61 thí sinh không trúng tuyển vào lớp 10, nếu muốn tiếp tục theo học thì buộc phải vào đất liền ở trọ, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc học nghề.
Để giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình học sinh, các cấp chính quyền đã tính đến giải pháp sẽ giao cho Trường THPT Lý Sơn đảm nhiệm việc dạy – học cho số học sinh theo hệ GDTX ngay tại đảo.
Thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn - cho biết, sau khi giải thể Trung tâm GDTX Lý Sơn vì hoạt động không hiệu quả (3 năm trước), toàn bộ số học viên được chuyển qua học tại trường.
Mỗi năm, huyện Lý Sơn cấp bổ sung cho nhà trường 150 triệu để trả tiền tăng tiết cho giáo viên đảm nhận việc giảng dạy. “Vì số lượng của mỗi khóa không nhiều, từ 5 - 15 học viên nên chúng tôi xếp chung thời khóa biểu với học sinh hệ phổ thông. Phụ huynh cũng có nguyện vọng cho con em họ theo học các môn mà hệ GDTX đã giảm tải, chỉ cần không kiểm tra, đánh giá là được. Tập thể hội đồng sư phạm nhà trường nhận thấy nguyện vọng này là chính đáng và cũng không quá phức tạp trong quản lý sĩ số, nền nếp nên chấp thuận” – thầy Long cho biết.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học viên hệ GDTX đang theo học tại Trường THPT Lý Sơn những năm qua, theo thầy Long, đều đạt 70% trở lên, như năm 2022 là 84%.
Tuy nhiên, với số lượng 61 học sinh nếu theo học hệ GDTX ngay tại trường sẽ phát sinh nhiều khó khăn.
“Với số học sinh này, buộc phải biên chế thành 2 lớp, lúc đó bài toán phân công giáo viên đứng lớp sẽ khác. Từ khi nhận thêm nhiệm vụ của Trung tâm GDTX huyện chuyển giao qua, nhà trường phân công giáo viên giảng dạy trên tinh thần tự nguyện và thanh toán tiền tăng tiết.
Chủ yếu, thầy, cô giáo nhận thêm nhiệm vụ cũng là để tạo điều kiện cho con em huyện đảo với những khó khăn đặc thù, cách xa đất liền, huyện lại không có trường đào tạo nghề ngay tại chỗ” – thầy Long chia sẻ.
Sau khi rà soát lại các căn cứ pháp lý, nhận thấy một trường phổ thông công lập không thể đảm nhận nhiệm vụ đào tạo cả hai hệ phổ thông và GDTX, mô hình này buộc phải thay đổi.
Thầy Long thừa nhận, mô hình này thực ra mang tính chất hỗ trợ cho học sinh nhiều hơn, để các em không phải di chuyển vào đất liền, trọ học xa nhà, nếu được “tình” thì mất “lý” nên chỉ có thể chọn một.
Do đó, nếu 61 học sinh này học tại Trung tâm GDTX của tỉnh mà vẫn ở lại Lý Sơn thì chỉ có thể giải quyết theo hướng mượn cơ sở vật chất của trường, hợp đồng giáo viên nhà trường để đứng lớp dạy học.
Lúc đó, nhà trường không làm nhiệm vụ quản lý học viên hệ GDTX như trước đây nữa. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về chỗ học cho 61 học sinh này.