạy rằng khi thiền quán, bất cứ cảm thọ hay tâm tình nào nổi lên chúng ta đều nên giác biết. Nhờ giác biết như vậy (tức là trực diện và nhận thức) mà những tâm tình đó không còn gạt mình nữa; nghĩa là chúng sẽ không dẫn thân và khẩu của mình đi tạo nghiệp.

Thấy tất cả tâm thức đều là vọng: Theo Thiền Tông Đại Thừa thì chúng ta phải buông xả tất cả vọng tưởng để trở về với chân tâm thanh tịnh, như Lục Tổ dạy Thượng Tọa Minh “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh”. Ví như dù bụi bặm hay mạt vàng đi nữa nếu đã rơi vào mắt thì sẽ gây tai hại cho mắt. Dù là suy nghĩ lành hay xấu, sự suy nghĩ đó cũng lạc vào chấp thủ hai bên; có nghĩ lành thì chắc chắn sẽ có nghĩ xấu; có nghĩ xấu thì từ từ sẽ nghĩ lành lại. Lành và xấu như hình với bóng, như ngày với đêm. Vì vậy, hành giả nếu muốn vượt lên sự chấp thủ hai bên (nhị nguyên) đó thì phải buông xả hết tất cả để trở về với tâm chân thật.

Nhận thức tham là gốc hay là anh em song đôi của sân: Như câu chuyện ghen tương của nữ phi hành gia Lisa Marie Nowak, Hoạn Thư, v.v… Do đó, chúng ta nhớ rằng tham nhiều thì sân nhiều. Tham ít thì sân ít. Không tham thì sân cũng không còn.

Lấy từ bi xóa bỏ hận thù: Khi tâm vừa khởi sự bực tức thì có thể quán chiếu rằng mình càng nên thương người đã và đang hại mình nữa, vì họ đã và đang tạo nghiệp xấu để bị đọa lạc trong tương lai.

Nương nhờ vào thần lực của chư Phật và chư Bồ Tát: Như trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, Bồ Tát Quán Thế Âm có dạy rằng nếu người nào nhiều sân hận thì khi niệm danh hiệu của Ngài thì liền hết sân hận. Nếu chúng ta có niềm tin chắc thật vào Ngài thì mỗi khi khởi tâm sân lên, nên niệm “Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát”. Ngoài ra, nhờ thường niệm danh hiệu và nghĩ nhớ đến lòng đại từ đại bi thương chúng sanh như con một của Ngài mà từ từ chúng ta sẽ chuyển hóa được vọng tâm đó. Lại nữa, đối với hàng Phật tử Việt Nam, chúng ta cũng có thể đọc tựng thần chú Đại Bi vào mỗi khi tâm tình vọng động đó nổi lên, hoặc nhờ hằng ngày trì tụng thần chú này mà cũng có thể nương nhờ vào oai lực gia trì của Bồ Tát để chuyển hóa tâm sân đó. Đối với các Phật tử tu theo pháp môn Tịnh Độ, mỗi khi con rắn đó bò vào nhà tâm thức thì mình liền niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” để cảnh tỉnh. Đối với hành giả Mật Tông cũng vậy, nhờ thường trì niệm thần chú nên chuyển hóa được con rắn sân hận đó.

Huân tập thói quen buông xả vọng niệm: Hàng ngày, những cơn hỉ, nộ, ái, ố bám theo chúng ta như bụi bặm bám trên thân mình. Cứ suy nghĩ đi, nếu hoặc một ngày, cho đến một tháng mà chúng ta không tắm rửa thì mình mẩy khó chịu đến dường nào. Cũng vậy, nếu chúng ta tự nhủ với lòng mình rằng mỗi khi bụi bặm sân hận nổi lên, chúng ta nên cố gắng tập hạnh buông xả nó, như thể mình đang tắm rửa cho thân, thì nó không có cách nào bám víu hoặc quấy rầy mình nữa. Đó là những cách thức chuyển hóa tâm sân hận tổng quát. Nếu chúng ta áp dụng được thì sẽ tìm được hạnh phúc ở cuộc sống thực tại.

Biết tâm sân hận sẽ đưa mình xuống hố thẳm đọa lạc: “Giận mất khôn” là điều mà mọi người đều hiểu rõ. Do đó, chúng ta cố gắng nhắc nhở mình đừng nuôi con rắn độc đó mãi bằng cách quán chiếu hay nhớ đến những câu chuyện thương tâm đã xảy ra cho mình và cho người chỉ vì con rắn độc đó.

Theo giadinh.net.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.